Nghề tổ chức cán bộ phải được đào tạo, rèn luyện

CSVN – Hơn 30 năm làm công tác tổ chức cán bộ, đến nay bà Võ Thị Cưng – Nguyên Phó ban Tổ chức Cán bộ VRG vẫn nhớ mãi tâm niệm: “Làm nghề tổ chức cán bộ phải có đạo đức nghề nghiệp và được đào tạo, rèn luyện một cách nghiêm cẩn”.
Phĩ TGĐ VRG Hứa Ngọc Hiệp tặng hoa cho b  V Thị Cưng ngy nhận quyết định nghỉ hư
Phó TGĐ VRG Hứa Ngọc Hiệp tặng hoa cho bà Võ Thị Cưng ngày nhận quyết định nghỉ hưu.
Làm việc gì cũng phải tận tâm

Sinh năm 1960 tại Long An, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế, năm 1984, bà Võ Thị Cưng về công tác tại Tổng cục Cao su VN. Hơn 30 năm làm công tác tổ chức cán bộ, chứng kiến biết bao giai đoạn thăng trầm. Cho đến lúc về hưu bà vẫn đau đáu mỗi khi nghe tin giá cao su giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập người lao động.

Nhớ lại thời gian đầu làm việc ở Tổng cục Cao su VN, bà kể: “Thời kỳ đó khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, tiền lương ít ỏi, thiếu ăn thiếu mặc, nhưng mọi người sống rất tình cảm. Phòng tổ chức cán bộ lúc đó có 5 người, chỉ mình tôi là nữ, nên hầu như văn bản, sổ sách, lưu trữ… tôi đảm nhận hết. Lần đầu tiên đi tập huấn về công tác tổ chức cán bộ, tôi nhớ mãi lời của giảng viên: làm việc gì cũng phải tận tâm, làm nghề y phải có y đức, làm giáo viên phải có đạo đức sư phạm. Làm nghề tổ chức cán bộ càng phải có đạo đức nghề nghiệp và phải được đào tạo, rèn luyện một cách nghiêm cẩn”.

Gặp ai trong ngành bà cũng động viên: càng khó khăn, càng phải vững tin, chung sức chung lòng, tập trung trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần sáng tạo để tìm ra giải pháp khắc phục, đưa ngành cao su vượt qua thử thách.

“Hơn bất cứ một nghề nghiệp nào, công tác tổ chức, cán bộ là một nghề khó khăn và phức tạp vì đối tượng lao động là con người có trí tuệ khác nhau, nguồn gốc gia đình, môi trường giáo dục, văn hóa khác nhau, có các mối quan hệ đa dạng và phức tạp đan xen, tác động qua lại, tổng hòa với nhau. Chính vì vậy mà người làm nghề tổ chức, cán bộ phải được chọn lựa cẩn thận, phải được đào tạo những kiến thức cơ bản về chính trị học, tâm lý học, sinh học, xã hội học, văn hóa ứng xử và nhiều môn học khác của khoa quản trị nhân sự”, bà nhận định.

Chia sẻ về kinh nghiệm hơn 30 năm làm công tác tổ chức cán bộ, bà cho rằng: “Tôn trọng con người, trọng những người có năng lực và trung thực, tận tụy với công việc chung là điều nhất thiết phải có của người làm tổ chức, cán bộ. Điềm tĩnh, lắng nghe và khoan dung là đức tính rất cần phải có của người làm nghề này. Phải biết đặt mình vào địa vị và hoàn cảnh cụ thể của cán bộ, công chức mà cân nhắc, đánh giá. Người tài luôn được trọng dụng, vì chỉ có những cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ thì đơn vị mới hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Đoàn kết, vững tin vượt qua khó khăn

Chia sẻ về những khó khăn của ngành cao su trong giai đoạn hiện tại, bà Cưng tâm sự: “Lịch sử phát triển của ngành cao su đồng khuôn với lịch sử phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Từ thời chiến đến thời bình, cây cao su và hình ảnh người công nhân luôn gắn liền với sự đấu tranh anh dũng, tinh thần vượt khó và kiên trung bám trụ trước những bão giông, thử thách. Cây cao su đã làm thay đổi nhiều vùng miền, đem lại cuộc sống sung túc cho hàng ngàn hộ gia đình.

Đặc biệt loại cây này đã cùng con người vượt qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Thế hệ cha anh chúng ta đã đồng hành cùng cây cao su vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi CNVC LĐ VRG phải gắn bó, cùng nhau vượt qua khó khăn. Chỉ có sức mạnh tập thể, đoàn kết, chung vai mới có những giải pháp hay nhất vượt qua khó khăn”.

“Doanh nghiệp nào cũng có lúc thuận lợi và khó khăn, khi khó khăn phải ưu tiên chăm lo quyền lợi của người lao động. Muốn người lao động gắn bó lâu dài với đơn vị, ngoài việc tuyên truyền, thì phải chủ động chăm lo cho họ” – bà Cưng nhắn nhủ.

Trần Huỳnh (ghi)