Chọn bánh mì hay hoa hồng?

CSVN – 87 năm truyền thống ngành cao su (28/10/1929 – 28/10/2016), khoảng thời gian đó đủ khẳng định những giá trị truyền thống mà chúng ta đã nhiều lần nhắc đến. Tuy nhiên quãng thời gian ấy cũng khiến người công nhân (CN) nhất là thế hệ sau này vì mải lo đến cơm áo gạo tiền, đặc biệt trong thời điểm ngành cao su gặp nhiều khó khăn, có thể lãng quên đi những ánh hào quang mà cha ông ta đã tạo dựng.
Ảnh: Tùng Châu
Ảnh: Tùng Châu
Người công nhân cao su vẫn có tình có nghĩa

Nói về điều này, ông Phan Mạnh Hùng, Chủ tịch Công đoàn CSVN chia sẻ: “Truyền thống ngành cao su chúng ta đã đúc kết rất nhiều giá trị, trong đó có giá trị tôi đánh giá rất cao đó là người CN cao su sống có nghĩa tình, chịu thương chịu khó, thủy chung, trách nhiệm. Qua quá trình công tác lâu dài trong ngành, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều lần ngành cao su lên bổng xuống trầm, do ảnh hưởng của thị trường. Tôi nhớ những năm trước đây, khi giá cao su xuống thấp, giá bán dưới giá thành, các công ty phải nợ lương CN, nhưng CN hết sức thông cảm, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp (DN). Họ cũng hiểu rằng với giá cao su, tiền lương phụ thuộc vào kinh tế thị trường, thuận lợi, khó khăn của ngành cũng do thị trường mang lại, bởi vậy khi giá cao su tăng, đời sống của họ cũng sẽ sung túc trở lại”.

5 năm qua, giá mủ cao su xuống thấp, đời sống CN gặp nhiều khó khăn, nhưng theo ông Hùng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tuyên truyền vận động, người CN vẫn chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ cùng DN, vẫn bám trụ với vườn cây, nhà máy, sản xuất ra những tấn mủ để mang về tiền lương, chăm lo lại cho NLĐ. Bên cạnh đó, tổ chức CĐ vẫn luôn đồng hành cùng NLĐ, chia sẻ khó khăn, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp với tất cả hoạt động thiết thực hướng về cơ sở, NLĐ.

“Trong nhiều năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn về đời sống, thu nhập nhưng các đơn vị thuộc VRG vẫn hoàn thành kế hoạch hàng năm, điều đó cho thấy NLĐ sống có tình nghĩa, thủy chung gắn bó. Chính vì vậy, nếu ta phát huy giá trị truyền thống này sẽ trở thành nét đẹp của người CN cao su”, ông Hùng khẳng định.

Đời sống NLĐ phụ thuộc vào giá cao su, vào kinh tế thị trường, vậy nếu giá cao su tiếp tục xuống thấp hơn nữa, lương NLĐ giảm nhiều hơn nữa thì giá trị truyền thống có bị ảnh hưởng không? Đây là câu hỏi mà nhà báo Hồ Tú Anh – Tổng biên tập Tạp chí CSVN đặt ra cho ông Võ Sỹ Lực – Chủ tịch HĐTV VRG trong buổi tọa đàm truyền hình “Giải pháp giữ gìn giá trị truyền thống, gắn bó với ngành”.

Ông Lực cho biết, “ Nhiều năm qua, NLĐ trong ngành đã nắm rõ cơ chế trả lương theo doanh thu, theo thị trường của VRG. 5 năm nay, giá giảm liên tục, ngành gặp nhiều khó khăn nhưng có thể khẳng định giá trị truyền thống sẽ không thay đổi. Bởi, truyền thống đã được khẳng định trong quá trình lịch sử và trong nhiều lần giá cao su xuống thấp chứ không phải chỉ hiện nay”. Bởi vậy, trước khó khăn dự báo sẽ còn kéo dài, về vấn đề đặt ra chúng ta có giữ được truyền thống hay không, ông Lực khẳng định, sẽ giữ được cho dù còn khó khăn nhiều hơn.

