Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)

(Tiếp theo kỳ trước)

NHỮNG THÀNH TỐ CHIẾN TRANH LẠNH

CSVN – Ngoài yếu tố môi trường, các thành phần của đồn điền cũng trở thành mục tiêu của các cuộc tranh luận trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Sự thành lập của chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam vào tháng 6/1949, do Bảo Đại làm Quốc trưởng, dẫn đến việc tái cơ cấu tổ chức chính trị và luật pháp đã giúp một số người Việt nắm giữ những chức vụ trong chính quyền, chẳng hạn như quản lý bộ phận lao động di cư.

Hiện vật của công nhân cao su trưng bày tại Nhà truyền thống Cao su Dầu Tiếng.
Tăng cường tuyển dụng công nhân từ miền Bắc

Thái độ hiếu chiến hơn của Bộ Lao động và Hoạt động xã hội trong các cuộc đàm phán về tuyển dụng lao động cho đồn điền đã cho thấy sức ép đối với nền độc lập của Việt Nam. Lúc đầu, Thanh tra Lao động chỉ miễn cưỡng cho phép tiến hành hoạt động tuyển dụng vì sợ rằng việc này sẽ mở đường cho lực lượng Việt Minh di chuyển vào Nam và kích động phong trào đấu tranh của công nhân. Những quan chức khác lại lo ngại rằng lực lượng lao động người Việt được đưa đến Campuchia có thể gây nên tình trạng căng thẳng với dân chúng địa phương. Song ảnh hưởng cố hữu của ngành công nghiệp cao su rất khó để cải tổ, và các quan chức người Việt cũng phải trải qua quãng thời gian khó khăn mới có thể kiểm soát được ngành công nghiệp này. Những khó khăn như vậy đã thúc đẩy những người chỉ trích rút ra kết luận rằng các nhà lãnh đạo Quốc gia Việt Nam đã tích cực ủng hộ ngành công nghiệp cao su.

Việc sử dụng tù nhân chính trị và tù nhân chiến tranh làm lực lượng lao động, vị trí của lao động Việt Nam ở Campuchia, nhu cầu cải cách lao động, và vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài trong một nước Việt Nam độc lập, tất cả những điều này trở thành những chủ điểm của các cuộc tranh luận. Một trong những vấn đề đầu tiên được đưa ra là lỗ hổng chính trị của việc đưa vào đồn điền những “tù nhân chiến tranh” từ miền Bắc. Hầu hết những người bị gọi là “tù nhân chiến tranh” này thật ra là người miền Bắc hoặc miền Trung Việt Nam, do chiến tranh nên họ phải rời bỏ làng quê, nhiều người trong số đó không hề đồng tình với Việt Minh. Việc sử dụng những người di cư sống trong các khu trại tập trung đã làm dấy lên lời cảnh báo trong các nhóm nhân quyền và những người quan tâm đến vấn đề sử dụng lao động cưỡng bức, vốn đã chính thức bị cấm trong các vùng do Pháp kiểm soát kể từ ngày 8/2/1947.

Việt Minh lên án tình trạng tuyển dụng như vậy, và các thành viên trong chính quyền ở miền Nam cũng có những mối lo ngại tương tự. Hải Phòng trở thành trọng điểm cho những cuộc biểu tình phản đối vấn đề nêu trên; thành phố này tiếp tục trở thành điểm khởi hành cho những người đi vô miền Nam; lãnh đạo Sở Lao động của thành phố đã trì hoãn quá trình tuyển dụng. Thay vì thuyết phục giới cầm quyền của miền Bắc Việt Nam thay đổi, các chủ đồn điền lại kêu gọi sự đồng thuận của các quan chức người Pháp và chính quyền miền Nam; vào tháng 3/1949, một đồn điền đã nhận được quyền tuyển dụng 780 “cu-li”. Với sự cho phép của chính phủ, những nhóm công nhân, mỗi nhóm có từ 80 đến 200 người, đã được máy bay chở vô Sài Gòn – hành động này bị nhiều tờ báo ở miền Bắc lên án.

Hiện vật của công nhân cao su trưng bày tại Nhà truyền thống Cao su Dầu Tiếng.

Trong khi đó, các chủ đồn điền tiếp tục những nỗ lực để tuyển dụng con số 2.500 nhân công. Họ đưa ra nhu cầu tuyển dụng mới. Ủy viên Cộng hòa Nam Kỳ vẫn chưa giải quyết yêu cầu này cho tới khi có thêm nhiều kênh tuyển dụng hợp thức được thiết lập. Trong quá trình quyết định đâu là các biện pháp tuyển dụng tốt nhất, hoàng tử Bửu Lộc đã viết một lá thư vào ngày 19/11/1949 hỏi ý kiến của Nguyễn Văn Xuân về việc tuyển dụng tù nhân chiến tranh miền Bắc. Gần một tháng sau, ông Xuân hồi đáp rằng cách tuyển dụng đó là vấn đề rất nhạy cảm – được minh chứng qua sự phản đối của báo chí miền Bắc.

