Trở về

CSVN – Chiếc xe giường nằm chạy êm ru trên con đường nối liền TP. HCM về Gia lai, cả đêm Kpuih Bă xoay sở với chiếc giường nhỏ bé và không sao chợp mắt được.
Ảnh: CTV
Ảnh: CTV

Theo lời hứa hẹn của môi giới lao động thì thành phố có nhiều việc làm nhẹ nhàng và lương cao hơn nhiều so với nghề cạo mủ cao su. Không chút đắn đo, Kpuih Bă cùng vài công nhân trả phần cạo cho đội trưởng Kpă Nga và khoác ba lô lên đường với một suy nghĩ đổi đời nơi thành phố phồn hoa. Hơn nửa tháng rời cái làng Tung, Kpuih Bă đã nếm trải biết bao nhiêu cảm xúc vui buồn, nó đã suy nghĩ rất nhiều và hôm nay quyết định trở về làng.

Làng Tung của Kpuih Bă nằm gần con suối Iapuch trong xanh chảy qua, hai bên suối là những vườn cà phê của người làng, đầu làng là cao su của đội 6 xanh ngút ngàn mà nhiều thế hệ người làng làm công nhân, trong đó có nó. Cây cao su đã gắn bó với dân làng Tung lâu lắm rồi, không biết là bao nhiêu năm, nhưng nó nhớ từ ngày còn rất bé đã lon ton theo mẹ ra lô cao su, giúp mẹ bóc mủ dây, mủ tạp. Nay tuổi Kpuih Bă đã trải qua ba mươi mùa rẫy và đã là công nhân thợ cạo đủ 10 mùa cao su thay lá. Kpuih Bă yêu cây cao su, thích nghề cạo mủ, yêu những mái nhà sàn với tiếng gà gáy sáng, tiếng lợn thả rông ủn ỉn và những chiều khói bếp lan trong sương mờ, nơi nó sinh ra và lớn lên, bao đời nay vẫn yên bình như thế. Mười năm trước, Kpuih Bă xin vào làm công nhân cạo mủ cao su, nhận lại phần cạo của mẹ nó đã nghỉ hưu. Kpuih Bă vui mừng lắm. Chưa bao giờ nó biết được nhiều về cây cao su như thế. Nó được cán bộ kỹ thuật chỉ dạy cách cạo mủ, được mặc bộ quần áo công nhân có in lô gô của công ty, biết thế nào là Da me, là tượng tầng, là ống mủ, là vuông tiền vuông hậu, dày dăm, lượn sóng… và hàng tháng Kpuih Bă nhận tiền lương, số tiền mà đời nó chưa bao giờ có được nhiều như thế, số tiền đủ để mua gạo, mua thịt cả tháng mà vẫn còn thừa mua phân bón cho mấy trăm cây cà phê của nhà mình. Rồi hàng tháng, Kpuih Bă còn được cấp dầu ăn, mắm muối, mì chính, sữa, đường, thứ mà người ta gọi là bồi dưỡng độc hại. Rồi tiền ăn giữa ca…Những lúc ốm đau, Kpuih Bă được điều trị cấp thuốc miễn phí ở bệnh viện công ty, được cán bộ Công đoàn đến tận nhà thăm hỏi tặng cân đường hộp sữa. Hàng năm, thu nhập từ lương thưởng cạo mủ cao su và từ rẫy cà phê nhà mình, đủ để mua sắm thêm ti vi, xe máy, tủ lạnh. Nó vui và yêu nghề cạo mủ cũng vì thế.

