Thủ đoạn của bọn mộ phu

CSVN – Đối với người dân phu được tuyển mộ, các chủ đồn điền cao su thực hiện một sự quản lý chặt chẽ ngay sau khi họ ký tên vào giấy giao kèo (contrat). Sau khi làm xong các thủ tục, họ được tập trung lại và đưa đi dưới sự điều khiển của tên cai mộ. 
Phu cao su làm việc dưới sự giám sát của người Pháp.
Phu cao su làm việc dưới sự giám sát của người Pháp.
Các thủ đoạn kềm kẹp công nhân ở các đồn điền cao su.

Phương tiện đi lúc bấy giờ chủ yếu là bằng tàu hỏa. Những chuyến tàu chở phu mộ đều do các công ty cao su thuê bao của ngành đường sắt.. Vé tàu là do bọn chủ các đồn điền, chủ các công ty lo liệu.

Dân phu chỉ mất tiền ăn và nước uống. Thông thường mỗi chuyến tàu chở hàng ngàn người. Trong mỗi toa, người ngồi chật như nêm cối. Tàu vào đến Đà Nẵng, các dân phu thường phải chuyển sang ô tô đi vào Nha Trang, rồi từ Nha Trang lại đi tàu hỏa đến các ga gần đồn điền. Ngoài việc đi bằng phương tiện tàu hỏa và ô tô, một số dân phu ở các tỉnh miền Bắc còn đi bằng tàu thủy từ Hải Phòng vào Sài Gòn.

Khi xuống ga hoặc lên bến cảng, cai mộ điểm danh rồi dẫn dân phu vào các đồn điền cao su mà chúng đã sắp đặt từ trước. Đến đồn điền, cai mộ giao dân phu cho chủ. Chủ đồn điền phái bọn sếp ra nhận người rồi phân bố họ về các làng. Chúng bố trí làng theo địa phương quê quán của người dân phu. Ví  dụ người của tỉnh Nam Định được xếp ở một làng riêng. Đối với số người thuộc những địa phương có ít người, chúng ghép chung họ lại thành một làng gọi là làng “Tứ xứ”. Để duy trì số nhân công cần thiết đồng thời để bóc lột tối đa sức lao động của người dân phu, giới chủ đồn điền đã lập ra một hệ thống kềm kẹp hết sức chặt chẽ và khắc nghiệt. Đứng đầu một đồn điền là chủ đồn điền (có thể bao gồm chủ nhất, chủ nhì). Chủ đồn điền có bộ phận giúp việc chuyên môn. Dưới chủ đồn điền là các chánh giám thị (xu-vây-dăng sếp). Các chánh giám thị điều khiển các giám thị viên. Các giám thị viên chỉ huy các cai. Các cai theo dõi giám sát các kíp sản xuất.

Mỗi kíp sản xuất có khoảng 10 công nhân, do một cai trông coi. Mỗi tên xu-vây-dăng coi 3 kíp sản xuất. Ba kíp sản xuất được biên chế thành một đội sản xuất. Mỗi tên xu-vây-dăng sếp chỉ huy ba tên xu-vây- dăng. Trong một đồn điền có nhiều xu-vây-dăng sếp. Những tên này chịu mọi sự điều khiển của chủ nhất.

Trong hệ thống kềm kẹp này, bọn xu-vây-dăng đều là những tên đao phủ, những con quỷ sứ hung ác ghê gớm của “địa ngục trần gian”. Bọn xu-vây-dăng hầu hết đều được tuyển lựa từ quân đội Pháp và từ đám ác ôn người Việt Nam. Cai thì hầu hết là người Việt Nam. Tùy thuộc vào bộ máy kềm kẹp nhưng cai là cấp thấp nhất, có mức sống không hơn gì công nhân. Lương hàng tháng của cai không hơn lương của công nhân bao nhiêu. Về quyền lợi thì ngoài gian nhà lán ra, cai không được hưởng quyền lợi nào hơn công nhân. Trong khi đó bọn xu-vây-dăng lại được hưởng rất nhiều quyền lợi. Mỗi tên xu được cấp từ  2 đến 3 gian nhà ngói thoáng mát và một ga-ra ô tô. Trong nhà được trang bị từ 3 đến 4 giường lò xo trải đệm, một bộ xa-lông cùng rất nhiều các thứ khác… Mỗi nhà đều có kẻ hầu người hạ. Do cách đối xử quá chênh lệch giữa xu và cai, nên trong hàng ngũ cai có sự phân hóa rõ rệt.

CSVN

(Xem tiếp kỳ sau) (trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)