CSVN – Ngày cả gia đình dắt díu nhau từ Thái Bình vào Bình Phước lập nghiệp, cụ Nguyễn Thị Nở chỉ mong sao thoát khỏi cảnh đói ăn. Phát quang rừng làm rẫy, trồng lúa rồi làm công nhân cao su. Sau gần 40 năm nhìn lại, cụ vui mừng khi gia đình mình đã đổi đời.
Từ mong ước đủ gạo cho các con ăn…
Trong chuyến công tác tại Nông trường 4, Công ty TNHH MTV CS Phú Riềng, chúng tôi có dịp ghé thăm nhà cụ Nguyễn Thị Nở, gia đình có truyền thống ba đời làm cao su. Dù năm nay đã bước sang tuổi 85 nhưng cụ vẫn nhớ như in những ngày đầu rời quê hương vào Bình Phước với lời nhắn nhủ, “Ngoài này không có củ mì mà ăn, ở trong đó củ mì nhiều lắm, người ta đem cho heo ăn không à”. Thời đó, cụ nghĩ với 8 đứa con nheo nhóc đói ăn, phải đi vào trong đó thôi. Năm 1977, gia đình cụ vào Bình Phước, phá rừng lồ ô trồng lúa, làm thuê làm mướn để đủ đổi thức ăn cho các con.
Sau đó, cụ xin vào làm công nhân vườn ươm cao su. Cụ nói: “Nếu mà kể về cái khổ của thời kỳ đầu khi vào đây thì kể cả ngày không hết. Tôi đi làm công nhân vườn ươm cao su hàng tháng đong gạo cho các con. Sau này, các con tôi lớn lên cũng tiếp nối vào làm công nhân cao su. Đấy, ngày xưa có dám ước mong gì cao sang đâu nhưng nay già nhìn lại thì đổi đời thật các cô chú ạ”.
Tiếp lời cụ, anh Nguyễn Đức Hường, con trai, nguyên là cán bộ nông nghiệp Nông trường 4 cho biết: “Thời mới vào ai cũng chưa biết gì về cao su nhưng sau đó làm dần quen. Tôi nhớ hồi năm 1986 lần đầu tiên lãnh lương bằng tiền, lương đội trưởng của tôi được 59 đồng. Rồi cũng có thời gian ngành cao su gặp khó ở những năm 1999 – 2000. Những năm gần đây, năng suất lao động tăng và đời sống công nhân ngày càng phát triển. Năm giá mủ cao, lương thưởng tháng cuối năm của vợ chồng tôi gần 200 triệu ”.
…đến đổi đời nhờ cao su
Gia đình của cụ hầu hết đều làm cao su, con cháu đông, người đi học Đại học, người ở nhà cũng được gia đình định hướng làm công nhân cao su. Có mặt trong buổi gặp hôm đó có anh Nguyễn Đức Thành là cháu nội của cụ, hiện cũng là công nhân khai thác Tổ 6, Nông trường 4.
Anh Thành làm công nhân được 14 năm, ngoài ra vợ chồng anh còn tranh thủ chăm sóc cho 2 hecta cao su của gia đình và cạo phụ vườn cây cho gia đình người cô. Anh bảo: “Ở đây, ngoài lương ai cũng có vài mẫu cao su hoặc điều. Nhờ vậy, kinh tế mới vững được chứ. Trong xóm nhiều gia đình cũng như chúng tôi, gắn bó với cao su, dù khó nhưng lương vẫn được Công ty CS Phú Riềng đảm bảo ổn định, mà giả sử như lương có xuống 3 triệu thì chúng tôi vẫn làm công nhân”.
Rất hân hoan, cụ chia sẻ: “Không phải khoe chứ ngày xưa làm công nhân, tôi có nhiều giấy khen lắm. Mà vui lắm, hạnh phúc lắm đấy, bây giờ các con ai cũng kinh tế khá giả, có điều kiện nuôi các con ăn học đại học, người thì ra trường ở lại TP.HCM lập nghiệp, ai không đi học thì tiếp tục gắn với nghiệp cha anh ông bà là gắn bó với cây cao su”.
“Chúng tôi không hề hối tiếc khi vào vùng cao su lập nghiệp. Trước nhà tranh tre vách lá, đi từ nông trường đến công ty cả mấy tiếng đồng hồ. Nay thì khác rồi, đổi thay nhiều lắm, nhà cửa khang trang, đường đổ bê tông, các khu dân cư đông đúc tấp nập. Đổi đời thật đấy. Còn cao su trong giai đoạn khó khăn này tôi tin rồi sẽ qua, ai nói gì thì nói, các con cháu tôi thì cứ gắn bó, việc mình mình làm. Nói về bám trụ với nghề thì công nhân cao su là nhất”, cụ kết luận.
Lâm Khanh. Ảnh: Tùng Châu
Related posts:
- Tấm gương nữ Đảng viên trẻ học và làm theo Bác
- Anh công nhân đa tài ở cao su Dầu Tiếng
- "Chiến sĩ áo trắng" ngành cao su: Những kỷ niệm khó quên
- Gặp gỡ các gương điển hình đầu năm
- Chuyên gia sáng kiến, cải tiến
- Anh hùng Lao động Lê Văn Khoa: Bản lĩnh trên mọi mặt trận
- Chuyện nghề bảo vệ cao su
- Sức trẻ ở Nhà máy 28/10
- Hoàn thành sản lượng trước 5 tháng
- "Giải thưởng tiếp thêm động lực để thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ"