CSVN – Theo ông Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng Ban Công nghiệp VRG, trong tương lai Tập đoàn chỉ tồn tại nhãn hiệu CSTN thương hiệu VRG, không còn tồn tại nhận diện nhãn hiệu riêng của thành viên. Vì vậy, cần có định hướng, chiến lược công tác quảng bá sản phẩm toàn Tập đoàn. Cao su Việt Nam đã trao đổi với ông xoay quanh kết quả và định hướng phát triển sản phẩm CSTN thương hiệu VRG của Tập đoàn.
– Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về kết quả phát triển sản phẩm CSTN thương hiệu VRG giai đoạn 2018 – 2022?
Ông Huỳnh Tấn Siêu: Từ năm 2018, Tập đoàn bắt đầu giao kế hoạch xây dựng, phát triển sản phẩm CSTN thương hiệu VRG, nhằm đảm bảo cung cấp ra thị trường dòng sản phẩm có chất lượng cao mang thương hiệu của Tập đoàn. Tập đoàn đã rất cẩn trọng khi giao kế hoạch trên cơ sở xem xét thấu đáo năng lực của từng đơn vị để từng bước phát triển sản phẩm.
Về kết quả đạt được trong 5 năm 2018 – 2022, hầu hết các công ty thành viên đã chủ động thực hiện chủ trương phát triển sản phẩm CSTN thương hiệu VRG. Bên cạnh đó, vẫn còn một số công ty còn gặp khó khăn, chưa đảm bảo các điều kiện để thực hiện kế hoạch. Số công ty thực hiện chủ trương tăng nhanh qua các năm. Năm 2018 chỉ có 14/27 đơn vị thực hiện (đạt 52%), năm 2019 có 39/49 đơn vị thực hiện (đạt 80%), năm 2020 có 49/52 đơn vị thực hiện (đạt 94%), năm 2021 có 51/53 đơn vị thực hiện (đạt 96%) và năm 2022 đã có 51/52 đơn vị (đạt 98%).
Giai đoạn 2018 – 2022, Tập đoàn định hướng tỉ trọng sản phẩm CSTN thương hiệu VRG/Tổng sản phẩm cao su toàn Tập đoàn là 59%. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Tập đoàn đã sản xuất được 1.223.023 tấn sản phẩm CSTN thương hiệu VRG, đạt 108% kế hoạch (vượt 88.513 tấn), tương đương 66% tổng sản lượng cao su khai thác toàn Tập đoàn và đạt 59% tổng sản phẩm cao su toàn Tập đoàn chế biến từ nguyên liệu khai thác, thu mua; vừa đạt định hướng Tập đoàn giao.
Nhìn chung, việc thực hiện chủ trương phát triển sản phẩm CSTN thương hiệu VRG trong 2 năm 2018, 2019 còn gặp rất nhiều khó khăn do công tác tuyên truyền chưa phát huy tốt hiệu quả, công tác chuyển đổi nhận diện nhãn hiệu còn chậm, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, còn tổ chức sản xuất tại các nhà máy chế biến ngoài Tập đoàn hay tiêu thụ mủ cao su nguyên liệu… Từ năm 2020 trở đi công tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm CSTN thương hiệu VRG thuận lợi hơn. Các thành viên đã nhìn nhận rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của định hướng, từ đó cũng chủ động, tích cực hơn để thực hiện. Công tác quảng bá sản phẩm cũng mang lại hiệu quả tích cực, khách hàng quan tâm, biết đến và ưa chuộng sản phẩm nhiều hơn.
– Về kết quả thực hiện kế hoạch tiêu thụ sản phẩm CSTN thương hiệu VRG giai đoạn 2018 – 2022 cụ thể ra sao, thưa ông?
Ông Huỳnh Tấn Siêu: Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động với nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ, giao hàng. Áp lực tiêu thụ của các thành viên mới, chưa có thương hiệu, đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác tiêu thụ cao su của Tập đoàn. Định hướng phát triển sản phẩm CSTN VRG đã mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác tiêu thụ của Tập đoàn. Với chính sách tiêu thụ linh hoạt và chính sách giá bán không tăng cho sản phẩm CSTN thương hiệu VRG so với sản phẩm cao su thông thường đã góp phần quảng bá, tiêu thụ rộng rãi sản phẩm CSTN VRG.
Trong 5 năm 2018 – 2022, tổng sản lượng CSTN thương hiệu VRG được khách hàng ký hợp đồng tiêu thụ đạt 1.242.625 tấn (vượt 10% KH), tăng 108.115 tấn so với KH. Lượng đặt hàng tiêu thụ sản phẩm đã đạt cao hơn lượng sản phẩm sản xuất ra (cao hơn 19.602 tấn). Sản phẩm CSTN thương hiệu VRG đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến, đón nhận, đánh giá cao và tiêu thụ thuận lợi hơn. Sản phẩm được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với đa dạng khách hàng, từ các hãng sản xuất trực tiếp đến các nhà thương mại lớn như: Goodyear, Bridgestone, Michelin, Yokohama, Kumho, Sailun, Sumitomo, Cheng Shin, Casumina, Weber, R1, Centrotrade, Corrie Maccoll, Sintex, Marubeni, JK Tires, Apollo Tire, Namazie, Saha Para…
Tập đoàn đã lựa chọn và ưu tiên phát triển các chủng loại sản phẩm CSTN có thế mạnh về chất lượng so với các sản phẩm cùng loại trong nước. Cơ cấu sản phẩm CSTN thương hiệu VRG phát triển ngày càng đa dạng. Từ năm 2018 – 2020 phát triển 5 chủng loại cao su cốm và khuyến khích phát triển sản phẩm RSS 3. Từ năm 2021 – 2022 phát triển 10 chủng loại sản phẩm cao su các loại thuộc 3 dòng sản phẩm cao su chủ lực của Tập đoàn gồm các chủng loại VRG SVR 3L, VRG SVR/CSR 10, VRG SVR/CSR 20, VRG SVR/CSR CV50, VRG SVR/CSR CV60, VRG RSS 1, VRG RSS 3, VRG HA, VRG LA, VRG MA.
