Công nhân đồng bào dân tộc và những nẻo đường làm giàu

CSVN – Những năm qua, mặc dù giá mủ cao su xuống thấp, kéo theo thu nhập của người công nhân (CN) giảm, tuy nhiên nhiều CN đồng bào dân tộc thiểu số vẫn xác định gắn bó lâu dài với cây cao su, và những CN này đã tự mình vươn lên trong cuộc sống bằng việc phát triển kinh tế vườn với nhiều cách làm hay và hiệu quả.
Siu Một cạo mủ trên vườn cây.
Siu Một cạo mủ trên vườn cây.

Nhìn ngôi nhà khang trang rộng hơn 100 m² mà anh Siu Ơn ở đội sản xuất Số 19 NT Đoàn Kết, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông đã xây cách đây 3 năm với hơn 300 triệu đồng ai cũng trầm trồ khen đẹp. Siu Ơn cho biết đó là kết quả tích lũy của những năm tháng làm CN cao su và phát triển kinh tế gia đình.

Năm 1998 khi Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông phát triển cây cao su ở vùng đất này anh liền xin vào làm CN, lúc đầu anh được giao nhiệm vụ chăm sóc, kiến thiết cơ bản cây cao su đến năm 2005 anh chuyển qua làm CN cạo mủ. Là CN khai thác nên bản thân anh luôn tự ý thức trách nhiệm của mình, thường xuyên trao đổi, rèn luyện nâng cao tay nghề, khai thác đúng qui trình kỹ thuật, chăm sóc tốt và đúng qui trình vườn cây giao khoán, nhờ vậy mà sản lượng giao khoán vườn cây khai thác của anh năm nào cũng vượt.

Anh Trịnh Đình Năm, Đội trưởng Đội sản xuất Số 19 cho biết, Siu Ơn là CN vượt sản lượng cao nhất đội, ngoài ra anh còn là tổ trưởng khai thác năng nổ và trách nhiệm với công việc, nên tổ của Siu Ơn lúc nào sản lượng cũng cao nhất nông trường. Không chỉ là một CN sản xuất giỏi, Siu Ơn còn là một CN đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình. Phát huy tiềm năng của vùng đất bazan, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng cây cao su, cây cà phê, tiêu và chăn nuôi bò.

Hiện nay anh có 2 ha cao su đã cho thu hoạch, 300 trụ tiêu, 1.200 cây cà phê và 20 con bò, anh cho biết mỗi năm trừ chi phí anh thu nhập từ kinh tế gia đình hơn 300 triệu đồng. Từ nguồn thu này anh tiếp tục tái đầu tư và phát triển thêm diện tích canh tác, lo cho con ăn học và mua sắm các vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gia đình

Năm 2004 khi Công ty TNHH MTV Cao su Chư Pah vừa triển khai trồng mới và thành lập đội sản xuất cao su tại Xã Gào, khi Công ty tuyển CN, chị Siu Một liền đăng ký ngay, thời gian đầu chị được giao nhiệm vụ là CN chăm sóc cao su, đến năm 2009 khi cây cao su bắt đầu khai thác, chị được nông trường cho đi tập huấn và chuyển qua khai thác.

Năm 2016 chị đã đạt hơn 120% kế hoạch. Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc các công việc, chị còn là một phụ nữ đảm đang. Với đặc thù của CN khai thác mủ là 4- 5h sáng là phải đi cạo mủ sau đó chờ đến 10h sáng là đi đổ mủ, chị tranh thủ thời gian còn lại chăm sóc con cái và làm thêm kinh tế gia đình như trồng cà phê, tiêu, điều.

Hiện nay gia đình chị có 800 cây cà phê, 400 trụ tiêu, gần 1 ha điều, từ việc làm thêm kinh tế gia đình mà mỗi năm thu nhập thêm từ 250 đến 300 triệu đồng. Nhờ nguồn thu từ kinh tế gia đình cộng với thu nhập từ lương nên chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang và mua sắm nhiều vật dụng phục vụ cho sinh hoạt gia đình có giá trị.

Sinh ra và lớn lên ở làng H’Nap, xã K’Dang, huyện Đăk Đoa, năm 2004 Nghinh xin vào làm CN cao su ở Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, bước đầu vào làm việc với biết bao bỡ ngỡ và lạ lẫm, nhưng với tinh thần ham học hỏi và cầu tiến Nghinh đã từng bước quen với công việc của một CN khai thác. Nghinh bộc bạch. “ Những ngày mới học khai thác mủ, sáng sớm ra vườn cây cạo mủ, háo hức chờ đến trưa để xem thành quả lao động của mình thế nào, thấy c hén nào đầy mủ là vui lắm, quên hết cả mệt nhọc”.

Đặc biệt Nghinh còn là một trong những CN đồng bào dân tộc thiểu số của nông trường tiên phong trong việc phát triển kinh tế gia đình, gần 10 năm trước anh đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình bằng việc trồng cây cao su, cà phê và chăn nuôi. Thời gian gần đây anh còn đầu tư trồng chanh dây. Từ kinh tế vườn mỗi năm trừ chi phí anh thu nhập hơn 100 triệu đồng, hiện nay anh đã xây dựng được căn nhà khang trang và mua sắm được nhiều đồ dùng trong gia đình có giá trị.

Hà Đức Thành