Đang suy nghĩ miên man, Kpuih Bă bỗng giật mình vì tiếng phanh xe, đèn xe bật sáng, tiếng phụ xe oang oang: “Mời mọi người xuống nghỉ ngơi ăn đêm nhé”. Kpuih Bă nhìn đồng hồ điện thoại, thấy đang 23 giờ 30. Nó uể oải bước xuống, mùi phở, mùi cháo bay lên ngào ngạt làm bụng nó đói cồn cào. Lúc tối ở bến xe, Kpuih Bă mới ăn một cái bánh mì 10 ngàn, trong túi giờ chỉ còn 40 ngàn, đủ cho 1 dĩa cơm thịt hoặc 1 tô phở bò. Kpuih Bă đi vệ sinh rửa mặt xong, trở ra ngang qua khu vực bán đồ ăn, định vào mua bát phở để giải quyết cơn đói đang thúc giục… Nhưng, số tiền còn lại, Kpuih Bă đã dự tính mua cho 2 đứa con nhỏ một gói bánh. Nó đắn đo, quyết định không ăn và ra quầy bánh kẹo, mua hết số tiền còn lại và ra ngoài ngồi trên ghế đá. Ngoài đường từng đoàn xe đêm vẫn vun vút, loang loáng ánh đèn. Kpuih Bă nhìn lên biển quảng cáo nhấp nháy, thì ra, nơi đây là thành phố Buôn Mê Thuột. Chỉ mấy tiếng nữa thôi Kpuih Bă sẽ có mặt ở nhà, trong lòng nó bỗng trào dâng một cảm giác bồi hồi, nghẹn ngào. Nó nhớ vợ, nhớ con, nhớ những hàng cây cao su thẳng tắp, nhớ những lời chỉ bảo, động viên của đội trưởng Kpă Nga hàng ngày. Rồi ngày mai, nó sẽ đối diện với đội trưởng thế nào khi nó đã dự định sẽ gặp để xin lại phần cây cạo mủ, xin đừng cho nó nghỉ việc. Nó tạm yên tâm phần nào khi nhớ lại lời đội trưởng: “Nghỉ việc là quyền của em, em quyết ra đi chị không giữ được, nhưng chị sẽ thuê người cạo phần cây của em, giữ lại để chờ em trở về”. Kpuih Bă và dân làng biết, Kpă Nga là đội trưởng tốt, luôn quan tâm giúp đỡ nó và công nhân, tận tình chỉ bảo từ cách mài dao, từ đường cạo… Bỗng dưng nó cảm thấy xấu hổ vì nó đã quyết tâm ra đi để hôm nay phải trở về.

Kpuih Bă nhớ ngày đầu tiên tới thành phố, nó choáng ngợp và lạ lẫm bởi ánh đèn lung linh, rực rỡ, nhà cao tầng và xe cộ tấp nập. Đúng thật, đây chắc chắn là nơi nó lựa chọn cho tương lai. Hôm đó đến thành phố lúc 4g sáng, người môi giới dẫn đường đưa mấy đứa lên xe lam chở vào trong thành phố, rồi bỏ mỗi đứa xuống một nơi, giao cho những người nhận lao động. Kpuih Bă thấy người nhận lao động trả cho môi giới, mỗi đứa 1 triệu. Nó lờ mờ hiểu ra rằng, kẻ môi giới đưa mình vào thành phố để bán lấy tiền chứ không phải giúp đỡ mình như đã nói: “Anh thấy các em khổ nên anh muốn giúp đỡ, vào đó sẽ rất nhiều việc cho các em lựa chọn, lương cao ít nhất gấp đôi cạo mủ và nửa tháng người ta trả lương 1 lần”.

Kpuih Bă được đưa xuống một khu rộng lớn, xung quanh được quây lại bởi những tấm tôn, bên trong là những toà nhà đang xây dở với ngổn ngang nào gạch, cát, xi măng, rồi những ống cống lộn xộn khắp nơi. Phía góc xa là những căn lều tạm, được che bởi những tấm tôn và bạt rách nát. Đón Kpuih Bă là một thanh niên đầu trọc, to béo chân tay săm trổ phượng rồng với khuôn mặt lì lợm, có đôi mắt to trắng bệch. Hắn là người quản lý ở đây.

  • Tên gì? – Hắn hất hàm hỏi
  • Dạ em tên Kpuih Bă
  • Vào cất đồ, ăn sáng rồi đi làm- Hắn nói như ra lệnh.

