“Ghi lại lịch sử công nhân cao su là đòi hỏi cấp thiết”

CSVN – PGS,TS. Đại tá Hồ Sơn Đài là người gắn bó mật thiết với ngành cao su. Ông là người chủ biên cuốn Sử ngành cao su giai đoạn 2001 – 2014, và trước đó, ông là một trong những người chấp bút viết cuốn Sử phong trào công nhân cao su (1929 – 2001). Nhân sự kiện VRG xuất bản cuốn Sử ngành cao su (1929 – 2014) kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước, PV Tạp chí Cao su đã trao đổi với ông về ý nghĩa của cuốn sách sử này.

>>VRG sẽ phát hành sách Lịch sử phong trào công nhân cao su vào dịp 30/4

PGS,TS. Đại tá Hồ Sơn Đài (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) tham gia Ban giám khảo Hội thi Tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành cao su. Ảnh: Nguyễn Cường
PGS,TS. Đại tá Hồ Sơn Đài (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) tham gia Ban giám khảo Hội thi Tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành cao su. Ảnh: Nguyễn Cường

Là người chủ biên cuốn Sử ngành cao su giai đoạn 2001 – 2014 (được bổ sung vào cuốn sử phong trào công nhân cao su đã được xuất bản với 4 giai đoạn: 1929 – 1945, 1945 – 1954, 1954 – 1975, 1975 – 2001), xin ông cho biết những khó khăn trong quá trình chấp bút viết sử về giai đoạn này?

PGS,TS. Đại tá Hồ Sơn Đài: Việc ghi lại một cách đầy đủ và chính xác lịch sử phong trào công nhân cao su VN là một đòi hỏi cấp thiết và mang nhiều ý nghĩa. Nó chẳng những góp phần làm sáng tỏ bản chất, đặc điểm, vị trí của giai cấp công nhân VN nhằm phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử, mà còn góp phần nêu bật truyền thống đấu tranh cách mạng của công nhân cao su, đáp ứng lòng mong mỏi của hàng vạn cán bộ, công nhân cao su muốn có một cuốn sử viết về chính mình.

Từ những năm cuối của thế kỷ trước, thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu Công đoàn Cao su VN nhiệm kỳ 1988 – 1993, Công đoàn Cao su VN đã tổ chức sưu tầm tư liệu, nghiên cứu biên soạn cuốn “Lịch sử phong trào công nhân cao su VN (1906 – 1990)” (NXB Trẻ, 1993). 10 năm sau, cuốn sách được sửa chữa, bổ sung giai đoạn để tái bản cuốn “Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam (1906 – 2001)”(NXB Lao Động, 2003).

Năm 2014, Công đoàn Cao su VN tổ chức chỉnh sửa phần viết cũ, biên soạn mới giai đoạn 2001 – 2014, xuất bản cuốn “Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam (1929 – 2014)” (NXB Chính trị quốc gia, 2014). Công việc này được giao cho tôi thực hiện. Mong muốn của tôi là cố gắng ghi lại rõ, đúng và đủ những nội dung chủ yếu của phong trào công nhân cao su VN với tất cả những đặc điểm của nó, đồng thời phản ánh những đóng góp của đội ngũ công nhân cao su đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.

Về khó khăn, tôi có thể nói có 3 điều. Thứ nhất, 2001-2014 là giai đoạn đương đại, lịch sử đang “nhảy múa”, chưa có độ lùi thời gian và sự lắng lại để người viết sử tổng kết, đánh giá một cách chín chắn, khách quan. Thứ hai, trong giai đoạn 2001-2014, thị trường cao su khu vực và thế giới diễn biến rất phức tạp, giá cao su chạm đáy… đã tác động sâu sắc đến tình hình sản xuất kinh doanh và hoạt động của phong trào công nhân cao su VN. Dưới góc độ sử học, việc tường thuật và đánh giá nó thật không dễ dàng.

Thứ ba, do là giai đoạn đương đại, nhân chứng lịch sử dường như còn đầy đủ. Mỗi nhân chứng có độ khúc xạ trí nhớ, quan điểm đánh giá và thái độ tình cảm khác nhau. Điều đó đã gây không ít khó khăn cho tôi khi trình bày ý kiến của riêng mình.

Ông nhận xét như thế nào về ngành cao su giai đoạn 2001 – 2014?

PGS,TS. Đại tá Hồ Sơn Đài: 2001 – 2014 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của ngành cao su VN. Đội ngũ công nhân cao su VN đã dũng cảm đổi mới, sáng tạo, tái cơ cấu ngành, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, đưa ngành cao su đi lên phù hợp với quy luật khách quan và xu thế hội nhập quốc tế.

Trong giai đoạn lịch sử này, diện tích cao su được phát triển lớn nhất, cả ở các tỉnh Trung bộ, Tây Bắc, sang hai nước bạn Lào, Campuchia; năng suất cao su được nâng lên rõ rệt. Trong quá trình phát triển của mình, VRG đã góp phần làm thay đổi nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hơn mười năm, số lượng và chất lượng đội ngũ công nhân được nâng cao, người lao động được chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tri thức chung và trình độ chuyên môn cao, tác phong làm việc khoa học, hiện đại. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã được gìn giữ và lưu truyền trong mỗi gia đình, ở mỗi người công nhân cao su.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Cẩm (thực hiện)