Giải pháp tiêu thụ ngành gỗ năm 2024: Những dấu hiệu lạc quan

CSVN – Trong lĩnh vực chế biến gỗ, VRG xây dựng kế hoạch sản xuất gỗ các loại (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF) với sản lượng trên 1,247 triệu m3, bằng 106% đến 189% so với ước thực hiện năm 2023. Đó kế hoạch và cũng là mục tiêu cụ thể của Tập đoàn đối với ngành gỗ trong năm 2024.

Gỗ Thuận An đa dạng các mẫu mã tự thiết kế đáp fíng nhu cầu khách hàng Ảnh: Vũ Phong
Mở rộng thị trường tiêu thụ

Tại Hội nghị đánh giá công tác chế biến SXKD lĩnh vực gỗ năm 2023 của VRG, các đại biểu nhận định, năm 2024 thương mại toàn cầu vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng. Chiến tranh thương mại giữa các cường quốc và chủ nghĩa bảo hộ mang đến những nguy cơ, tác động tiêu cực đối với xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành chế biến gỗ nói riêng.

Cũng tại đây, ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG chỉ đạo: “Trong bối cảnh khó khăn, các đơn vị thành viên Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực gỗ cần phát huy hiệu quả thế mạnh của mình, đồng thời xem xét, đánh giá lại năng lực sản xuất và tái cấu trúc các doanh nghiệp hiện hữu cũng như đề ra một số định hướng đối với ngành gỗ Tập đoàn trong thời gian tới. Các đơn vị thành viên cần phải chủ động nguồn nguyên liệu, sản xuất sản phẩm có nguồn gốc chứng chỉ rừng bền vững, đồng thời xây dựng phương án sản xuất sản phẩm mới như viên nén, nhóm sản phẩm…; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức. Trong đó công tác chuyển đổi số đang là xu hướng tối ưu…”.

Là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực SXKD các sản phẩm gỗ tinh chế, năm 2023 Công ty CP chế biến gỗ Thuận An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Để có được thành quả đó, Gỗ Thuận An không ngừng tìm kiếm thêm khách hàng mới qua các kênh như: tham gia hội chợ triển lãm, sàn thương mại điện tử. Web của công ty thường xuyên cập nhật những thông tin, mẫu mã, sản phẩm mới công ty tự thiết kế lên Showroom 3D nhằm giới thiệu và mang sản phẩm của công ty đến gần hơn với khách hàng, thúc đẩy cơ hội tìm kiếm đơn hàng, khách hàng mới. Bà Lê Thị Xuyến – TGĐ Công ty CP chế biến gỗ Thuận An cho biết: “Chính những giải pháp đó không chỉ giúp cho đơn vị chúng tôi giữ chân được khách hàng mà còn mở rộng được thị trường từ những khách hàng mới. Chỉ tính riêng những tháng cuối năm 2023, chúng tôi đã có thêm 5 đơn hàng mới cho năm 2024. Hiện nay chúng tôi phải cho công nhân làm tăng ca mới kịp tiến độ giao hàng”.

Đối với Công ty TNHH MTV chế biến gỗ Đông Hòa, đã và đang thực hiện các giải pháp “triển khai các mẫu sản phẩm đáp ứng yêu cầu nhanh khách hàng”, đồng thời rút ngắn thời gian làm mẫu từ 2 đến 3 tuần xuống còn 7 đến 10 ngày. Không chỉ thế, sản phẩm của Rubico Đông Hòa được triển lãm tại nhiều thị trường khác nhau như: Hội chợ Hawa Expo Quận 7, TP.HCM, Hội chợ triển lãm đồ gỗ Shanghai tại Trung Quốc, Hội chợ triển lãm ngành gỗ Sydney ở Úc, Newzerland, Trung Đông ở Doha của Qatar, thị trường Mỹ ở High Point của bang Carolina và Canada. Từ cách tiếp cận thị trường này, số lượng khách hàng gửi đơn hàng thường xuyên tăng từ 5 lên 8 khách hàng.

