CSVNO – “Công tác giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện tốt mục tiêu tạo việc làm ổn định nhằm giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong những năm qua” – đó là khẳng định của ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tại buổi làm việc với VRG, vào ngày 19/4.
Nguồn cung lao động dồi dào
Theo báo cáo tình hình lao động, việc làm của Sở Lao động – Thương binh Xã hội, toàn tỉnh Hà Giang có gần 558.000 lao động (số liệu năm 2023), chiếm 62% dân số. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc gần 531.000 người, chiếm 59% dân số. Tỷ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh năm 2023 là 3,14%.
Cũng theo đại diện Sở Lao động – Thương binh Xã hội tỉnh Hà Giang tổng hợp, hiện nay, toàn tỉnh có trên 67.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở SXKD ngoài tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM… Riêng 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 10.600 người, trong đó lao động đi làm việc ngoài tỉnh gần 5.500 người, chiếm 51,4%. Dự báo mỗi năm, Hà Giang có khoảng 30.000 lao động có nhu cầu giải quyết việc làm, chưa tính hàng chục nghìn lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề. Do vậy việc mở rộng thị trường để tạo việc làm cho người lao động là nội dung được tỉnh chỉ đạo quyết liệt.
Riêng huyện Vị Xuyên, hiện nay có khoảng 30.000 lao động trong độ tuổi lao động. Trong đó có 10.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, số còn lại đang việc tại địa phương có mong muôn tìm việc làm khác có thu nhập ổn định. “Việc VRG thu tuyển lao động tại địa phương là cơ hội để ngươi dân Vị Xuyên nói riêng cũng như tỉnh Hà Giang nói chung giảm nghèo bền vững góp phần phát triển kinh tế xã hội” – đại diện lãnh đạo huyện Vị Xuyên chia sẻ.
Nhu cầu tuyển dụng ngành cao su ngày càng tăng
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trương Phụng Loan – Phó Ban Lao động tiền lương VRG cho biết, VRG là Tập đoàn kinh tế Nhà nước có quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Địa bàn hoạt động của Tập đoàn trải rộng tại 34 tỉnh, thành phố từ miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Bắc Trung bộ và khu vực miền núi phía Bắc, sang hai nước bạn Lào và Campuchia. Diện tích cao su Tập đoàn đang quản lý gần 398.000 ha.
Qua số liệu thống kê, lao động tại các đơn vị thành viên lĩnh vực cao su giảm dần qua từng năm, người lao động trực tiếp có xu hướng chuyển sang các ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng và bán buôn bán lẻ… Hiện nay, tại các đơn vị thành viên lĩnh vực cao su số lao động thực tế cuối năm và nhu cầu sử dụng năm 2024 đều có sự chênh lệch. Cụ thể tổng số lao động đến ngày 31/12/2023 gần 79.000 người, trong khi nhu cầu sử dụng lao động năm 2024 gần 90.600 người; chênh lệch gần 11.600 người, trong đó lao động trực tiếp thiếu 9.564 người.
Riêng khu vực Đông Nam bộ, trong những năm gần đây, các khu công nghiệp khu vực này phát triển mạnh, do đó có sự cạnh tranh lao động gây gắt giữa khu vực nông nghiệp và công nghiệp, dẫn đến nhiều công ty cao su thiếu hụt lao động nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến kết quả SXKD của Tập đoàn nói chung và các công ty thành viên nói riêng. Theo số liệu thống kê nhu cầu lao động trong năm 2024 các công ty cao su khu vực miền Đông Nam bộ đang thiếu hụt hơn 3.300 người, đặc biệt là công nhân khai thác mủ cao su.
