CSVN – Phân hữu cơ sinh học (HCSH) được sản xuất từ bùn sinh học bằng công nghệ nuôi trùn quế của chị Phạm Thị Xuân Hiền – Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên, nhân viên kỹ thuật Cao su Bình Long và các cộng sự góp phần tiết giảm giá thành sản xuất, giúp cây cao su phát triển tốt. Đặc biệt bảo vệ môi trường, đúng với định hướng của chương trình quản lý rừng bền vững.
Hàng năm, công ty sử dụng khoảng gần 500 tấn phân hữu cơ cho vườn cây tái canh. Để đáp ứng nhu cầu tăng tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ trong canh tác cao su, công ty nghiên cứu tìm kiếm loại phân hữu cơ phù hợp thay thế dần các loại phân vô cơ đang sử dụng. Nhằm cải thiện, gia tăng nguồn dinh dưỡng trong bùn thải từ nhà máy chế biến, chị đã có ý tưởng thực hiện đề tài “Nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất phân HCSH từ bùn sinh học của dây chuyền chế biến mủ bằng công nghệ nuôi trùn quế”.
Chị cho biết: “Công ty đang thực hiện chương trình quản lý rừng bền vững, do đó trong thời gian qua công ty luôn tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến, cải tiến trên tất cả các lĩnh vực để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đưa ra trong chương trình. Qua các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước về phân trùn cho thấy việc sử dụng phân trùn trong chăm bón mang lại hiệu quả tốt, không chỉ kích thích tăng trưởng cây trồng mà còn tăng khả năng cải tạo đất. Phân trùn chứa các khoáng chất, vi lượng được cây trồng hấp thụ trực tiếp, không mùi hôi, thuận lợi trong bảo quản và vận chuyển. Là loại phân sạch thiên nhiên quý giá để bón cho rau quả trong nông nghiệp sạch, được thị trường ưa chuộng”.
Mỗi năm, các dây chuyền từ nhà máy chế biến mủ thải ra khoảng 1.000 tấn bùn thải sinh học. Chị đã tận dụng nguồn bùn thải này làm thức ăn cho trùn quế để sản xuất phân bón HCSH thân thiện với môi trường và đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, quản lý rừng bền vững. Nâng cao giá trị bùn sinh học, tạo ra phân HCSH có chất lượng đáp ứng được nhu cầu của cây cao su với giá thành phù hợp.
Chị và các cộng sự bắt tay vào việc thử nghiệm dùng trùn quế để xử lý bùn sinh học thành phân HCSH. Bùn sinh học phối trộn với phân bò làm thức ăn cho trùn quế (trùn được mua từ trang trại). Sau 90 ngày nuôi, từ 240kg trùn sinh khối ban đầu thu được lượng trùn là 1.368kg, tổng trùn tinh 91kg. Sau khi thu hoạch trùn xong, lớp bùn sinh học mà con trùn đã xử lý là phân bón HCSH. Kết quả phân tích cho thấy các chỉ tiêu dinh dưỡng trung lượng trong phân bón HCSH từ mô hình này tăng sau khi thử nghiệm, đáp ứng tiêu chuẩn của phân HCSH theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng phân bón QCVN 01-189: 2019/BNNPTNT. Các yếu tố hạn chế như Cadimi, Asen, Thủy ngân đều không phát hiện trong phân HCSH.
Lượng phân thành phẩm này được thử nghiệm bón lót trên cao su tái canh. Sau 12 tháng sau trồng, kết quả quan trắc sinh trưởng (đường kính, chiều cao, tầng lá) cho thấy hiệu lực của phân thành phẩm đạt so với loại phân hữu cơ vi sinh đang sử dụng, riêng chỉ tiêu chiều cao cây cao hơn từ 108% – 109%. Với những hiệu quả tích cực đó, công ty đã cho xây dựng nhà máy sản xuất phân HCSH từ bùn thải bằng công nghệ nuôi trùn quế trên diện tích 1.120 m2 với kinh phí đầu tư, sản xuất 500 tấn phân năm thứ nhất hơn 1,3 tỷ đồng. Dự kiến công ty sẽ thu hồi vốn sau 2 năm 8 tháng.
Với những hiệu quả trong thực tiễn, đề tài của chị đã đạt giải khuyến khích cuộc thi Ý tưởng sáng tạo của Đoàn Thanh niên VRG và giải nhì Hội thi Khoa học kỹ thuật thị xã Bình Long.
MINH TUỆ
Related posts:
- Anh Trần Quốc Bình tái đắc cử Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn
- Đ/c Trần Công Kha - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG chúc Tết CBCNV LĐ
- Trăn trở nhà ở cho công nhân vùng biên
- Khởi động chọn “chiến binh”
- Hoạt động Công đoàn hướng về cơ sở, đi vào thực chất
- Chị Lê Thị Thương được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021
- Cao su Việt Lào: Mô hình kiểu mẫu tại nước ngoài của VRG
- Sôi nổi mùa nước rút ở Nông trường Lai Uyên
- Thanh niên là lực lượng nòng cốt trong phong trào Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi
- Cán bộ CĐ trong giai đoạn mới: "Sống và vào cuộc với nhịp sống của người lao động"