Giai đoạn 2018 – 2022, Tập đoàn vẫn tồn tại đồng thời nhãn hiệu CSTN VRG và nhãn hiệu riêng của các thành viên. Cơ cấu sản phẩm CSTN thương hiệu VRG tăng trưởng nhanh qua các năm. Trong đó, sản phẩm CSTN thương hiệu VRG đạt 59% và 41% sản phẩm nhãn hiệu riêng của các công ty cao su thành viên.
Chất lượng sản phẩm là 1 trong 2 yếu tố cốt lõi góp phần xây dựng và tạo nên thương hiệu CSTN VRG của Tập đoàn. Góp phần xây dựng thương hiệu CSTN VRG của Tập đoàn thành thương hiệu mạnh, giữ vai trò nòng cốt định hướng ngành cao su, góp phần nâng cao chất lượng cao su Việt Nam.
Từ năm 2018 đến nay, chất lượng sản phẩm CSTN của Tập đoàn đã có những bước chuyển biến tích cực, toàn diện. Sản phẩm có chất lượng cao, ổn định; tỉ lệ sản phẩm chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng CSTN thương hiệu VRG ngày càng tăng, đảm bảo tỉ lệ sản phẩm đạt chất lượng để thực hiện định hướng phát triển sản phẩm CSTN thương hiệu VRG của Tập đoàn.
– Xin ông cho biết định hướng kế hoạch phát triển sản phẩm CSTN thương hiệu VRG của Tập đoàn?
Ông Huỳnh Tấn Siêu: Định hướng tỉ trọng sản phẩm CSTN thương hiệu VRG/Tổng sản phẩm cao su toàn Tập đoàn như sau: Năm 2023 đạt 83% (411.800 tấn), năm 2024 đạt 87% (450.000 tấn), năm 2025 đạt 90% (480.000 tấn), định hướng đến 2030 đạt 95% (515.000 tấn). Dự kiến có khoảng 5% sản phẩm chế biến chưa có trong quy hoạch phát triển sản phẩm CSTN thương hiệu VRG (SVR 5, RSS 4, RSS 5, Skim Block, ngoại hạng, sản phẩm có quy mô < 1% tổng sản phẩm chế biến…).
Tăng trưởng sản phẩm CSTN thương hiệu VRG giai đoạn này ngoài việc phát triển sản phẩm từ nguồn nguyên liệu cao su khai thác, còn tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm sản xuất từ nguồn nguyên liệu thu mua. Do vậy, cần có các giải pháp nâng cao chất lượng nguyên liệu, khảo sát tỉ lệ phối trộn và điều chỉnh kỹ thuật sản xuất hợp lý nhằm đảm bảo sản phẩm sản xuất đạt tiêu chuẩn, chất lượng đồng đều không phân biệt nguồn gốc nguyên liệu.
Trong tương lai Tập đoàn chỉ tồn tại nhãn hiệu CSTN thương hiệu VRG, không còn tồn tại nhận diện nhãn hiệu riêng của thành viên. Vì vậy, cần có định hướng, chiến lược công tác quảng bá sản phẩm toàn Tập đoàn, thực hiện phát triển sản phẩm CSTN VRG đạt 98% trong tổng số đơn vị được giao nhiệm vụ, 2% đơn vị chưa thực hiện do chưa có sản phẩm chế biến theo kế hoạch.
Sản phẩm CSTN thương hiệu VRG là sản phẩm mang thương hiệu chung của Tập đoàn nên chịu tác động rất lớn từ các đơn vị thành viên; mọi ảnh hưởng tiêu cực xuất phát từ bất kỳ đơn vị thành viên nào cũng ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu, uy tín của Tập đoàn. Do vậy, các đơn vị thành viên cần nâng cao vai trò trách nhiệm để xây dựng thương hiệu CSTN của Tập đoàn thành thương hiệu mạnh.
THIÊN HƯƠNG (thực hiện)
Related posts:
- Những con số "biết nói"
- Những thành viên mới tiêu biểu của CLB 2 tấn/ha ở Tây Nguyên
- Mẹ con mình là một phần của truyền thống!
- Hà Lan tăng nhập khẩu cao su từ thị trường Việt Nam
- Đong yêu thương, thêm cảm xúc
- Cao su Sa Thầy xuất sắc thực hiện vượt tất cả các chỉ tiêu năm 2023
- Văn hóa cạo choàng
- Khu công nghiệp Tân Bình: Thu hút đầu tư nhờ chủ động tạo lợi thế cạnh tranh
- Giá cao su thiên nhiên tăng mạnh nhất trong vòng hơn 40 năm
- Đối thoại với người lao động: "Chìa khóa" giúp đơn vị tổ chức sản xuất có hiệu quả