Cần hoạt động tinh thần để gắn kết NLĐ với doanh nghiệp

Theo ông Phan Mạnh Hùng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, VRG thực hiện các biện pháp đã phát huy hiệu quả như giảm suất đầu tư, tận dụng đất đai trồng xen canh, nâng cao hiệu
quả sử dụng đất, tính toán lại giá thành, giá bán, giảm chi phí đầu vào. Trong đó tiền lương CN cao su giảm sau cùng và ít nhất. Đó là thành công lớn nhất trong thời gian qua. Đời sống CN được đảm bảo, ổn định thì NLĐ sẽ gắn bó với DN.

Thực tế trong nhiều năm qua, trong lúc khó khăn, đã có những ý tưởng, sáng tạo mới để vượt qua, đặc biệt là trong cuộc sống. Đó là một nét giá trị truyền thống mới của CN cao su. Ông Hùng đề cập đến việc đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình để NLĐ ổn định cuộc sống, giảm bớt gánh nặng vào tiền lương, bằng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.

Theo ông Hùng, sau khi Công đoàn phát động, từ khắp mọi nẻo đường ngành cao su, CNLĐ
tận dụng từng mảnh đất để trống trong các lô để trồng cây, chăn nuôi. Ngoài ra còn có nhiều
hình thức hỗ trợ vốn tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. “Người CN cao su làm tốt vườn cây, đồng
thời cũng làm tốt kinh tế gia đình. Có những đơn vị thu nhập tăng lên 30% nhờ kinh tế gia đình.

Ngoài ra, điều này cũng giúp CN gắn bó với vườn cây, với mảnh đất mình đang sống. Có thể
khẳng định phong trào phát triển kinh tế gia đình trong CNLĐ đã phát huy tác dụng và góp phần vào vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay”, ông Hùng cho biết.

Thực tế trong thời gian qua, tại nhiều đơn vị, CN cao su, trước sức hút của các khu công
nghiệp mọc lên tại các vùng cao su, đã nghỉ việc cạo mủ chuyển sang làm việc tại các khu công
nghiệp với mức lương cao hơn. Đây là thực trạng và cũng là khó khăn, gánh nặng cho DN khi
phải trả các chế độ, chính sách cho NLĐ với số lượng lớn. Ngoài ra ảnh hưởng đến công tác
sắp xếp, bố trí lao động.

Trước thực trạng này, các đơn vị đã tìm cách giữ chân NLĐ bằng nhiều biện pháp. Ông
Nguyễn Văn Thanh, TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận cho biết, là DN, phải chăm
lo cho NLĐ là chính, đây là yếu tố đặt lên trên hết trong giai đoạn khó khăn này. Công ty đã
phải “cân não”, tính toán để làm thế nào đảm bảo mức lương NLĐ chấp nhận được. Ngoài ra
công ty còn quan tâm tạo điều kiện cho CN làm kinh tế phụ như chăn nuôi, trồng xen với các
hình thức tín chấp cho vay bằng nhiều nguồn. Mặc dù chưa giải quyết căn bản nhưng thể hiện được sự quan tâm của DN với NLĐ.

“Bên cạnh đó nâng cao tinh thần CN trong giai đoạn khó khăn cũng rất quan trọng, cả hệ
thống chính trị công ty vào cuộc với quyết tâm lớn nhất. Cụ thể như tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, tình cảm NLĐ, tổ chức các hoạt động bề nổi để CN gắn kết với DN như giao lưu thi đấu thể thao. Chúng tôi cũng tổ chức những bữa tiệc nho nhỏ ngoài lô, rất mộc mạc nhằm gắn kết, chia sẻ với NLĐ, tạo tình cảm ấm áp, thân thương. Chính những điều này cũng làm giảm đi số lượng CN chuẩn bị nghỉ và cũng vận động được những người nghỉ quay trở lại. Nhờ đó, công ty đã giữ chân được NLĐ. Chính vì thế mà NLĐ ở Bình Thuận đã cảm nhận được nghĩa tình, Họ được quan tâm, tự hào và xem công ty là mái nhà chung”, ông Thanh chia sẻ.

Quốc An