CSVN – Huyền thoại mẹ là tác phẩm của cố nhạc sĩ (NS) Trịnh Công Sơn, trong đó đã khắc họa thành công hình ảnh người mẹ Việt Nam (VN) anh hùng.
Sinh thời, NS Trịnh Công Sơn đã nhiều lần kể về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Huyền thoại mẹ. Đó là, đầu năm 1984, NS Trịnh Công Sơn khi thăm nhà bảo tàng ở Quảng Bình, NS rất xúc động khi thấy tấm ảnh mẹ Suốt tóc bay trong gió, che cả một khoảng trời.(Mẹ Suốt, tên thật Nguyễn Thị Suốt (1906-1968), là người đã lái đò qua sông Nhật Lệ trong những năm 1964 – 1967, là nữ Anh hùng Lao động ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước. Ngày 21/8/1968, bà mất trong một trận bom. Bà được Nhà nước công nhận liệt sĩ.
Năm 1980, UBND thị xã Đồng Hới đã cho dựng bia đài Mẹ Suốt nằm giữa trung tâm bến đò. Hiện nay ngay gần cầu Nhật Lệ là con đường Mẹ Suốt, là nơi đặt bức tượng mẹ Suốt. Bức tượng được khánh thành năm 2003, tác giả là nhà điêu khắc Phan Đình Tiến).
Mẹ Suốt từng kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Từ tấm gương của mẹ Suốt anh hùng quê ở Bảo Ninh bên bờ Nhật Lệ, để rồi NS “khái quát hóa”, nghĩ về các bà mẹ VN một đời đã vì chồng vì con, vì dân vì nước mà thầm lặng hy sinh.
Giai điệu ca khúc Huyền thoại mẹ nhẹ nhàng, ca từ gần gũi quen thuộc gợi lên những hình ảnh rất đỗi thân thương: “Mẹ về đứng dưới mưa che đàn con nằm ngủ”.
Khi bài ca được cất lên, người nghe dường như trước mắt đang hiện ra dáng một người mẹ hiền lành bình dị mà cao cả. Bởi ai mà không có một người mẹ. Và, không khỏi không nghĩ tới các bà các mẹ VN anh hùng. Các mẹ hầu như tóc đã ngả màu. Có mẹ còn mang trong mình dấu tích của một thời bom đạn, những khi trái gió trở trời lại lên cơn đau buốt. Có mẹ chỉ sống một mình trong căn nhà tình nghĩa mà nhân dân trao tặng.
Những khi vui, các mẹ hồ hởi kể lại những tháng ngày oanh liệt năm nao, những tấm gương anh dũng của bác Ba, chị Út… trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh. Những lúc như vậy, trong lòng mọi người khi gặp các mẹ, lại vang lên những bài ca về người phụ nữ VN, trong đó có ca khúc của NS Trịnh Công Sơn: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa”.
Người mẹ đó như bước ra từ lời ca bằng xương, bằng thịt. Chính người mẹ này đã từng “che từng căn hầm nhỏ, xóa sạch vết con về”. Người mẹ này đã là nguồn an ủi, động viên, chăm sóc cho biết bao người con chiến sĩ anh hùng: “mẹ là nước chứa chan, trôi giùm con phiền muộn, cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan”.
Người mẹ này cũng như bao bà mẹ VN anh hùng, đã góp phần cho quê hương đất nước hôm nay, mẹ đã phải vượt qua bao thử thách hiểm nguy khi “lội qua con suối, dưới mưa bom không ngại”.
Bài ca Huyền thoại mẹ nghe gần gũi quen thuộc mà thấm thía sâu xa. Mai sau, khi năm tháng qua đi, đời người thay đổi, những thế hệ này chỉ còn biết chiến tranh qua môn học lịch sử, khi nghe ca khúc này họ trân trọng và tôn vinh người mẹ VN với những đức tính cao đẹp, luôn chịu thương chịu khó. Bài ca là một đóa hoa thơm mà nhạc sĩ đã dâng tặng cho những người mẹ VN anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Hình ảnh cao đẹp của mẹ VN anh hùng, luôn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong lĩnh vực âm nhạc, có thể gặp hàng trăm ca khúc về đề tài này. Ví như: NS Nguyễn Văn Tý có Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, NS Thuận Yến có Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc, NS Xuân Hồng có Người mẹ của tôi, NS Lư Nhất Vũ và Lê Giang có Hãy yên lòng, mẹ ơi…
Riêng NS Trịnh Công Sơn có loạt bài như: Lời mẹ ru, Ca dao mẹ, Bà mẹ Ô Ly, Ngủ đi con… và đáng chú ý nhất là Huyền thoại mẹ. Bởi trong bài hát, ta thấy thấp thoáng có bóng mẹ Suốt “trong đêm tối gió mưa, tóc che lối con đi” và bao nhiêu người mẹ khác “đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ, canh từng bước quân thù”…
Giai điệu Huyền thoại mẹ mang chất tự sự, sâu lắng, trầm hùng và mang đậm âm hưởng dân ca miền Trung, nơi NS Trịnh Công Sơn đã có được cảm xúc sáng tạo tác phẩm này. Câu cuối của ca khúc ta thấy được nhắc lại ba lần: “Cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan…” như muốn khắc sâu, in đậm hình ảnh người mẹ VN thân thương đang say sưa kể chuyện ngày xưa…
Như Bá
Related posts:
- Vượt qua chủ nghĩa thực dân
- Có một “Pleiku xưa” trong lòng thành phố
- Việt Nam đăng cai thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31): Thành công và thách thứ...
- Công nhân cao su du lịch thời giá thấp
- Tổ chức Hội diễn Nghệ thuật Quần chúng năm 2019: "90 năm, Cao su – Dòng chảy cuộc sống"
- Cuộc thi sáng tác "Tự hào 90 năm truyền thống ngành cao su"
- Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam
- Thiếu tướng Trần Tử Bình và những đóng góp to lớn trong phong trào công nhân cao su
- Cao su Bà Rịa tham gia Hội diễn "Tiếng hát công nhân, người lao động" tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Chào mừng đại hội