CSVN – Tổ trưởng là sợi dây gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa công nhân lao động với đơn vị, vì vậy mà nhiều năm đảm nhiệm chức Tổ trưởng tại Tổ 3, NT An Lộc, TCT Cao su Đồng Nai, chị Võ Thị Duyên là nơi đặt trọn lòng tin, sự thương yêu của NLĐ tại đơn vị.
Gắn bó với công việc bằng tình yêu nghề
Chị Duyên bắt đầu công việc trong ngành cao su từ tháng 8/1995, năm 2022 chị về hưu nhưng vẫn tiếp tục làm hợp đồng công nhân hưu trí. Chị chia sẻ: “Tôi và chồng từ Nghệ An vào miền Nam lập nghiệp. Nhờ cao su mà gia đình tôi ngày càng ổn định và gây dựng nên nhà cửa như ngày hôm nay. Mà không chỉ riêng gì tôi, đa số công nhân cao su khi làm việc một thời gian đều ổn định cuộc sống”.
Khi mới vào ngành cao su chị trồng cây non, sau đó chuyển qua cây cạo. Gắn bó một thời gian cùng với sự nỗ lực học tập, nâng cao tay nghề nên chị được làm quản lý tổ, sau đó làm đội phó sản xuất, tiếp đến là làm đội trưởng đến nay. Càng làm chị lại càng muốn học hỏi thêm nhiều kiến thức và kỹ năng để tốt hơn cho công việc của mình. Có lẽ nhờ những nỗ lực đó mà chị đã nhiều lần đạt thành tích cao, nhận nhiều bằng khen Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT, Kỷ niệm chương ngành cao su…
Gắn bó với nghề trong thời gian dài, chị Duyên tâm sự: “Đối với bản thân tôi thì động lực để tôi gắn bó với nghề là vì công việc phù hợp với cuộc sống gia đình, có nhiều thời gian cho gia đình. Chỉ có nghề cao su mới có thời gian khá thoải mái như vậy. Bên cạnh đó nghề cao su có khoản tiền thưởng tương đối lớn so với các ngành nghề khác, đó là động lực để NLĐ gắn bó với công việc. Đặc biệt hơn tôi nghĩ đó là cái nghề cái nghiệp như mọi người vẫn thường nói. Có công nhân ra ngoài làm rồi nhưng vẫn quay lại làm tiếp cao su. Có người hỏi sao vất vả vậy mà vẫn làm được? Chính bởi tình yêu nghề nó thấm vào máu rồi nên khó bỏ”.
Hết mình vì công nhân
Khi tiếp xúc với chị Duyên, chúng tôi cảm nhận được ở chị sự hăng hái, nhiệt tình toát ra từ lời nói và ánh mắt. Chị Duyên chia sẻ bản thân vừa làm tổ trưởng vừa làm Công đoàn, trên hết mục đích duy nhất là muốn dành những điều tốt đẹp cho NLĐ. Chị Duyên tâm sự: “Bản thân tôi đã từng từ cấp nhỏ nhất đi lên, có thời gian hoạt động Công đoàn nên tôi hiểu rất rõ khi tham gia vào làm tổ trưởng, tôi luôn tâm niệm, làm được gì cho công nhân thì làm và luôn hết mình”.
Với vai trò là người quản lý, chị luôn nỗ lực để giúp đỡ anh em đồng nghiệp. Chị chú trọng công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ để kịp thời động viên họ trong những lúc khó khăn. Ngoài ra, chị cũng tạo sự gần gũi và chia sẻ với công nhân, như chuẩn bị nước, bánh trà tại các lán để tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, giúp họ yên tâm làm việc. Chị nhận thấy rằng chỉ khi có sự quan tâm, hỗ trợ và gần gũi như vậy, NLĐ mới có thể phát huy hết năng lực của mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đơn vị.
“Tôi vẫn luôn động viên tinh thần cho anh chị em công nhân. Tôi hiểu rằng công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng và các công nhân cần sự khích lệ, hỗ trợ tinh thần để có thể gắng sức và tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều này rất quan trọng, bởi nó không chỉ giúp công nhân có động lực làm việc tốt hơn, mà còn góp phần tạo ra không khí đoàn kết, tình đồng nghiệp trong đơn vị” – chị Duyên chia sẻ.
HẰNG NY
Related posts:
- Tự hào truyền thống 47 năm Cao su Lộc Ninh
- Gia đình bốn thế hệ gắn bó với ngành cao su
- Anh Phan Nim - Giải nhất Bàn tay vàng Cao su Tân Biên Kampong Thom: "Cây cao su cho tôi cuộc sống tố...
- Anh – người thủ lĩnh công nhân cao su
- Thủ đoạn của bọn mộ phu
- Trần Bá Hải – Vượt khó thực hiện ước mơ
- Trường Cao đẳng Cao su gặp mặt cán bộ hưu trí
- Xây dựng hình ảnh công nhân thời đại mới bản lĩnh, trình độ
- Cao su Đồng Nai (2/6/1975 - 2/6/2023): Phát huy truyền thống, vững vàng bước vào giai đoạn phát triể...
- Lê Thị Thương: Nhiều lần đạt giải cao tại hội thi bàn tay vàng các cấp