Chuyên gia sáng kiến, cải tiến

CSVN – Xuất phát từ thực tiễn sản xuất, từ niềm đam mê nghiên cứu khoa học, anh đã biến những ý tưởng của mình thành hiện thực, áp dụng thành công vào sản xuất, làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị. Đó là kỹ sư Tào Mạnh Cương – Trưởng phòng Quản lý chất lượng,  kiêm Thư ký Hội đồng khoa học công nghệ (Công ty CPCS Phước Hòa) .
 Kỹ sư Tào Mạnh Cương đang làm việc tại Phòng Quản lý chất lượng công ty
Kỹ sư Tào Mạnh Cương đang làm việc tại Phòng Quản lý chất lượng công ty
15 năm công tác, tác giả của 20 đề tài

15 năm công tác tại Công ty CPCS Phước Hòa, kỹ sư Tào Mạnh Cương không những hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn luôn đi đầu trong phong trào sáng kiến cải tiến và nghiên cứu khoa học. Anh là tác giả và đồng tác giả của 20 đề tài đã thực hiện hoàn tất trong 5 năm gần đây.

“Hoạt động sáng kiến cải tiến trong doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, trong những năm qua, Cao su Phước Hòa luôn duy trì và đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến trong tất cả các lĩnh vực. Từ đó, giúp giảm giá thành sản phẩm, giữ vững và nâng cao thương hiệu PHR trên thị trường trong và ngoài nước”, anh Cương chia sẻ.

Có thể kể đến một số đề tài, sáng kiến tiêu biểu mang lại lợi ích kinh tế cao, như: “Ứng dụng vi sóng để xác định độ nhớt Mooney Vicosity của mủ nước nguyên liệu”, đã được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất tại công ty, giúp nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm SVR, là giải pháp sản xuất SVR CV từ nguyên liệu mủ thu mua mà không phải tách giống như trước. Đề tài góp phần tăng lợi nhuận cho công ty trung bình 5 tỷ đồng/năm. Đề tài này được giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương lần IV năm 2011.

Đề tài “Nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất SVR CV, tiết kiệm chi phí thông qua nghiên cứu rút ngắn thời gian test nhanh độ nhớt Mooney Vicosity nguyên liệu mủ nước”, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất sản phẩm SVR CV giúp tiết kiệm 50 triệu đồng/năm.

[stextbox id=”stb_style_259398″] Anh còn là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học có giá trị, làm lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho công ty như: “Xây dựng phương pháp xác định TSC nhanh bằng vi sóng”; “Xây dựng các phương pháp nhận biết hóa chất độn trong mủ nguyên liệu thu mua”; “Tận thu khí amoniac của mủ skim”; “Nghiên cứu tận thu mủ trên rây lọc tại Nhà máy chế biến Bố Lá”…[/stextbox]

Gần đây nhất, đề tài “Tái sử dụng nước mủ tạp” đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, mỗi ngày tái sử dụng được 250 m³ nước thải, giảm áp lực cho hệ thống xử lý nước thải hiện tại, giúp tiết kiệm 90 triệu đồng/năm. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình ủ bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải cao su thành phân hữu cơ vi sinh nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường”, khi đưa vào sản xuất đại trà dự kiến sẽ giúp công ty tiết kiệm được chi phí từ việc ủ bùn so với xử lý bùn thải (chi phí trên 1,7 tỷ đồng/năm). Tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng/năm từ nguồn phân bón hữu cơ vi sinh ủ từ bùn thải của 2 hệ thống xử lý nước thải công ty.

Nên tổ chức Hội thi sáng kiến, cải tiến

Kỹ sư Tào Mạnh Cương cho rằng, để nâng cao chất lượng trong phong trào sáng kiến cải tiến, nghiên cứu khoa học, phát huy khả năng sáng tạo của CB.CNV, các cấp lãnh đạo cần nâng cao ý thức trách nhiệm của CB.CNV về hoạt động sáng kiến, cải tiến. Xem đây là nhiệm vụ, là hoạt động thường xuyên trong mọi lĩnh vực công tác.

“Không nên coi sáng kiến, cải tiến là những gì cao siêu, có hàm lượng kỹ thuật cao, những sáng tạo dù nhỏ nhưng có hiệu quả trong ứng dụng, giảm chi phí sản xuất, nên tổng hợp hoàn thiện thành sáng kiến. Có như vậy, mới khích lệ, động viên, huy động khả năng sáng tạo của người lao động”, anh Cương nói.

Ngoài ra, nên đưa công tác quản lý hoạt động sáng kiến, cải tiến thành nề nếp, gắn với công tác quản lý kỹ thuật. Thường xuyên khơi dậy tính chủ động sáng tạo, tự lực tự cường của cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong ứng dụng sáng tạo vào công việc. Đặc biệt, hằng năm nên tổ chức Hội thi về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Đây vừa là biện pháp đánh giá chất lượng chuyên môn, tay nghề, đồng thời thúc đẩy tích cực những sáng tạo của CNLĐ trong hoạt động thực tiễn.

Bài, ảnh: Phan Thắng