Lạc quan trước mùa cạo mới

CSVN – Dù giá bán mủ chưa khởi sắc, song công tác chuẩn bị trước mùa cạo mới của các đơn vị ở Tây Nguyên vẫn có những tín hiệu lạc quan đến từ nguồn lực lao động.

Đào tạo tay nghề cho lao động mới ở Cao su Chư Mom Ray
Lao động dồi dào

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nhung, Trưởng phòng Tổ chức Cao su Sa Thầy cho hay: “Hiện nay, nguồn lực lao động ở đơn vị chúng tôi khá dồi dào. Hầu hết trong số họ đều có mối liên hệ với những lao động đã vào vùng dự án của công ty lập nghiệp từ lâu, nên qua việc truyền tai nhau giữa lao động là người thân, bạn bè trong số đó đã theo chân xin vào làm công nhân của công ty”.

Trong khi đó, Cao su Chư Mom Ray cũng không phải “đau đầu” vì nguồn lực lao động như vài năm trước phải về những tỉnh phía Bắc tuyển người. Ông Phạm Duy Vương – Phó TGĐ công ty cho biết: “Năm nay, công tác tuyển dụng lao động đáp ứng số diện tích mở mới của công ty khá thuận lợi khi không phải đi xa tuyển dụng, hầu hết đều qua phương thức truyền miệng với nhau giữa các lao động”.

Cũng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Cao su Kon Tum cũng chỉ thiếu khoảng 69 lao động, nằm rải rác ở vài nông trường. Theo ông Ngô Văn Mân, Phó TGĐ công ty, việc điều động lao động giữa các nông trường với nhau gặp khó, bởi lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống họ gắn với làng bản, khó đi xa.

Tương tự, các đơn vị khác như Cao su Chư Sê, Mang Yang hay Chư Prông cũng có thiếu hụt lao động cục bộ, tuy nhiên con số này không nhiều và tập trung chủ yếu ở các nông trường có vườn cây già, ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới…

Nhiều hỗ trợ để giữ chân lao động

Trước khó khăn và thuận lợi diễn ra trong mùa cạo mới, lãnh đạo các đơn vị Tây Nguyên đã chủ động ứng phó và có những giải pháp nhằm hỗ trợ và giữ chân NLĐ. Ông Mai Trung Hiếu – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tổ chức Cao su Chư Sê cho hay: “Nhìn chung, lao động của công ty, chủ yếu thiếu hụt ở nông trường vùng biên Ia Lâu. Để khắc phục tình trạng này, công ty đã có các giải pháp là tăng đơn giá sản phẩm mủ khai thác tại những nơi khó khăn như vườn cây già cỗi, lao động khó và tăng tiền ăn ca, bên cạnh việc duy trì các chế độ theo quy định”.

Chị Lê Thị Hiếu, cán bộ Công đoàn Cao su Chư Mom Ray cho biết, để hỗ trợ lao động mới tuyển dụng trước mùa cạo mới, đồng thời giúp lao động sớm ổn định nơi ăn chốn ở và bớt phần khó khăn, từ đầu năm tới nay Công đoàn (CĐ) công ty đã hỗ trợ 169 suất quà gồm 15kg gạo, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, muối, tổng tiền trên 61,6 triệu đồng.

Anh Lương Văn Râu ở Kỳ Sơn, Nghệ An vào làm công nhân ở tổ 9 – Nông trường 1 – Cao su Chư Mom Ray chia sẻ: “Được anh em đi trước giới thiệu điều kiện làm việc ở đây rất tốt, như tiền lương, thưởng và các chế độ bảo hộ lao động, tiền ăn ca, bồi dưỡng độc hại cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác từ công ty, nhất là những ngày đầu vào lập nghiệp CĐ công ty đã hỗ trợ nhu yếu phẩm để ổn định cuộc sống, bố trí nhà ở. Với điều kiện tốt như thế, tôi tin đây là nơi làm việc tốt cho thanh niên từ những vùng đang khó khăn về việc làm đến lập nghiệp”.

Còn tại Cao su Mang Yang, trước khi vào mùa cạo mới công ty đã tổ chức Hội nghị già làng, thôn trưởng để lắng nghe những tâm tư, tình cảm của những người chức sắc trong làng, từ đó có các biện pháp hỗ trợ lao động khó khăn yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị, vườn cây.

VĂN VĨNH