Cao su mùa thay lá

CSVN – Qua thành phố Đồng Xoài khoảng năm cây số, ngược về hướng Công ty Cao su Phú Riềng, một khung cảnh thật lạ, thật hấp dẫn trải ra trước mặt. Một màu vàng nâu, xam xám trải dài ngút mắt. Trời lặng gió mà lá cao su vẫn lả tả rơi.

Sau Tết những tán lá đã cứng cáp, xanh đậm mượt mà reo trong nắng ấm. Ảnh: Minh Tân

Lá rơi tựa có ai đó thả nhẹ từng chiếc từng chiếc từ trên cao xuống. Tôi thắng xe một cách vô thức tấp vào lề đường nhưng lại chẳng có ý định gì… Rồi ngẩn người nhìn những cánh lá rơi rơi. Không gian tĩnh lặng. “Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Cảm ơn Nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi thầm cảm phục anh. Không biết lúc làm câu thơ tuyệt hay đó, thi sĩ có nhìn thấy “cái lá đa” rơi nghiêng rơi ngả như tôi đang được chứng kiến tuyệt phẩm trút bỏ già nua đón rước cái tươi non mơn mởn trong cuộc sinh tồn ở giống cây “vàng trắng” của miền Đông Nam Bộ…

Nếu có một cơn gió thoảng qua, cảnh vật càng tuyệt vời. Lá rơi tiếp nối lá rơi, chầm chậm, chầm chậm phản chiếu ánh mặt trời loang loáng đưa từ trong lô trong vườn xiên ra tận ngoài đường nhựa. Lao xao rơi, xào xạc rơi theo nhịp bước của mùa cao su thay lá. Lá rơi nghiêng rơi ngửa thinh lặng. Lá cuốn theo từng chiếc ô tô bất chợt chạy qua…

Nhìn lô cao su lúc này, ta cứ ngỡ đang ở một khung trời Âu nào đó giữa sắc thu. Rừng cây cao su giờ đây đã trút sắp hết lá, những cành xương xám nhạt, vươn cao, trơ trụi. Cây cao su được trồng ngay hàng thẳng lối, dọc ngang đều tăm tắp, vuông vắn, nghiêm chỉnh rắn rỏi tựa đội quân đang duyệt binh.

Bất giác, tôi nhớ giấc mơ đêm qua. Giấc mơ về những ngày vui mùa khai thác. “Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm”, câu ca dao sao mà đúng với dân cao su tiểu điền đến thế. Nghe dự báo thời tiết trên ti vi, nghe đài báo mưa báo nắng, báo gió báo giông, người ta sẵn sàng cho các phương án để giảm thiểu thiệt hại cho mùa thu hoạch. Đã có nhiều sáng kiến, từ làm máng chống mưa, treo túi ni lông chống nước chảy vào tô mủ…Tất cả nhằm đạt mục đích không để lãng phí dòng “vàng trắng”, không phụ công người lộc đất. Có dịp vô lô cao su đang mùa thu hoạch, nhìn lên tán lá xanh um ken dày ta sẽ cảm nhận được sự dâng hiến của cây của đất đai với nắng mưa tháng tháng ngày ngày.

Mùa xuân, mùa đâm chồi nảy lộc, khắp chốn khắp nơi ngút ngát non xanh, tràn trề nhựa sống. Đường làng ngõ xóm lối dọc lối ngang thị xã thị tứ nhộn nhịp tươi vui như vừa thay áo mới với những hàng cây được xén tỉa gọn gàng quét vôi trắng sáng. Băng rôn quảng cáo, khẩu hiệu, pa nô mừng Xuân, mừng Đảng quang vinh tươi vui đẹp mắt. Siêu thị, chợ tỉnh, chợ quê, quầy hoa, vựa trái đâu đâu cũng rộn ràng sầm uất.

Riêng cây cao su thì có vẻ chậm hơn các loại cây khác trong việc thay lộc đón xuân. Ồ đúng rồi. Mùa đã đi hết những ngày những tháng cuối năm. Những cơn mưa cuối mùa chỉ còn lác đác, lẻ loi, mồ côi mồ cút rồi dứt hẳn đón mừng vạt nắng ấm mùa khô. Đất trời giao hòa, lòng người phơi phới. Phơi phới tươi vui vì vừa có một mùa khai thác tuy không “được mùa trúng giá”, nhưng cũng sởi lởi chan hòa.

Tháng Chạp, thợ cạo, nông phu tiểu điền có thể “lười nhác” ngồi nhà rủ bạn nhâm nhi rồi đăm chiêu ngắm những cánh lá cao su không vàng mà lả tả rơi rơi. Người ta biết rằng những cánh lá đang lác đác trong thinh lặng kia đã “hoàn thành sứ mệnh” chắt chiu tiết nhựa dâng đời rồi nhẹ nhàng buông rơi hóa thân vào đất. Hàng vạn hàng triệu triệu những cánh lá nằm xuống im lìm hoang hoải bổ sung vào vi lượng mỡ màu mảnh đất bazan ngàn đời âm thầm nuôi dưỡng lộc non chồi biếc.

Miền Đông đất đỏ, mỗi độ cao su thay lá, người chăm sóc, ươm trồng, khai thác vẫn không quên những khó khăn vất vả để “chiều chuộng” đặng thu được nhiều thắng lợi từ thứ cây công nghiệp “nước mạnh dân giàu”. Từng giọt, từng giọt, từng chén từng tô rồi từng bao từng téc mủ cao su nào kia chẳng thấm bao giọt mồ hôi. Rồi gió rồi giông, rồi gãy rồi đổ, nhìn những cây cao su bị xoắn ngang mình mà thắt gan thắt ruột. Cây cao su thay lá càng nhanh thì chồi non lộc biếc càng sớm hoan ca giao hòa với sương với nắng để lặng thầm tích nhựa dâng đời. Lá cao su rụng xuống phủ dày mặt đất, và đây cũng là “hiểm họa” nếu nhà vườn không bố trí phương án chống cháy. Quét lá thủ công, thổi lá bằng máy… biết bao khó nhọc quyết giữ được vườn cây không để “bà hỏa” làm tội làm tình.“Đố ai quét sạch lá rừng/ Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây”… Vâng, dân trồng cây công nghiệp hàng năm đến mùa cao su thay lá đã làm được cái việc tưởng chừng khó khăn phức tạp “quét sạch lá rừng” như thế đó. Nói là “quét sạch” cho vui chứ thực ra các “lão nông tri điền” cũng biết chỉ nên quét chỗ nào để chống cháy còn vạn vạn triệu triệu cánh lá sẽ thành mồi ăn cho hằng hà sa số con côn trùng như kiến như mối như giun rồi cuối cùng hóa mùn hóa chất tháng tháng ngày ngày dâng lộc đất cho cây.

Cao su mùa thay lá, cảnh đẹp tuyệt vời này diễn ra lặng lẽ nhưng cũng qua nhanh. Khoảng mười ngày sau thì chồi non bắt đầu nhú. Ban đầu, chồi non có màu đỏ tía, dần dần chuyển sang màu xanh mơn mởn. Đến một tháng sau thì những chồi non và lá đã cứng cáp, lại xanh đậm xanh đà xanh mượt xanh mà vẫy vẫy reo reo trong gió xuân nắng ấm.

Được nhìn cao su đang kỳ thay lá dù chỉ một lần cũng đủ ấn tượng khiến bạn nhớ mãi. Một cảm giác nhẹ nhàng, thư thái và bình yên đến nao lòng. Đúng là mùa xuân của cuộc đời.

NGÔ THỊ NGỌC DIỆP