Đổ xô trồng chanh dây: Nông dân đang “đu dây”

CSVN – Việc nông dân ở Tây Nguyên thẳng tay chặt bỏ cây cao su, cà phê để đổ xô trồng cây chanh dây, là câu chuyện vừa mới vừa cũ, nhưng có chung nỗi âu lo suy nghĩ.
Vườn chanh dây mới trồng của một nông dân tại Tây Nguyên. Ảnh: Văn Vĩnh
Vườn chanh dây mới trồng của một nông dân tại Tây Nguyên. Ảnh: Văn Vĩnh

Mới là bởi đây là lần đầu tiên xảy ra “sốt” cây chanh dây và diễn ra tại địa bàn mới là Tây Nguyên. Cũ là vì trước cây chanh dây, ở nước ta từng xảy ra phong trào người dân đua nhau trồng cây thanh long, cam sành, cây sắn… Và “nhân tố bí ẩn” đứng đằng sau câu chuyện gây sốt vẫn là thương lái Trung Quốc (TQ).

Không phải ngẫu nhiên cây chanh dây ồ ạt “nhảy” vào đất Tây Nguyên trong tình cảnh cây cao su mất giá, còn cây cà phê chết đứng do khô hạn. Với cái lợi rõ ràng trước mắt, dễ hiểu là nông dân sẽ bỏ cây cao su, cà phê để theo cây chanh dây.

Từ thực trạng này, chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Việc thiếu nguồn cung cấp cây giống trong nước, khiến nông dân phải mua giống chanh dây có nguồn gốc từ TQ chưa được kiểm chứng, sẽ rất rủi ro. Bởi đây là loại cây rất dễ mắc các nguồn bệnh như: nấm bã trầu, phấn trắng, nấm gốc, xoắn đọt… Từ cây chanh dây, không loại trừ các loại bệnh này sẽ lây lan ra các cây trồng khác. Từ đó còn tạo ra nguy cơ thoái hóa, ô nhiễm môi trường đất, mất cân bằng hệ sinh thái.

Về giá cả, sau khi đẩy giá lên chót vót, chi phối hoàn toàn thị trường, thương lái TQ thường dùng mánh “buông” cho giá rơi tự do, “bỏ của chạy lấy người” khiến tiểu thương Việt ôm “của đắng”, trong khi nông dân thì “chết dở” vì đã bỏ các cây trồng khác để theo cây chanh dây.

Việc sản xuất không gắn với chế biến, không thông qua các nhà cung ứng và đầu mối tiêu thụ tin cậy khiến nông dân gặp rủi ro lớn. Trên thực tế, đã xảy ra nhiều thương vụ tương tự mà nông dân VN đã “khóc ròng” do thương lái TQ.

Phong trào người dân đổ xô phá bỏ các vườn cây công nghiệp lâu năm còn làm thay đổi cơ cấu diện tích cây, ảnh hưởng đến quy hoạch nông nghiệp và sâu xa hơn nữa là nguồn cung sản phẩm cho đối tác nhập khẩu và uy tín thương hiệu nông sản VN trên thế giới.

Ở phạm trù khác và đáng suy nghĩ hơn, việc thương lái TQ xâm nhập sâu và lũng đoạn tại một địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh như Tây Nguyên, thực sự rất đáng cảnh báo và lo ngại.

Cây chanh dây đang có giá, nhưng người trồng cũng đang “đu dây” với loại cây trồng này. Đây là “trò chơi” mạo hiểm và nhiều rủi ro. Trái chanh dây tạm thời đem lại vị ngọt cho nông dân, nhưng không loại trừ sẽ sớm chuyển sang vị đắng.

Khó trách người nông dân, bởi vẫn có thói quen phong trào thấy trồng cây gì có lợi thì trồng. Nhưng với vai trò, trách nhiệm của mình, các ngành chức năng và chính quyền địa phương ở đâu, làm gì khi để thương lái TQ tùy tiện buôn bán trên địa bàn mình quản lý? Rồi các tổ chức gắn liền với nông dân như Hội nông dân, Hội làm vườn…, đã phát huy vai trò của mình ra sao trong việc khuyến cáo, hỗ trợ nông dân?

Một khi chưa có câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề này, người nông dân sẽ còn phải đánh đu mạo hiểm và rủi ro với nhiều cây trồng, vật nuôi khác.

Phú Vinh