CSVN – Thời gian gần đây, tình trạng nông dân từ miền Đông đến miền Trung, Tây Nguyên phá bỏ hàng ngàn ha cao su để chuyển sang các loại cây trồng khác do giá mủ giảm mạnh, đang trở thành chủ đề thời sự thu hút nhiều người quan tâm.
>> Chặt cao su trồng tiêu: Nông dân lại “đánh bạc”
Không chỉ “chặt” những vườn cây kém chất lượng hay già cỗi, mà nông dân còn “phá” bỏ những vườn cây xanh tốt chuẩn bị đưa vào khai thác, vườn cây đang độ sung sức cho mủ. Có trực tiếp chứng kiến cảnh người nông dân thẳng tay đốn hạ vườn cây xanh tốt – thứ mà họ đã bỏ bao công sức, tiền của, thời gian đầu tư chăm sóc, chúng ta mới thấy xót xa và tiếc nuối. Chỉ khi thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng, người nông dân mới nỡ đốn hạ loài cây được mệnh danh là “vàng trắng”, thứ mà họ đã hi vọng sẽ giúp mình đổi đời.
Lại nhớ cách đây 4, 5 năm, khi giá mủ cao su lên đến đỉnh cao, nông dân đã ồ ạt phá bỏ cây điều, tiêu… để trồng cao su. Giờ đây, cây cao su lại chịu chung số phận trên chính mảnh đất mà trước kia các cây trồng khác đã “hi sinh” vì mình.
Số phận cây trồng lúc thăng lúc trầm, nhưng số phận người nông dân dường như vẫn vậy: vất vả, bấp bênh, chới với… Họ định đoạt số phận cây trồng, nhưng lại không thể làm chủ được thời vận và tương lai của mình. Họ tạo ra vòng quay luẩn quẩn “trồng – chặt”, “chặt – trồng”, và cũng chính họ mắc kẹt trong vòng xoay bịt bùng đó.
Người nông dân có đáng trách? Không phá bỏ thì nông dân lấy gì để duy trì vườn cây và lấy gì để sinh nhai? Gồng gánh giữ vườn cây để rồi thua lỗ, nợ nần thì ai chịu thay cho người nông dân? Có ai “bắt tay” với nông dân để hỗ trợ đầu vào và đầu ra khi họ canh tác một loại cây trồng nào đó? Có gì ưu đãi, hỗ trợ khi nông dân thất bại với một cây trồng? Nông dân làm gì và làm như thế nào nếu phải chuyển đổi cây trồng vật nuôi khác hiệu quả hơn?
Không khó để tìm ra đáp án cho các câu hỏi đó, nhưng thật khó để biết ai đưa ra đáp án và ai chịu trách nhiệm thực thi đáp án. Chỉ trích nông dân thì dễ, hỗ trợ nông dân mới khó!
Việt Nam là một nước nông nghiệp, một trong những quốc gia xuất khẩu mặt hàng nông sản hàng đầu thế giới. Đa phần nông sản là do nông dân làm ra, nhưng cũng đa phần nông dân còn nghèo. Khi phần đa nông dân trong số 70% dân số nước ta còn nghèo, thì quốc gia đó chưa thể hưng thịnh được.
Phi Long
Related posts:
- Gửi trọn niềm tin
- Giải pháp tiêu thụ ngành gỗ năm 2024: Những dấu hiệu lạc quan
- Vận động hơn 5,6 tỷ đồng cho quỹ xây dựng làng công nhân cao su
- Thiếu hụt lao động, trăn trở không chỉ riêng ai?
- Bàn về sáng kiến trong ngành cao su
- Hội thi Bàn tay vàng: Thắng lợi lớn
- Cần những phương án, kịch bản chủ động
- "Các công ty gỗ cần đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững"
- Lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước trong toàn ngành
- “Cùng siết chặt đoàn kết – phát huy trí tuệ, nghĩa tình cao su, quyết tâm vượt qua đại dịch Covid-19...