Cao su giống thời khó

CSVN – Năm 2010 – 2011 là thời hoàng kim của cao su. Nhà nhà ăn nên làm ra nhờ cao su. Từ năm 2012 đến nay, giá mủ liên tục giảm, không chỉ người trồng, doanh nghiệp, công nhân mà những người làm nghề ươm giống cao su cũng lâm vào cảnh khó khăn.
Cơ sở bà Hiền đưa cây giống lên xe tải để chuyển đi Quảng Trị
Cơ sở bà Hiền đưa cây giống lên xe tải để chuyển đi Quảng Trị
Một thời hoàng kim

Huyện Chơn Thành là thủ phủ cao su giống của tỉnh Bình Phước. Thời điểm “vàng trắng” phất lên, nhà nhà thi nhau làm vườn ươm, cung cấp cây giống. Nghề ươm cây giống cao su không đòi hỏi nhiều vốn, kỹ thuật đơn giản nhưng lại cho thu nhập cao, vì vậy nhiều hộ dân đã đến với nghề này. Nhà làm ít thì 4-5 sào, nhiều thì  dành cả chục hecta để ươm cây giống.

Anh Nguyễn Văn Huệ, ngụ xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành cho biết: “ Tôi làm nghề ươm cao su giống đã hơn 10 năm. Trước đây mỗi năm cơ sở tôi sản xuất hơn 200 ngàn cây giống, chủ yếu là các giống PB 235, Lai Hoa 952, PB260… để phục vụ cho bà con tiểu điền trong vùng và các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Đăk Nông. Thời điểm được giá, giống PB235 bán được 20- 25 nghìn/ stump bầu, 8- 10 nghìn/ stump trần. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng”.

Theo ông Huệ, muốn ươm cây giống thành công phải đảm bảo lượng nước, phân bón, đất đóng bầu phải tơi xốp, nhiều dinh dưỡng. Vì vậy, hằng ngày, ngoài 5 nhân công làm việc, ông Huệ luôn túc trực để hướng dẫn, kiểm tra nhằm đảm bảo cây giống phát triển tốt.

Kiểm tra chất lượng cây giống
Kiểm tra chất lượng cây giống

Còn với bà Nguyễn Thị Hiền (xã Thành Tâm), lúc cao su được giá, mỗi năm cơ sở bà cung cấp hơn 1 triệu cây giống RRIV 209, PB235, PB255, Lai Hoa 952, RRIM600…Với quy mô lớn, hằng năm, cơ sở bà cung cấp cây giống cho các công ty cao su khắp các tỉnh thành: Bình Dương, Đăk Lăk, Kon Tum, Quảng Trị và cả Lào, Campuchia.

Theo bà Hiền, vào những tháng cao điểm có khi cơ sở hoạt động với hơn 20 nhân công, xe tải ra vào liên tục để vận chuyển cây giống đi khắp nơi. Mỗi năm bà thu lãi cả tỉ đồng.

Với kinh nghiệm gần 20 năm làm vườn ươm, bà Hiền chia sẻ: “Kỹ thuật ươm cây giống cao su cũng đơn giản, hạt giống mua ở viện Nghiên cứu Cao su. Sau khi trồng cây, tiến hành tưới nước, bón phân, làm cỏ, phòng trị bệnh, côn trùng gây hại. Khi cây được 8- 10 tháng tuổi, tầng lá trên cùng ổn định thì tiến hành ghép cây. Với khu vực Bình Dương, Bình Phước các hộ tiểu điền hay trồng giống PB235 ( cây cho gỗ tốt). Còn ở vùng miền Trung như Quảng Trị thì giống RRIM600 là thích hợp vì có ưu điểm cứng cây, kháng bệnh tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu miền Trung, cho năng suất cao và chất lượng.

Cố bám vườn ươm, hy vọng cao su tăng giá

Chuyện làm giàu từ vườn ươm giống cao su là của những năm về trước, khi giá cao su cao. Nhưng vài năm trở lại đây, giá mủ cao su tụt dần, làm vườn ươm không còn là nghề hái ra tiền, nhiều nhà vườn đã lâm vào cảnh khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Huệ đang tư vấn về giống cao su cho khách hàng
Anh Nguyễn Văn Huệ đang tư vấn về giống cao su cho khách hàng

Hiện nay, số hộ làm vườn giống cao su ở Chơn Thành đã giảm nhiều, chủ yếu tập trung ở xã Thành Tâm. Giá mủ thấp, nhiều người không còn mặn mà với cây cao su. Sức mua thấp, nhiều nhà vườn phải giảm bớt phân nửa số lượng cây giống nhưng tình trạng mua bán vẫn ì ạch.

Theo ông Huệ, năm 2017, thị trường giống cao su sôi động trở lại do giá mủ ấm lên vào cuối năm 2016. Những tưởng đã vượt qua khó khăn nhưng đầu năm 2018 giá mủ lại ảm đạm, người dân không còn mặn mà với cao su nên thị trường cây giống cũng ế ẩm. Năm nay cơ sở tôi chỉ sản xuất 100 ngàn cây giống nhưng chỉ bán được hơn một nửa. Giá bán cũng rớt thê thảm, chỉ 5.000 đồng/ stump bầu và 3.000/stump trần. Với giá đó, theo tính toán của tôi chỉ huề vốn.

Với cơ sở lớn như của bà Hiền cũng không mấy khả quan. “ Nhiều mối đặt hàng số lượng 200 ngàn cây nhưng sau đó báo lại chỉ lấy hơn 100 ngàn. Với giá bán như hiện tại thì chỉ đủ lấy công làm lời, Cũng may là đất vườn của gia đình, chứ nếu đi thuê đất thì lỗ to” – bà Hiền cho biết.

Những cơ sở lớn thì huề vốn hoặc lãi ít, nhưng với những cơ sở nhỏ, phải thuê đất thì lỗ nặng. Với Chị Nguyễn Hoàng Mai (xã Minh Long), năm 2011 thấy nhà nhà làm giống cao su lời to, gia đình chị vay vốn, thuê đất để làm. Được 2 năm, chưa kịp trả nợ, giá bán giảm, số lượng bán được không nhiều, tốn tiền thuê đất, nhân công, tiền lãi ngân hàng nên lỗ trắng. Chị phải bỏ nghề, đi làm thuê và phải bán vườn cao su 2 ha để trả nợ.

Nhiều hộ không đành lòng bỏ đi nghề từng gắn bó lâu năm nên cố bám vườn ươm. Họ vừa duy trì để kiếm sống vừa nuôi hy vọng thời gian tới cây cao su sẽ tăng giá trở lại. Chủ yếu họ bán giống cho những mối quen và lấy chất lượng làm chữ tín với người mua để bám nghề, đảm bảo lao động.

Thị trường ảm đạm, để đảm bảo sản xuất kinh doanh, các nhà vườn phải có chế độ tốt, hỗ trợ nhiệt tình cho khách hàng để tạo lòng tin. Vì vậy với kinh nghiệm tích lũy mấy chục năm trong nghề, nhà vườn tư vấn cặn kẽ cho nông dân chọn giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Đồng thời nhận bao trọn gói với các trang trại, hộ gia đình có diện tích lớn cả về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản để vườn cây phát triển đồng đều và khi thu hoạch đạt năng suất cao.

ĐÀO PHONG