Giải pháp thu hút lao động Hà Giang vào làm cao su
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, những năm gần đây Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã kết nối với Tỉnh Đoàn và Sở Lao động – Thương binh Xã hội tỉnh Hà Giang để phối hợp cung ứng lao động. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho biết: “Sau khi có sự kết nối, chúng tôi đã cùng nhau tới từng xã, từng bản thuộc huyện Xíu Mầm, Hoàng Su Phì… để tuyên truyền, vận động người dân vào làm công nhân cao su. Sau khi được nhận làm công nhân cao su, lao động Hà Giang không chỉ được hưởng các chế độ lương, thưởng phúc lợi như những công nhân cũ mà còn được hỗ trợ tiền tàu xe đi lại, được bố trí chỗ ở cho công nhân cũng như gia thuộc, hỗ trợ nhu yếu phầm sinh hoạt… Và toàn bộ những công việc trên lô, sinh hoạt hằng ngày, sinh hoạt văn hóa… được Cao su Đồng Nai ghi lại và gửi về phương để tuyên truyền vận động người dân tiếp tục đăng ký làm công nhân cao su. Chính vì vậy vấn đề thiếu lao động ở Cao su Đồng Nai đã được giải quyết”.
Thực tế cho thấy, hiệu quả thu tuyển lao động tại tỉnh Hà Giang của Cao su Đồng Nai đã đặt nền móng cho các đơn vị khác ở miền Đông Nam bộ như Cao su Hòa Bình, Bà Rịa, Phước Hòa, Dầu Tiếng làm theo. Theo đó, tính đến hết tháng 3 các đơn vị này đã thu tuyển được 700 lao động cho mùa khai thác năm 2024.
Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch Công đoàn CSVN chia sẻ: “Hiện nay, nguồn lao động tại địa phương là rất lớn, trong khi lao động có tay nghề còn hạn chế chính vì vậy VRG mong muốn tỉnh Hà Giang hỗ trợ thông tin về lao động và việc làm của địa phương cho các công ty thành viên của Tập đoàn. Đồng thời xem xét đưa ngành nghề khai thác mủ cao su vào chương trình đào tạo nghề của tỉnh, Tập đoàn sẽ phối hợp hỗ trợ giáo trình cũng như nhân lực đào tạo…”.
“Tôi cho rằng, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo địa phương và các đơn vị tổ chức cùng các trưởng bản tổ chức chuyến thăm, tìm hiểu hoạt động SXKD, công tác chăm lo đời sống cho người lao động của Tập đoàn. Từ đó có cái nhìn thực tế để hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho lao động địa phương đi làm việc tại các công ty thành viên của Tập đoàn. Qua đó, giúp Tập đoàn hoàn thành kế hoạch SXKD, góp phần đảm bảo vốn của Nhà nước và giải quyết việc làm cho lao động tỉnh Hà Giang” – ông Huỳnh Kim Nhựt mong muốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, để giải quyết công ăn việc làm ổn định cho người dân, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh như: tổ chức các ngày hội việc làm; phối hợp với các doanh nghiệp tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng lao động; có chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu…
“Đối với VRG, đề nghị Tập đoàn tiếp tục tổ chức chương trình giới thiệu việc làm tại tỉnh để người lao động có đầy đủ thông tin về số lượng tuyển dụng, chế độ, yêu cầu của việc làm và các chế độ đãi ngộ khác; quan tâm thêm tới người lao động về tinh thần, văn hóa truyền thống. Đồng thời mong muốn, các sở, ngành liên quan và các huyện tiếp tục đổi mới cách làm, chủ động phối hợp với các công ty thành viên của VRG trong tổ chức các chương trình tư vấn việc làm, đào tạo nghề, đưa lao động đi làm việc tại các công ty trực thuộc Tập đoàn. Từ đó giúp người dân tỉnh Hà Giang có việc làm ổn định, lâu dài, thu nhập cao, giảm nghèo bền vững, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh” – ông Trần Đức Quý nhấn mạnh.
NG. CƯỜNG
Related posts:
- Những sáng kiến, cải tiến từ thực tiễn của thanh niên công nhân đồng bào dân tộc thiểu số
- Thi đua về đích nơi Bắc Lào
- Sống trọn tình, trọn nghĩa với cây cao su
- Sản xuất phân hữu cơ sinh học từ công nghệ nuôi trùn quế
- Sẽ thành lập tổ hỗ trợ sáng kiến
- Tổng Liên đoàn LĐVN chỉ đạo chăm lo Tết Bính Thân cho người lao động
- Sôi nổi trại hè khu vực Tây nguyên và miền Trung
- Nông trường Cầu Khởi, Cao su Tây Ninh: 2 tổ năng suất trên 3 tấn/ha
- Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ giúp cao su Việt Nam vươn tầm quốc tế
- Đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ cho các đơn vị thành viên