“Tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”

CSVN – Đại hội Đảng bộ VRG lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thành công tốt đẹp. Sau Đại hội, Tạp chí Cao su VN đã có buổi trao đổi với đồng chí Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy VRG nhiệm kỳ 2020 – 2025, Phó TGĐ VRG về những giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội trong nhiệm kỳ.

Đ/c Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ VRG phát biểu tại Đại hội Đảng bộ VRG lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 -2025

– Xin đồng chí cho biết những việc cần làm sau Đại hội để Nghị quyết đi vào thực tiễn?

Đồng chí Trần Công Kha: Để Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, cụ thể hóa những tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng thành hiện thực, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Tập đoàn tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, trong học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, cần nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nhất là bí thư cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng. Cấp ủy các cấp thống nhất về quan điểm, nhận thức và quyết tâm triển khai đầy đủ Nghị quyết của Đảng, kế hoạch, chương trình hành động đã được tập thể cấp ủy thông qua.

Thứ hai, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành các quy định, các chương trình hành động sát hợp với thực tiễn của các cấp ủy cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng trên các phương tiện thông tin, bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo, xây dựng các chuyên mục “đưa Nghị quyết của Đảng vào trong cuộc sống”, sáng tạo trong việc lồng ghép những nội dung của nghị quyết trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Thứ tư, coi trọng việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Đảng. Kịp thời đánh giá, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, thực tế sản xuất kinh doanh. Đánh giá sát đúng, thực tiễn để rút ra những bài học kinh nghiệm, phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả những điển hình tiên tiến để biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng.

Năm là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong Đảng bộ Tập đoàn.

– Các chương trình trọng tâm và những nhiệm  vụ, giải pháp cần thực hiện cụ thể như thế nào trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Công Kha:

Về chương trình trọng tâm:

  • Tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt vừa hồng, vừa chuyên, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, uy tín.
  • Tiếp tục cơ cấu lại; đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực để phát triển nhanh, bền vững.
  • Đa dạng hóa sản phẩm theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, nâng cao tỷ trọng sản phẩm công nghiệp, dịch vụ; tiếp tục xây dựng thương hiệu Cao su Việt Nam trở thành thương hiệu có uy tín; tích cực nghiên cứu, mở rộng thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
  • Tiếp tục xây dựng văn hóa doanh nghiệp; xây dựng nguồn nhân lực phát triển toàn diện, môi trường làm việc năng động, hiện đại; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên, công nhân lao động.
  • Triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp với an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng; tích cực, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Về giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết:

Công tác xây dựng Đảng:

Trong công tác chính trị tư tưởng, tiếp tục đổi  mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng chính trị theo hướng khoa học, thiết thực, hiệu quả. Nắm chắc, dự báo, định hướng chính xác, xử lý kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong các đơn vị. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương IV (Khóa XII); tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Củng cố tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng bộ, chi bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên: Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, mà trọng tâm là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên và phát huy vai trò của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong đơn vị, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, đảm bảo lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở mỗi đơn vị với phương châm phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Kiện toàn tổ chức, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, nâng cao chất lượng việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, đổi mới công tác sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của cấp trên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tổ chức Đảng.

Quan tâm công tác tạo nguồn, bồi dưỡng và phát triển đảng viên với phương châm: coi trọng chất lượng, đảm bảo chặt chẽ về quy trình, tổ chức, nguyên tắc, thủ tục xem xét kết nạp. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức Đảng với công tác bảo vệ chính trị nội bộ, gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng Đảng.

Thực hiện đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, bố trí cán bộ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình theo quy định; quan tâm công tác đào tạo, tạo nguồn cán bộ kế thừa.

Tiếp tục mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá, nhận xét cán bộ; chỉ đạo rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025. Lãnh đạo tốt công tác chỉ đạo đại hội các đoàn thể chính trị – xã hội diễn ra trong nhiệm kỳ.

Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát: Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2020 – 2025 và hàng năm; kịp thời phát hiện và ngăn ngừa vi phạm; xử lý nghiêm các tổ chức Đảng và đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; bảo vệ những đảng viên trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh chống tiêu cực, xử lý nghiêm minh tổ chức đảng, Đảng viên sai phạm.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong các đơn vị: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể chính trị – xã hội thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ

quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” và “Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ của các tổ chức chính trị – xã hội đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các đoàn thể theo hướng đa dạng hóa hình thức tập hợp quần chúng; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, khuyến khích, động viên, hỗ trợ, khơi dậy mạnh mẽ trí tuệ, sức sáng tạo của quần chúng, người lao động để tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và quần chúng lao động.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị:

Thực hiện các giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài để phát huy tối đa tiềm năng của cây cao su; nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích cao su  già cỗi đến kỳ thanh lý, hiệu quả thấp sang trồng cây trồng khác, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hoặc ngành nghề kinh doanh khác có hiệu quả hơn; khuyến khích phát triển chế biến sâu mủ và gỗ cao su phục vụ thị trường trong và ngoài nước, tập trung triển khai phát triển các cơ sở công nghiệp phụ trợ nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong ngành cao su.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp trong Tập đoàn theo quy định theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối và phát huy hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện sáp nhập các công ty có quy mô nhỏ lại với nhau hoặc sáp nhập công ty có quy mô nhỏ vào công ty lớn có cùng ngành nghề để nâng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn; giảm các chi phí gián tiếp, giảm đầu mối quản lý. Từng bước chuyển đổi 20 công ty nông nghiệp TNHH MTV do Tập đoàn đầu tư 100% vốn điều lệ sang công ty cổ phần với lộ trình và hình thức phù hợp.

Nghiên cứu, mở rộng quy mô, tăng cường hiệu quả và hiện đại hoá ngành chế biến gỗ, đặc biệt là gỗ tinh chế và gỗ MDF, HDF. Tiếp tục tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả của các sản phẩm công nghiệp cao su như: bóng thể thao, găng tay dùng trong y tế, gối nệm cao su thiên nhiên, băng tải cao su và chỉ thun… Nghiên cứu liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, mua bán, sáp nhập… để đầu tư vào các sản phẩm công nghiệp cao su, phát huy hiệu quả chuỗi giá trị của cao su thiên nhiên. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu/cụm công nghiệp đang hoạt động. Tập trung các nguồn lực và sự ủng hộ của chính quyền địa phương để chuyển đổi diện tích đất cao su sang phát triển các khu/cụm công nghiệp tại các công ty thành viên trong toàn Tập đoàn.

Đẩy mạnh mở rộng diện tích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại những công ty có điều kiện thích hợp thông qua việc liên kết, liên doanh, hợp tác đầu tư với các đối tác có năng lực.

Phát triển Tập đoàn theo hướng bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và trách nhiệm đối với xã hội và bảo vệ môi trường; tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; xây dựng và nâng cao thương hiệu của tập đoàn trở thành thương hiệu mạnh có uy tín trong và ngoài nước.

Kết hợp phát triển kinh tế với thực hiện nhiệm   vụ an ninh, quốc phòng, nhất là ở vùng sâu, vùng  xa, vùng biên giới. Giải quyết tốt vấn đề sử dụng lao động người dân tộc, giúp định hình tập quán sản xuất công nghiệp cho người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; góp phần rất lớn trong việc ổn định xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các vùng cao su.

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước của lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn đối với công tác quốc phòng, quân sự. Thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp hoạt động thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội gắn với phát triển kinh tế với các Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Quân khu 2; 4; 5; 7; Cục An ninh Kinh tế; Cục Cảnh sát Kinh  tế. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố quốc phòng – an ninh.

– Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGỌC CẨM (thực hiện)