Cao su Bình Thuận: Linh hoạt tổ chức sản xuất với vườn cây thiếu lao động

CSVN – Hầu hết vườn cây khai thác của Cao su Bình Thuận đều trước năm 2000, nên năng suất sản lượng giảm. Thời gian qua, công nhân khai thác nghỉ việc nhiều, công ty đã thực hiện hiệu quả 2 giải pháp đảm bảo sản xuất hoàn thành kế hoạch sản lượng, đó là thực hiện hợp đồng khoán và động viên công nhân nhận thêm vườn cây tăng thêm thu nhập.

Công nhân khai thác Cao su Bình Thuận. Ảnh: Vũ Phong
Thực hiện tốt hợp đồng khoán thu hoạch mủ cao su

Ông Phạm Nguyên Khang – Phó TGĐ phụ trách điều hành Cao su Bình Thuận, cho biết, những năm qua, tại địa bàn công ty đóng chân và vùng lân cận hình thành các khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Giá cao su liên tục giảm, vườn cây khai thác của công ty hầu hết đến chu kỳ thanh lý, năng suất thấp, mặc dù công ty đã cố gắng chăm lo các chế độ nhưng vẫn không giữ chân được NLĐ, nhất là lao động trẻ, có thời gian làm việc với công ty dưới 10 năm. Từ đó làm giảm sút lực lượng lao động trực tiếp tại công ty.

Năm vừa qua, công ty khai thác 3.315,29 ha, chăm sóc cao su KTCB 141,84 ha và 547,15 ha cây keo lai. Tổng số lao động bình quân trong năm 860 người (lao động theo định mức 1.032 người). Trong điều kiện thiếu lao động, công ty đã thực hiện 2 phương án đảm bảo sản xuất. Đối với vườn cây kinh doanh, thực hiện giao thêm cây cạo cho công nhân những phần cây còn trống do công nhân nghỉ việc, động viên và cho người thân đăng ký để phụ giúp.

Những vườn cây suy kiệt, chuẩn bị thanh lý thực hiện phương án giao khoán cho các đối tác bên ngoài. Năm 2023, công ty ký hợp đồng với 2 đơn vị có tư cách pháp nhân, đảm bảo năng lực nhận khai thác 862,71 ha. Qua quá trình thực hiện hợp đồng, công ty đánh giá phương án này trước mắt giảm được nhu cầu lao động, giảm chi phí. Công ty giảm được các khoản đầu tư chi phí vật tư phục vụ cho công tác khai thác. Giảm được chi phí thanh toán lương, các chi phí trích nộp BHXH, trang bị đồ lao động và các chế độ khác theo quy định của Nhà nước… Tuy nhiên, phương án này chỉ giải quyết tình thế và áp dụng với vườn cây cạo tận thu, kém hiệu quả.

Đối với vườn cây cao su KTCB và chăm sóc keo lai, hiện tại có 18 công nhân KTCB, lương bình quân 9,3 triệu đồng/người/ tháng.Với diện tích và khối lượng công việc lớn, trong điều kiện không tuyển dụng được lao động, công ty đã động viên công nhân khai thác nhận khoán thêm để chăm sóc, tận dụng quỹ thời gian và lao động gia thuộc để tăng thu nhập. Bình quân mỗi công nhân nhận thêm 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Tiếp tục động viên công nhân nhận thêm vườn cây tăng thu nhập

Năm 2024, công ty tiếp tục khai thác 2.851,68 ha cao su, chăm sóc cao su KTCB 141,84 ha và 547,15 ha cây keo lai; tái canh 271,69 ha cao su và 216,38 ha keo lai. Trong 2 tháng đầu năm nay, đã có 24 lao động khai thác nghỉ việc. Tổng số CB.CNV LĐ đến ngày 29/2 là 836/1.020 lao động theo kế hoạch.

“Căn cứ thực tế về hoạt động SXKD, lao động hiện có, dự kiến số lao động sẽ tiếp tục nghỉ việc, công ty đã có kế hoạch cụ thể. Đối với vườn cây kinh doanh, tiếp tục thực hiện giao khoán 463,61 ha vườn cây chuẩn bị thanh lý. Thực hiện chế độ cạo D3 toàn bộ diện tích còn lại, với số lao động khai thác hiện có vẫn đảm bảo. Nếu có công nhân nghỉ việc, đơn vị tuyển thêm hoặc thực hiện giao thêm cây cạo cho công nhân những phần cây trống để tăng thu nhập. Đối với vườn cây cao su KTCB và chăm sóc keo lai, công ty duy trì 18 công nhân KTCB và tiếp tục động viên công nhân khai thác nhận khoán thêm để chăm sóc, tận dụng quỹ thời gian và lao động gia thuộc để tăng thu nhập” – ông Phạm Nguyên Khang, cho biết.

GIA PHÚC