Dước góc độ chính trị, việc sử dụng “tù nhân” mang đến một chiến thắng về mặt tuyên truyền cho những người cộng sản địa phương, những người luôn sử dụng chủ đề về những sự áp bức thời thuộc địa trong quá trình mộ phu và tại các đồn điền để lên án người Pháp và chính quyền thân Pháp. Mặc dù nhận ra nhu cầu cấp bách về lao động của các đồn điền, nhưng ông Xuân vẫn chỉ ra rằng “việc sử dụng người tản cư do các cuộc giao tranh quân sự” rất dễ đưa đến một ấn tượng trong con mắt của nhiều người dân miền Bắc rằng quân đội Pháp đang bố ráp người dân để đưa đến các đồn điền vốn là những địa ngục trần gian, hay vùng thuộc địa lưu đày, theo cách nhìn nhận của nhiều người miền Bắc. Thêm vào đó, miền Bắc đang cần được tái thiết mạnh, và nếu mất quá nhiều lao động cho miền Nam sẽ gây ra khó khăn và ảnh hưởng đến sự cân bằng xã hội. Dĩ nhiên, ông Xuân viết rằng, tình hình có thể sẽ thay đổi, nhưng ông đề nghị khoan chấp thuận vào lúc đó. Cuộc tranh luận về việc có giao quyền hay không cho các công ty cao su tuyển dụng phu từ miền Bắc vẫn tiếp diễn trong suốt mùa xuân cho đến đầu mùa hè năm 1950. Minh chứng cho sự căng thẳng mang tính địa phương cũng như những khác biệt về chính trị là việc nhiều quan chức miền Bắc, bao gồm Mai Ngọc Thiệu – Bộ trưởng của Bộ Lao động và Nhân sự phản đối tuyển dụng lao động không hạn chế, nhưng các quan chức miền Nam như Trần Văn Hữu, thủ tướng Quốc gia Việt Nam lúc bấy giờ, thường sẵn lòng ngay lập tức cho phép tuyển dụng. Thiệu lên tiếng phản đối bất kỳ dòng di cư nào của nhân công miền Bắc, ông viết rằng các nhà tuyển dụng người Pháp không đáng tin. Như ông Xuân, Thiệu trích dẫn những phản đối bất lợi của công luận và nói rằng người miền Bắc sợ phải rơi vào tay các nhà tư bản. Thiệu, tuy vậy, đã thừa nhận những lý do nên ủng hộ việc di cư lao động vào miền Nam, bao gồm tình trạng thất nghiệp, nhu cầu cải tạo đồn điền để làm ra của cải cho đất nước, và khả năng tận dụng người nước ngoài như người Trung Quốc hay Mã Lai để đáp ứng nhu cầu về nhân công.

Thay vì từ chối thẳng thừng, Thiệu lại nêu lên những cải cách cấp thiết trong hợp đồng lao động, ví dụ như công nhân có quyền chấm dứt hợp đồng nếu xảy ra tình trạng bạo hành hay ngược đãi ở đồn điền. Thiệu cho rằng nên hạn chế mức tuyển dụng dưới 1.000 nhân công, với thời hạn hợp đồng một năm. Ông tiên đoán sự phản đối mạnh mẽ từ phía các chủ đồn điền, nhưng cũng chỉ ra rằng nếu những công nhân được đối xử tốt thì phần lớn họ sẽ tiếp tục ký hợp đồng lao động ở đồn điền”. Để đáp trả, thủ hiến miền Bắc Nguyễn Hữu Trí đình chỉ mọi sự tuyển dụng và đợi đến khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động. Trong lúc đó, Hiệp hội Chủ đồn điền đầy quyền lực, được sự nâng đỡ của Trần Văn Hữu, người đứng đầu Hội đồng Chính phủ Quốc gia, tiếp tục bao biện cho mình. Ông Hữu nghĩ rằng sự đình chỉ này và các đề nghị thay đổi đối với với luật lao động sẽ gây thiệt hại rất vô lý đối với ngành công nghiệp cao su và đe dọa hoạt động sản xuất đang sinh lợi. Hơn nữa, ông cho rằng Việt Nam đang cố gắng thu hút vốn và đầu tư quốc tế, và chính những điều kiện lao động nghiệt ngã như vậy sẽ xua đuổi các nhà đầu tư.

HÀ KHUÊ

(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)

(Xem tiếp kỳ sau)