“Vàng trắng phía Bắc chứa bao tâm huyết, nghĩa tình”

CSVN – Lúc còn công tác, Phó TGĐ VRG Nguyễn Hồng Phú là “vị tư lệnh” được giao phụ trách cao su khu vực miền núi phía Bắc. Vì thế, ông có nhiều năm gắn bó và hiểu biết từng dự án cao su. Nhân kỷ niệm 10 năm phát triển cao su miền núi phía Bắc, ông chia sẻ cùng PV Tạp chí CSVN.
Phó TGĐ VRG Nguyễn Hồng Phú kiểm tra vườn cây KTCB ở Công ty CPCS Hà Giang năm 2013. Ảnh: Phi Long
Phó TGĐ VRG Nguyễn Hồng Phú (bên phải) kiểm tra vườn cây KTCB ở Công ty CPCS Hà Giang năm 2013. Ảnh: Phi Long

Tôi phụ trách cao su miền núi phía Bắc (MNPB) vào năm 2010, khi cây cao su đã phủ xanh 10.000 ha ở vùng đồi núi. Đến khi tôi nghỉ hưu vào đầu năm 2015, đã có gần 30.000 ha sinh trưởng, phát triển tốt, vườn cây không thua kém khu vực Đông Nam bộ.

Những tháng ngày khai hoang, trồng mới, chăm sóc cho đến khi dòng “vàng trắng” đầu tiên khai thác ở Công ty Lai Châu vào tháng 10/2016, chứa đựng biết bao tâm huyết, nghĩa tình, mồ hôi và cả nước mắt. Không chỉ của CB.CNVC-LĐ VRG mà cả lãnh đạo và người dân các tỉnh MNPB.

Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, đi thăm vườn cây đã trồng được gần 3 năm và vô cùng ngạc nhiên. Tôi đã đi tham quan, học tập nhiều nước trồng cao su như Mã Lai, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… nhưng không ngờ với địa hình đồi núi hiểm trở, vườn cây cao su ở đây lại sinh trưởng rất tốt như vậy.

Tôi gặp anh công nhân (CN) người H’Mông đến nhận lương vào cuối năm. Anh khoe nhờ góp đất trồng cao su, siêng năng làm việc mà lương của anh hơn 8 triệu đồng/ tháng. Tôi hỏi “sao anh không dùng tiền mua xe máy đi lại cho đỡ vất vả”. Anh cười rạng rỡ “mình ở trên cao, xe máy không vào nhà được nên không mua”. Rồi anh tâm sự, cây cao su đã đổi thay vùng đất nghèo này, người đồng bào đã bỏ tập quán du canh, du cư để gắn bó và tin tưởng vào cây cao su…

Người đồng bào tham gia góp đất và làm CN cao su đã từng bước giúp thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng địa phương. Làm CN, ngoài tiền lương, người đồng bào còn được các công ty hỗ trợ trồng xen canh hoa màu trên đất cao su. Được hỗ trợ tiền vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện thu nhập. Cùng với đó, các công ty đã thực hiện tốt chế độ chính sách cho CNLĐ, giúp họ yên tâm sản xuất.

Cuối năm 2010, đi kiểm tra vườn cây các đơn vị, tôi rất vui mừng vì vườn cây phát triển tốt. Thế nhưng, chỉ 2 tuần sau, lúc đó gần Tết Nguyên đán (24 âm lịch), đợt rét đậm rét hại mấy mươi năm mới có một lần, đã tàn phá nghiêm trọng, cây cao su bị chết nhiều. Nhìn vườn cây mới cách đây 2 tuần còn xanh non, giờ khô trụi lá, nước mắt tôi tự dưng lăn dài. Năm đó, tôi không có Tết, phải túc trực ngoài vườn cây với anh em.

Khắc phục khó khăn, chúng tôi chỉ đạo và phối hợp với Viện Nghiên cứu Cao su VN tìm kiếm bộ giống mới, có khả năng chịu lạnh tốt hơn để trồng. Nói về quá trình nghiên cứu giống cao su cho khu vực MNPB là một câu chuyện dài, một quá trình miệt mài và có sự đóng góp rất lớn của Viện Nghiên cứu Cao su VN.

Trong hành trình 10 năm phát triển cao su MNPB, chúng tôi chưa bao giờ đơn độc. Chủ trương cây cao su xóa đói giảm nghèo được các tỉnh ủng hộ và đồng lòng, chung sức, sát cánh cùng VRG, các đơn vị thành viên. Tôi nhớ mãi hình ảnh anh Lê Trọng Quảng (Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu), anh Hoàng Văn Nhân (Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên)… luôn đồng hành với chúng tôi trong suốt thời gian từ lúc khai hoang, trồng mới, chăm sóc đến khi cây cao su cho dòng nhựa trắng đầu tiên.

Việc thực hiện dự án tại khu vực không có truyền thống trồng cao su, biết trước sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng VRG và các tỉnh MNPB luôn chung vai thể hiện quyết tâm, khắc phục khó khăn, vì mục tiêu tạo cuộc sống ổn định cho đồng bào nghèo các dân tộc vùng cao.

Tôi nghỉ hưu, nhưng luôn dõi theo cao su MNPB. Cuối tháng 6 này, VRG kỷ niệm 10 năm phát triển cao su MNPB, khi những dòng nhựa trắng tuôn trào, khó có thể diễn tả hết niềm vui phấn khởi của những người thực hiện dự án, của chính quyền địa phương và hơn hết đã làm thỏa lòng mong đợi lâu nay của đồng bào các dân tộc ở đây tham gia góp đất trồng cao su.

Ngọc Cẩm (ghi)