Phát triển VRG theo hướng bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế – trách nhiệm với xã hội – bảo vệ môi trường

CSVN – Nghị quyết Đại hội Đảng bộ VRG lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định “Phát triển Tập đoàn trên nền tảng 3 trụ cột: Kinh tế – Môi trường – Xã hội, thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững, phát triển có trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường”. “Tiếp tục cơ cấu lại; Đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo; Nâng cao năng suất, chất lượng; Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực để phát triển nhanh, bền vững”.

Ảnh: Ng.Cường

Như vậy, theo đó phát triển bền vững được hiểu “là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.

Điều này đã được quy định tại khoản 4, điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cần phải giải quyết hàng loạt vấn đề thuộc 3 lĩnh vực là kinh tế, xã hội và môi trường.

Hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) năm 2002 đã xác định phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa 3 mặt của sự phát triển bao gồm:

Trên cơ sở các quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ, căn cứ vào thực tiễn của ngành cao su trong những năm qua và chặng đường phát triển mới giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030 – Kỷ niệm 100 năm truyền thống ngành cao su. Đại hội IX Đảng bộ Tập đoàn đã hoạch định chiến lược phát triển bền vững trên cơ sở 3 trụ cột với quyết tâm chính trị cao và tư duy sáng tạo.  Phấn đấu tăng trưởng các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách bình quân từ 3-5%/năm, riêng thu nhập người lao động phấn đấu tăng tối thiểu 5%/năm. Các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm nhiệm kỳ 2020-2025: tăng từ 3-5%/năm.

Phát triển bền vững là một quá trình. Có thể nói nhiệm kỳ vừa qua Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả rất khả quan đó là: Thực hiện chứng chỉ quốc gia về quản lý rừng cao su bền vững; Triển khai hoạt động tái kết nối hướng đến chứng chỉ rừng FSC; Thực hiện danh hiệu doanh nghiệp bền vững Việt Nam; Tái sinh và phát triển rừng tư nhân gắn với vùng cao su;

Nâng cao hiệu quả kinh tế với kỹ thuật sản xuất cao su bền vững; Tăng cường trách nhiệm xã hội của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; Tăng cường trách nhiệm về môi trường của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về phát triển bền vững…Đặc biệt là xem xét, điều chỉnh cơ cấu tỷ trọng trong mô hình tăng trưởng để đảm bảo đạt được bền vững.

Mục tiêu của năm 2020 và những năm tiếp theo là tiếp tục phát huy các hoạt động đã triển khai thành công trong những năm qua và thúc đẩy các hoạt động khác trong chương trình phát triển bền vững 2019-2024. Tập trung các giải pháp: Tăng cường xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, các chứng chỉ về bền vững; Xây dựng và thực hiện lộ trình tái kết nối với FSC; Thực hiện kế hoạch phục hồi 20.000 ha rừng;

Phát triển hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong xây dựng bản đồ và quản lý diện tích đất đai của Tập đoàn; Tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện đầu tư an sinh xã hội ưu tiên cho các dự án trong và ngoài nước với kế hoạch phù hợp, tuân thủ các quy định về tham vấn, kết nối cộng đồng, giải quyết khiếu nại, xung đột hợp tác để tìm nguồn lực hỗ trợ sinh kế và đời sống cộng đồng, đảm bảo quyền lợi của người lao động và cải thiện thu nhập. Tăng cường trách nhiệm, bảo vệ môi trường, tuân thủ quy định của pháp luật quốc gia và cam kết quốc tế, thúc đẩy các dự án bảo tồn và phục hồi rừng, cải thiện đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy các thành viên duy trì và mở rộng việc áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001; Thực hiện các giải pháp về phát triển bền vững.

Đẩy mạnh hiệu quả kinh tế của Tập đoàn, khuyến nghị những giải pháp sản xuất cao su bền vững và hiệu quả cao nhằm làm giảm chi phí, tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, đa dạng nguồn thu nhập kết hợp với đa dạng sinh học, ứng dụng công nghệ nông nghiệp cao, canh tác tổng hợp, bảo vệ môi trường; Tăng cường công tác truyền thông, đào tạo về phát triển bền vững; Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về phát triển bền vững; Tăng cường hệ thống quản lý nội bộ Tập đoàn, bổ sung, cập nhật các quy chế, tài liệu hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.

Phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm của ngành cao su nằm trong mục tiêu bao trùm của cả đất nước. Không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa và con người. Cần thống nhất cả trong nhận thức và hành động của các cấp từ Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Phát triển bền vững phải thật sự là cốt lõi của chiến lược phát triển của từng đơn vị, từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đổi mới, sáng tạo, đột phá là yếu tố then chốt của phát triển bền vững.

Nhiệm vụ then chốt (xây dựng Đảng), nhiệm vụ trọng tâm (phát triển kinh tế), các đột phá phát triển đã được Nghị quyết khẳng định. 3 trụ cột để phát triển bền vững: Bền vững về kinh tế; Bền vững về xã hội; Bền vững về môi trường được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ và tầm nhìn nhiều nhiệm kỳ. Đánh giá đúng thực trạng, dự báo đúng xu thế phát triển, huy động mọi nguồn lực, đề ra những giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, nỗ lực đoàn kết, chung sức, chung lòng, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức với quyết tâm, kinh nghiệm và sự sáng tạo. Đó là điều kiện cần và đủ cho phát triển bền vững của Tập đoàn.

TRỌNG NHÂN