Đối với các dòng sản phẩm MDF, bên cạnh việc phát triển sản phẩm mới thay thế hàng nhập khẩu, Công ty CP gỗ MDF VRG Kiên Giang tiếp tục duy trì tốt việc cung cấp hàng cho các khách hàng hiện tại. Với phương châm giữ khách hàng bằng cách duy trì đảm bảo chất lượng để có được sự tín nhiệm và thường xuyên gửi đơn hàng. Ngoài ra, MDF Kiên Giang còn chấp nhận sản xuất các lô hàng đặc biệt công thức riêng với số lượng nhỏ (các công ty khác không thể sản xuất ở sản lượng tối thiểu thấp) cũng như sắp xếp kế hoạch sản xuất hàng linh động đáp ứng thời gian giao hàng tốt

nên được khách hàng thường ưu tiên đặt hàng. Riêng thị trường Campuchia trong tương lai rất có tìềm năng nên sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Chiến lược dài hạn

Với mục tiêu phát triển bền vững, hiện nay Tập đoàn đã và đang xây dựng, định vị thương hiệu VRG trong ngành gỗ nhằm tận dụng lợi thế lớn về thương hiệu VRG trên thị trường. Khuyến khích các đơn vị sử dụng các nội dung quảng bá sản phẩm và đơn vị của mình dưới các hình thức như: “Thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam/Member of Việt Nam Rubber Group” hay “Sản phẩm thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam/ Product of VRG”… Các công ty phối hợp với Ban Thị trường Kinh doanh từng bước xây dựng lộ trình phát triển thương hiệu chung các sản phẩm có mang thương hiệu VRG. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình thu thập dữ liệu, sản phẩm, thông tin của các đơn vị thành viên giới thiệu trên trang web của Tập đoàn, tăng cường quảng bá sản phẩm trên không gian mạng tạo thêm một kênh thông tin chính thống khẳng định các sản phẩm chính của Tập đoàn giúp các đơn vị nâng cao vị thế trên thương trường; xây dựng kế hoạch, tham gia các đoàn xúc tiến thương mại trọng tâm trọng điểm vào các khách hàng lớn quan trọng.

Theo phân tích của Ban Công nghiệp VRG, nhu cầu sử dụng viên nén tại thị trường trong và ngoài nước ngày càng mở rộng. Chính phủ Việt Nam đang có những nỗ lực rất lớn trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về 0 cho tới năm 2050. Từ đó, có thể sẽ tạo ra những cơ chế đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu với mức phát thải cao chuyển đổi sang sử dụng nguồn nguyên liệu sạch hơn, bao gồm nhiên liệu sinh khối, hoặc viên nén, nên khả năng nhu cầu viên nén tại nội địa cũng sẽ mở rộng rất lớn trong tương lai. Và đây chính là lĩnh vực để Tập đoàn tận dụng tối đa tiềm năng và thế mạnh của mình để phát triển bền vững.

Bên cạnh chiến lược xây dựng thị trường, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm…, để đảm bảo tính bền vững trong hoạt động SXKD, ngành gỗ Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch thanh lý tái canh theo đúng định hướng và mục tiêu đảm bảo sản lượng gỗ nguyên liệu cho sản xuất bền vững. Ngoài nguyên liệu cao su trong nước, theo thuyết minh đề án xây dựng phương án, lộ trình tổ chức sản xuất và kế hoạch tái canh cao su chu kỳ II tại khu vực Campuchia, Lào do Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam xây dựng cho thấy, dự kiến trữ lượng gỗ đến hết chu kỳ I tại 2 khu vực này là rất lớn, do đó phải hoạch định chiến lược chế biến gỗ tại khu vực này là nhiệm vụ cấp thiết. Theo đó, Ban Kế hoạch Đầu tư VRG đề xuất cụ thể như sau: Giai đoạn đầu (2024 – 2026) do trữ lượng thanh lý thấp nên chỉ tập trung quy hoạch sản xuất gỗ phôi và dăm gỗ vận chuyển về nước. Tiếp theo đó sẽ xem xét xây dựng một nhà máy viên nén có công suất phù hợp tại Campuchia (có thể xem xét hợp tác bao tiêu với các đối tác nước ngoài) để có cơ sở định hướng quy hoạch đầu tư. Trong giai đoạn kế tiếp (sau năm 2026), trên cơ sở nghiên cứu khả thi sẽ thành lập các cơ sở sản xuất chủng loại sản phẩm gỗ phù hợp như ghép tấm, tinh chế tùy vào điều kiện về thị trường và xuất khẩu tại chỗ để giảm chi phí logistic.

NG. CƯỜNG