Kon Tum chú trọng bảo tồn văn hóa

CSVN – Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến và truyền dạy các giá trị văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian qua luôn được chú trọng.
Công tác bảo tồn văn hóa được các bạn trẻ quan tạm.
Công tác bảo tồn văn hóa được các bạn trẻ quan tâm.
Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cao

Theo ông Phan Văn Hoàng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Kon Tum cho biết, sở đã phối hợp với Hội Văn học- Nghệ thuật thường xuyên cử nghệ nhân có kinh nghiệm tham gia các lớp truyền dạy về diễn tấu nhạc cụ dân gian cồng chiêng tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy; xã Đăk Pxi và Đăk Long huyện Đăk Hà; xã Đăk Long, huyện Kon Plông và tại các xã biên giới huyện Ngọc Hồi…

Nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng các công trình nghiên cứu có giá trị cao, nổi bật như: Cải tiến nâng cao nhạc khí dân gian của nhạc sĩ A Đũh; Giới thiệu về mỹ thuật dân gian của tác giả Phùng Sơn, Hà Tiến Dũng; tập tư liệu nghiên cứu, sưu tầm của nhóm tác giả văn nghệ dân gian về Folklore Brâu. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Công trình nghiên cứu, sưu tầm, chế tác và truyền dạy nhạc cụ truyền thống và phục dựng một lễ hội truyền thống của dân tộc Brâu, huyện Ngọc Hồi…

Công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả, như: Bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; “Homon” (sử thi) của người Ba Na – Rơ Ngao tỉnh Kon Tum thuộc loại hình ngữ văn dân gian được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tái hiện phục dựng 20 lễ hội truyền thống do cộng đồng làng đứng ra tổ chức như: Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng; lễ hội ăn trâu mừng nhà rông mới của người Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ Triêng; lễ hội bắt máng nước của dân tộc Xơ Đăng…

Ngoài ra đã tiến hành tái bản và xuất bản gần 20 đầu sách, tái bản tập hồi ký Cách mạng Sống giữa lòng dân; sách Ngục Kon Tum của Lê Văn Hiến; truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyên Ngọc; Nghề đan lát của người Xơ Đăng ở Kon Tum (2011); Di tích và danh thắng (2012); Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Xơ Đăng ở Kon Tum (2013)…

Các địa phương chú trọng công tác bảo tồn văn hóa

Nguyên Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Kon Tum, nhà thơ Lại Hũ Kim cho biết, trong thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động di sản văn học, nghệ thuật, như: triển lãm mỹ thuật, triển lãm lưu động về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, đăng cai triển lãm mỹ thuật khu vực  lần thứ V; trưng bày hình ảnh các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum; những thành tựu chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng của tỉnh sau 24 năm thành lập lại và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV…

Công tác bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được các cấp chính quyền địa phương chú trọng. Nhân các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan sinh động; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi tạo không khi vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

Phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum phát triển rộng khắp ở cơ sở, đặc biệt duy trì hoạt động thường xuyên của 350 đội nghệ nhân cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; chất lượng các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ ngày càng được nâng cao đã thu hút đông đảo công chúng tham gia, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh luôn được chú trọng; Nhằm duy trì tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số trong nhà trường; duy trì hệ thống phát thanh tiếng dân tộc với 3 thứ tiếng: Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu được tổ chức thường xuyên, như: Ngày hội văn hóa các dân tộc; tuần văn hóa, thể thao và du lịch; liên hoan dân ca dân vũ, liên hoan nghệ thuật quần chúng…

Trần Kim Sơn