Bàn về sáng kiến trong ngành cao su

CSVN – Một bạn đọc từ Bình Thuận vừa gửi về Tòa soạn bài viết Bàn về sáng kiến trong ngành cao su với những cải tiến kỹ thuật cùng các lợi ích mà sáng kiến mang lại, cũng như phần thưởng cho tác giả có công trình nghiên cứu đã và sẽ áp dụng thành công trên thực tế. Tạp chí CSVN xin giới thiệu.

Mời nghe đọc bài:

Sáng kiến dùng động cơ xe máy bơm mủ lên tẹc của một công nhân Công ty CPCS Phước Hòa vào năm 2007. Ảnh: Nguyễn Cường.
Sáng kiến dùng động cơ xe máy bơm mủ lên tẹc của một công nhân Công ty CPCS Phước Hòa vào năm 2007. Ảnh: Nguyễn Cường.
Ngành cao su: Nhiều sáng kiến

Từ khi cây cao su cùng với công nghiệp chế biến mủ cao su du nhập vào nước ta đến nay, chắc chắn đã có không ít sáng kiến cải tiến kỹ thuật từ người quản lý cũng như công nhân lao động trực tiếp được áp dụng rộng rãi, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho xã hội và ngành cao su.

Được biết có các sáng kiến đã được áp dụng rộng rãi trong ngành: Ngoài vườn cây có hộp bảo vệ nhang muỗi, đai chắn mưa, váy che chén mủ, dụng cụ vạch chia mức hao dăm cạo, cạo thang vườn cây nhóm 3, dây dẫn mủ vườn cây nhóm 3…Trong nhà máy chế biến có các sáng kiến lọc cát bể tiếp nhận mủ nước, liên thông mương đánh đông, phơi và sấy mủ trên xe goòng, nhà phơi mủ lợp tấm nhựa trong suốt…

Các sáng kiến này mang lại lợi ích kinh tế to lớn đã được thực tế kiểm nghiệm và chấp nhận, kèm theo đó là ý nghĩa nhân văn cùng công lao của người sáng tạo được ghi nhận. Đặc biệt từ ngày VRG thành lập quỹ khen thưởng, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật lại có thêm động lực để phát triển.

Điển hình như tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận trong năm 2015 có 6 sáng kiến được đưa vào áp dụng, mang lại lợi ích kinh tế khá cao như: Hộp bảo vệ nhang muỗi, dụng cụ chia mức hao dăm miệng cạo, lóng cát bể tiếp nhận mủ nước, liên thông mương đánh đông, dàn nâng hạ xe gòng, băng tiếp liệu mủ tạp.

Đến hết tháng 4 năm 2016 đang có một vài sáng kiến manh nha, trong đó có cái đã áp dụng thành công và chắc chắn nó sẽ mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ.

 Lợi ích kinh tế

Sản phẩm của ngành cao su trước đây chủ yếu được tạo bởi sức lực và thời gian của người lao động, ngày nay được kết tinh bởi cả trí tuệ của họ, nhất là đội ngũ công nhân lao động trực tiếp có sự phát hiện kịp thời của cán bộ quản lý và động viên của lãnh đạo công ty, lãnh đạo ngành. Chắc chắn nhiều ý tưởng mới đang ấp ủ, chờ phát huy.

Đây không những là tín hiệu vui cho ngành mà còn mang lợi ích lớn cho cả xã hội, nhất là trong thời buổi kinh tế hội nhập và cạnh tranh khốc liệt, các sáng kiến góp phần giảm thời gian, sức lực của người lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập của họ.

Cuối cùng là hạ giá thành sản phẩm và góp phần làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm cao su Việt Nam trên thị trường thế giới. Mỗi một sáng kiến đều mang lại nhiều lợi ích khác nhau: Lợi ích kinh tế, nhân văn, xã hội… Trong đó sáng kiến cải tiến về khâu kỹ thuật trong sản xuất thì lợi ích kinh tế là chỉ  tiêu quan trọng nhất.

Hộp đựng nhang muỗi cũng là một sáng kiến thiết thực từ người lao động trực tiếp. Ảnh: Thiết Công
Hộp đựng nhang muỗi cũng là một sáng kiến thiết thực từ người lao động trực tiếp. Ảnh: Thiết Công

Nói cách khác là lợi ích vật chất tính ra bằng tiền mà sáng kiến mang lại. Ví dụ 2 sáng kiến làm đai chắn nước và váy che chén mủ trên cây cao su khai thác. Giả sử trước khi chưa có 2 sáng kiến này, trong một năm, người công nhân khai thác phải nghỉ cạo 5 ngày do mưa làm ướt mặt cạo (mỗi lát cạo 60 lít x10.000 đ/L x 5 lát=3.000.000 đồng), cộng thêm 6 ngày cạo trễ do mưa hoặc cạo xong nhưng mưa đột xuất phải trút sớm, hoặc nước mưa làm trôi mất 1/2 lượng mủ so với ngày thường (60 lít/2x 10.000 đ/L x 6 lát = 1.800.000 đồng).