Và những ngày sau đó, Kpuih Bă sống cùng một số thanh niên đến từ tứ xứ, trong những túp lều tạm bợ, hàng ngày phụ hồ từ 6.30 sáng đến 6 giờ chiều và chỉ được nghỉ trưa 1 tiếng để ăn uống và nghỉ ngơi. Hàng đêm, nó trằn trọc trong căn lều tạm rách nát, nghe tiếng xe chạy, tiếng còi xe, tiếng rao mì gõ ngoài đường mà lòng nó nôn nao nhớ nhà. Đúng 15 ngày sau, người quản lý đến đưa cho mỗi người 1 nắm tiền, bọc bên ngoài là 1 mảnh giấy ghi tổng tiền công, các khoản trừ… và số tiền thực nhận:

Kpuih Bă: 15 ngày, 1 ngày nghỉ làm vì mưa lớn còn 14 ngày

  • Tổng tiền công 14 ngày x 250.000 = 3.500.000đ
  • Trừ tiền chi phí xe đưa đón, ăn uống đi từ Gia lai lên TP: 000đ
  • Trừ tiền người dẫn đường: 000.000đ
  • Trừ tiền ăn ở 15 ngày: 15 x 100.000 = 1.500.000đ Còn nhận: 350.000đ

Nhận tiền công mà Kpuih Bă cảm thấy xót xa, cay khoé mắt. Nó hiểu rằng, đây không phải là nơi để mình có thể đổi đời, nơi này không thuộc về những người như nó.

Kpuih Bă nhớ buổi chiều, cái ngày mà nó lên văn phòng đội để trả lại phần cây cạo mủ. Đội trưởng Kpă Nga vận động: “Kpuih Bă cũng đã biết mà, mấy năm gần đây, giá mủ cao su xuống thấp, lương thưởng của công nhân thấp hơn. Cà phê cũng xuống giá, hàng năm không được bao nhiêu, các em khó khăn hơn. Chị đã cùng lãnh đạo nông trường, công ty làm tất cả những gì tốt nhất có thể cho em và công nhân rồi. Em thấy đấy, tuy lương thấp nhưng công nhân luôn được nhận đầy đủ, đúng ngày, rồi tiền thưởng ngày lễ tết vẫn có tuy không nhiều bằng các năm trước đây… giá mủ cao su chắc sẽ sớm phục hồi thôi em, rồi lương thưởng sẽ cao hơn. Em nên ở lại cạo mủ cao su, em được ở gần vợ con, nuôi thêm con gà, con lợn, chăm sóc cà phê chứ đi làm thành phố không phải dễ như người ta nói đâu em”…

Những câu đại loại như thế này, Đội trưởng Kpă Nga đã nói nhiều, nghe quen lắm, và nó cũng thấy đúng lắm. Nhưng quyết tâm ra đi lần này trong Kpuih Bă rất cao, mẹ nó cũng nói giống như đội trưởng, nhưng lòng Kpuih Bă đã quyết, không ai có thể lay chuyển được.

Kpuih Bă vén bức rèm che, nhìn ra đường, thấy trời đã rạng sáng. Hai bên đường là những hàng cây cao su thẳng tắp với những ánh đèn công nhân cạo mủ lấp loáng, có lẽ vợ nó cũng đang cạo mủ ở đó, nó hiểu rằng đã tới đầu làng, đã tới đội. Nó lấy ba lô rồi xuống xe, cơn gió se lạnh buổi bình minh thổi qua, làm nó cảm thấy thư thái, dễ chịu, không giống như không khí ngột ngạt, chật hẹp, bức bối chốn thị thành. Chút nữa, khi mặt trời lên, Kpuih Bă sẽ lên đội, sẽ kể lại hành trình ra đi của nó cho Đội trưởng Kpă Nga và công nhân của đội nghe. Nó hiểu rằng, lương cao hay thấp không phải sự so sánh đơn giản của phép tính trừ.

Tới sân, con chó nhà Kpuih Bă đang ngủ, giật mình chạy ra quấn quýt, nhảy xổ lên người mừng rỡ, Kpuih Bă ngồi xuống ôm nó vuốt ve. Hai đứa con nhỏ thức giấc, chạy ào ra ôm chầm lấy bố. Kpuih Bă ôm hai con vào lòng, “Bố ơi, chúng con nhớ bố, bố đi đâu mà lâu về thế?”. Bỗng dưng hai hàng nước mắt nó chảy dài, nghẹn ngào: “Từ nay bố sẽ ở nhà với các con”.

LƯU VĂN PHIÊN

(Cao su Chư Prông – Gia Lai) (Tác phẩm đạt giải Nhì Cuộc thi sáng tác “Tự hào 90 năm truyền thống ngành cao su” do Tạp chí Cao su VN tổ chức năm 2019)