Mã Bà Đầm và ký ức tuổi thơ

CSVN – Làng Mã Bà Đầm xưa cũ giờ cũng đã đổi thay, nhà cửa mọc san sát nhau lên tường lên tấm, đường sá khang trang, sạch đẹp.

Ảnh: Kim Chi

Hồi mới giải phóng, làng Mã Bà Đầm (*) có chừng 20 nóc nhà bằng tranh tre, bình yên và nghèo khó. Công việc của mỗi hộ gia đình trong làng là làm công nhân cao su. Những bậc cha mẹ, anh chị buổi sáng đi cạo mủ, chiều về là thêm việc phá rừng lập (nương) rẫy. Trên những mảnh rẫy đó, cây lương thực như: bắp, bí đỏ, khoai lang, khoai mì… đã mọc lên, để ăn cứu đói, vì vậy, người làng đã vượt qua được những ngày gian khó…

Những đứa trẻ chúng tôi thì vừa phụ giúp cha mẹ công việc, nhưng cũng vừa đi học.

Ngày đó, ngôi trường được người lớn trong làng tự túc tìm kiếm vật liệu để làm, cùng nhau chặt cây, chặt tre, cắt tranh, đào lỗ, đắp nền, dựng nhà… mỗi người mỗi việc cho đến khi ngôi trường đơn sơ hoàn thành. Chúng tôi rất thích những bộ bàn ghế ngồi học được đóng bằng tre, có cái mặt bàn lắp miếng tre thẳng thớm (gọi là bổ sịa) rất đẹp và thẩm mỹ.

Có trường rồi, chúng tôi được tập hợp thành một lớp học, với khoảng mười mấy đứa học trò nhưng đủ độ tuổi và trình độ khác nhau. Bởi vậy, mà thầy dạy học cũng tổng hợp nhiều lớp, từ lớp 1 – 4 (vài trò học một lớp). Lớp học tổng hợp đã có những tháng ngày học tập rất vui, vì được thầy cho vừa học vừa chơi. Trò nào ghi chép và làm bài tập xong thì ra sân chơi, để thầy còn dạy những lớp khác, trò khác học.

Những buổi đang học mà trời mưa, các trò bát nháo chạy về nhà lấy quần áo, hốt lúa, hốt khoai… phơi ngoài sân vô nhà. Thầy thì ngồi đó, đợi trò quay trở lại học tiếp. Có bữa gặp mưa lớn, trò về nhà rồi nghỉ học, ngày mai mới quay lại học…

Có khi đang học, anh lớp trưởng tổng hợp (vì anh lớn tuổi hơn), xin thầy cho cả lớp được nghỉ để cùng nhau “tăng gia”, thầy cũng vui vẻ đồng ý. Vậy là thầy trò kéo nhau xuống suối mò cua, bắt ốc… đem về nhà trò ở gần trường học luộc lên, mời cả phụ huynh nhập tiệc ăn uống, vui vẻ…

Rồi thời gian vô tình trôi qua, rồi đám học trò lớp tổng hợp của chúng tôi cũng trưởng thành, kẻ đi người ở. Làng Mã Bà Đầm xưa cũ giờ cũng đã đổi thay, nhà cửa mọc san sát nhau lên tường lên tấm, đường sá khang trang, sạch đẹp. Còn chúng tôi tuổi tác ai nấy cũng ngũ tuần, đã lập gia đình có con, có cháu. Có đứa cũng thành danh, có địa vị. Có đứa theo nghiệp báo, viết văn. Đứa thì hi sinh ở lại mãi mãi nơi chiến trường K vì nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả với Tổ quốc. Cũng có đứa tiếp nối công việc của cha mẹ làm thợ cạo mủ… như là duyên phận cuộc đời.

Mỗi khi chúng tôi, lớp trẻ ngày ấy, có dịp gặp lại, câu chuyện về làng Mã Bà Đầm luôn là đề tài chính. Chúng tôi như được sống lại những ngày thơ ấu với những ký ức sống động. Mỗi đứa kể một kỷ niệm riêng biệt được lưu giữ trong lòng mình. Bao ký ức yêu thương cứ ùa về từ bên trong: ngôi làng, ngôi trường, bậc sinh thành, tình thầy và trò, tình bạn… Và điều luôn đọng lại trong tâm khảm những đứa học trò nhỏ ngày ấy chính là đôi bàn tay người thầy đã cầm tay mình, dạy chúng tôi viết những chữ i, t… đầu đời. Nhớ lắm tuổi thơ, vì chẳng đâu có được cái lớp học tổng hợp như ở cái làng Mã Bà Đầm của tụi mình.

Nhớ tình thầy trò, nhớ những buổi lên lớp với mấy củ khoai sắn ăn lót lòng chạy mưa… thiệt vui.

(*) Mã Bà Đầm (xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

NGUYỄN VĂN CẢI

(Bà Rịa – Vũng Tàu)