Như vậy mỗi năm một công nhân thiệt hại 4,8 triệu đồng (lấy sản lượng ngày cạo và đơn giá trung bình), chưa kể đến các thiệt hại khác như: công và tiền xăng, hao mòn xe đi và về, nước mưa làm thâm miệng cạo làm giảm năng suất vườn cây, chạy trút mủ do mưa dễ xảy ra tai nạn lao động…

Trong năm công ty có 500 công nhân khai thác số tiền thiệt hại trong một năm là 4,8 triệu đồng x 500 CN = 24 tỷ đồng, Tập đoàn có 30 công ty số thiệt hại là 24 tỷ đồng x 30 Công ty = 72 tỷ đồng . Khi 2 sáng kiến này được áp dụng trong toàn Tập đoàn đã hạn chế được 2/3 thiệt hại nói trên, con số thiệt hại còn lại là 24 tỷ đồng, (các con số đều do tác giả bài viết ước tính).

Vậy 2 sáng kiến trên đã mang lại lợi ích là 48 tỷ đ, trừ đi tiền mua vật tư và tiền công làm 2 khâu trên vẫn thu về khoản tiền lớn. Các thiệt hại khác như trên đã nêu giảm đi 2/3, xã hội tăng thêm một khoản tiền lớn khác từ khâu sản xuất và vận chuyển vật tư, hàng hóa. Tổng lợi ích của toàn xã hội do 2 sáng kiến mang lại là một khoản đáng kể.

Phần thưởng: Nên trích cho tác giả theo tỷ lệ lợi ích mang lại

Tác giả của các sáng kiến trên phần lớn là công nhân lao động trực tiếp, họ trực tiếp tiếp xúc với đối tượng lao động và chính đối tượng lao động đó – những công cụ vật tư chưa được cải tiến – đã “buộc” họ nghĩ ra cách thay đổi chính nó, để phục vụ lợi ích của chính bản thân họ, từ đó lần lượt các sáng kiến ra đời.

Hộp đựng nhang muỗi cũng là một sáng kiến thiết thực từ người lao động trực tiếp. Ảnh: Thiết Công
Hộp đựng nhang muỗi cũng là một sáng kiến thiết thực từ người lao động trực tiếp. Ảnh: Thiết Công

Lúc đầu người lao động sáng tạo chỉ nhằm thỏa niềm đam mê của mình là chính và theo đó là những suy nghĩ, thao thức mất ăn, mất ngủ, thử nghiệm lặp đi lặp lại. Những sáng kiến phức tạp có cả tính toán số liệu và tiêu tốn một khoản tài chính, thời gian là không thể tránh khỏi để cho ra đời phiên bản 1, phiên bản 2 … Để có sản phẩm cuối cùng ra mắt không hề đơn giản, đã lấy đi chất xám, thời gian và túi tiền của nhà sáng tạo.

Lợi ích kinh tế mà nó mang lại rất to lớn, vượt quá sức tưởng tượng của chính họ. Niềm vui của họ được đền đáp lớn nhất chính là sáng tạo của họ được thực tiễn kiểm nghiệm và chấp nhận. Có một công nhân cao su tâm sự với tôi: Giả sử với lợi nhuận mà 2 sáng kiến nói trên mang lại như vậy, nhà quản lý trích ra 1 đến 3% thưởng một lần cho tác giả sẽ khuyến khích sự sáng tạo trọn vẹn hơn.

Theo Luật Sở hữu Trí tuệ, người có sáng kiến tự đăng ký với cơ quan chức năng, khi được cấp bằng sáng chế, sản phẩm đó được độc quyền trong một thời gian nhất định, từ đó lợi ích kinh tế mà sáng tạo mang lại cho họ rất lớn. Trong phạm vi ngành cao su với góc độ doanh nghiệp, tôi nghĩ có một số cách làm đơn giản nhưng mang lại sự hài hòa cho người sáng tạo và cả doanh nghiệp.

Ví dụ, một sáng kiến đem lại lợi ích cho doanh nghiệp là 1 triệu/năm và sản phẩm này áp dụng mãi mãi cho ngành, tác giả được hưởng từ 1 đến 3% trong 5 hay 10 năm. Hoặc sáng kiến nào chủ yếu mang lại lợi cho người lao động như dụng cụ vạch chia độ hao dăm, sản phẩm này giúp người công nhân được hưởng lợi là giảm được khoảng 1/3 thời gian vạch chia mức hao dăm.

Ví dụ một năm 1 công nhân khai thác lợi được 1,5 ngày công do sáng này kiến mang lại (1,5 công x 160.000 đồng/công = 240.000 đồng), doanh nghiệp trích của người công nhân được hưởng lợi 1 đến 3% (2.400 đồng đến 7.200 đ/CN/1 năm) thưởng cho tác giả nhân với tổng số công nhân khai thác trung bình trong năm của Tập đoàn (thưởng 1 lần), số tiền thưởng này sẽ đủ lớn đối với tác giả.

Hoặc những sáng kiến khi được thực tế chấp nhận và ngành công nhận thì tác giả mong muốn Tập đoàn cho phép độc quyền hợp đồng cung cấp sản phẩm đó, trong thời gian 5 đến 10 năm, ví dụ như đai chắn mưa, váy che chén mủ… với chất lượng mẫu mã và giá thành hợp lý.

Với các cách làm như trên nếu được nghiên cứu áp dụng chắc rằng sẽ nhận được sự đồng thuận lớn hơn từ nhiều phía như doanh nghiệp, tác giả, người công nhân và cả xã hội, niềm vui lúc đó sẽ trọn vẹn hơn.

Văn Nguyễn