Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ giúp cao su Việt Nam vươn tầm quốc tế

CSVN – Là thành viên của VRG, Viện Nghiên cứu Cao su VN (Viện) được thành lập năm 1941. Trải qua 80 năm hoạt động, Viện đã khẳng định được vai trò và vị thế, xứng đáng là đơn vị đầu ngành về các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao và hợp tác quốc tế, góp phần quan trọng giúp ngành cao su phát triển.

Các nhà nghiên cfíu cao su quốc tế tham quan vườn cây giống của Viện Nghiên cfíu CSVN
Tiềm lực mạnh về khoa học và công nghệ

Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao của Viện gắn liền với sản xuất của ngành cao su trong nước. Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của Viện đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật, cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích và được chuyển giao cho sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất cho vườn cao su toàn ngành.

Viện nghiên cứu chuyển giao khoa học về các lĩnh vực nông học, bảo tồn nguồn gen, tạo tuyển giống, các kỹ thuật đồng bộ từ chăm sóc đến thu hoạch mủ; lĩnh vực công nghệ cao su và môi trường… Đội ngũ cán bộ của Viện hiện có 5 tiến sĩ, 31 thạc sĩ, 56 cán bộ có trình độ đại học trong tổng số 307 CB.CNV, được đào tạo chuyên ngành theo từng lĩnh vực chuyên môn sâu trong và ngoài nước. Đội ngũ này đã và đang hoạt động có hiệu quả trong quản lý, sản xuất, nghiên cứu và chuyển giao; làm chủ được công nghệ trong lĩnh vực KHCN về cao su tiên tiến nhất ở phạm vi trong và ngoài nước.

Viện có các phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học, bảo vệ thực vật, nông hoá thổ nhưỡng và sinh lý khai thác đang hoạt động đắc lực phục vụ nghiên cứu và chuyển giao trong cả nước. Đáng kể nhất là hai phòng quản lý chất lượng cao su thiên nhiên được cấp chứng chỉ VILAS đạt tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo chất lượng cao su thiên nhiên tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

“Chỉ tính riêng giai đoạn 2000 – 2021, Viện đã thực hiện tổng cộng 129 đề tài/dự án các cấp và có hơn 85 báo cáo khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó 58 báo cáo trên tạp chí trong nước, 27 báo cáo trên tạp chí ngoài nước. Có 166 báo cáo khoa học tham dự hội nghị trong nước và quốc tế. Đã đạt được 59 tiến bộ KHKT, tiêu chuẩn, quy trình, giải pháp hữu ích được công nhận và áp dụng rộng rãi trong ngành cao su. Là thành viên của Ủy ban Nghiên cứu và Phát triển Cao su quốc tế, thông qua hợp tác quốc tế đã góp phần nâng cao trình độ của cán bộ KHCN của Viện, mở rộng các mối quan hệ trong hợp tác trong nhiều lĩnh vực” – ông Phan Thành Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu CSVN, cho biết.

Vai trò quan trọng giúp ngành cao su phát triển

Với sứ mệnh “Nâng cao năng lực cạnh tranh và bền vững của ngành cao su thiên nhiên VN trên toàn cầu thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất”, Viện đã lai tạo và tuyển chọn ra nhiều giống cao su tiến bộ. Hầu hết giống cao su trồng trong nước hiện nay do Viện tạo tuyển với tên RRIV và LH cho năng suất mủ – gỗ hoặc gỗ – mủ cao thích hợp cho các vùng sinh thái. Các giống này đã được Bộ NN&PTNT công nhận. Cơ cấu bộ giống được Tập đoàn khuyến cáo qua các giai đoạn đã được bổ sung các giống mới nên ngày càng được hoàn thiện và phát triển.

Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, Viện đã nghiên cứu và đề xuất các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây cao su một cách hiệu quả. Trong lĩnh vực thu hoạch mủ đã có nhiều nghiên cứu đưa ra những tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng đã góp phần nâng cao năng suất, giảm công lao động, giảm thất thoát mủ, tình trạng sức khỏe vườn cây luôn được kiểm soát. Trong lĩnh vực công nghệ, Viện đã phối hợp cùng Tập đoàn xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở cho quy trình chế biến cao su các loại, quản lý chất lượng sản phẩm cao su, cải tiến sản phẩm công nghiệp cao su…

Những tiến bộ kỹ thuật này đã được đưa vào các quy trình kỹ thuật trong từng giai đoạn và gần đây nhất là Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020 đã được ban hành, giúp làm tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất, tăng mức độ đa dạng hóa sản phẩm cao su, bảo đảm chất lượng sản phẩm cao su và bảo vệ môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Với nhiều thành tích nổi bật, góp phần quan trọng giúp ngành cao su VN phát triển ổn định và bền vững, Viện đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Nhất “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2009 đến năm 2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”…

THIÊN HƯƠNG