Cây cao su của ông Yersin bắt đầu được khai thác

CSVNO – Năm 1905, ông Yersin chính thức mở miệng cạo một số cây cao su trồng đầu tiên tại Suối Dầu. Đợt đầu được 1,316 kg cao su khô gởi bán cho hãng Michelin ở Pháp được 28,50 Francs.

Kỳ trước

Ngành cao su VN có công rất lớn của ông Yersin. Ảnh: Tùng Châu
Ngành cao su VN có công rất lớn của ông Yersin. Ảnh: Tùng Châu

Ở Malaysia, người ta trồng dày, theo khoảng cách 2,5m. Ở Suối Dầu, Yersin và Vernet đã bắt đầu tính đến năng suất cao nhất của vườn cao su, vì vậy 2 ông chủ trương trồng theo khoảng cách 5×5 theo hình nanh sấu, 1 ha được 418 cây, đào hố 50x50x50 theo hướng Bắc – Nam.

Yersin và Vernet không tán thành nhận định của Ridley cho rằng cây cao su có bón phân mọc không khác gì cây không bón phân như ở Singapore. 2 ông cho rằng cây cao su cần có sẵn một số phân bón để phát triển, vì vậy Suối Dầu bón lót cho cao su bằng phân chuồng và lấp hố bằng đất mặt cào trên vùng xung quanh.

Ông G.Vernet đã sớm nhận thấy sự khác biệt rất lớn về năng suất giữa các cây cao su trồng trong một vườn. Ông chủ trương chọn hạt giống một cách cẩn thận, chỉ lấy hạt từ những cây mẹ có năng suất cao nhất. Đây là một việc khó vì trong thời gian mò mẫm ban đầu, số hạt giống chưa nhiều và đắt. Nhưng ông Vernet cho rằng đây là một vấn đề hàng đầu.

Dần dần người ta hiểu cây cao su và biết cách trồng nó, chăm sóc nó như thế nào, các vấn đề này, không còn xa lạ nữa. Nhưng làm sao bắt nó cho mủ mà không làm nó chết như những cây cao su rừng xấu số ở Brazil? Làm sao sơ chế mủ cao su? Và cuối cùng là trồng cao su lãi hay lỗ?

Đó cũng là vấn đề của đồn điền Suối Dầu trong thời kỳ mò mẫm di thực cây cao su.

Trong thư gửi thường kỳ một tháng 2 lần cho mẹ, ngày 11/12/1904, Yersin báo tin vui: “Kết quả cạo mủ thử ở Suối Dầu rất đáng khích lệ: Các cây cao su cho mủ ngày càng nhiều, có thể chúng con sẽ đạt 250 gam mủ khô cho 1 cây vào năm sau và đạt 100 kg mủ khô có thể bán ít nhất 1.000 Francs”. Chính từ giữa năm 1904, Yersin và Vernet bắt đầu nghiên cứu việc cạo mủ cao su tại Suối Dầu, một phần dựa vào các kết luận thực tiễn của ông Ridley, giám đốc Vườn thực vật Singapore, đã có công nghiên cứu cách lấy mủ mà không gây ảnh hưởng xấu đến cây cao su, một mối quan tâm lớn của các nhà trồng tỉa.

Từ cuối tháng 11 năm 1904, Vernet đã tìm hiểu hiện tượng “phản ứng của các vết cạo (Wound response) do J.C Willis và Parkin phát hiện lần đầu tiên năm 1987 ở vườn thực vật Peradenya (Ceylan), tìm hiểu diễn biến của tỷ trọng mủ nước, tỷ lệ mủ khô xác định cây có thể mở miệng, thời vụ cạo mủ, giờ cạo mủ thích hợp nhất trong ngày, hình dáng miệng cạo, độ sâu miệng cạo, dụng cụ dùng trong việc cạo mủ (dao đục, chén hứng mủ). Ông cũng nghiên cứu việc sơ chế mủ, năng suất lao động và ước lượng năng suất cây trồng. Việc trồng xen cũng được thực nghiệm.

Năm 1905, Suối Dầu chính thức mở miệng cạo một số cây cao su trồng đầu tiên. Đợt đầu được 1,316 kg cao su khô gởi bán cho hãng Michelin ở Pháp được 28,50 Francs.

Những kết luận và kinh nghiệm đúc kết ở Suối Dầu ghi trong quyển sách của G.Vernet “L’Heavea Brasiliensis – Sa culture et son exploitation dans le Sud – Annam”. Quyển sách này của G.Vernet được phát hành năm 1905, tại Paris, là một tài liệu khoa học và kỹ thuật quý giá đối với ngành cao   su thiên nhiên trong thời kỳ mò mẫm trên đất nước ta. Trong thời gian này các tài liệu xuất bản về cao su rất ít, người ta chỉ kể được một số tài liệu chuyên sâu như. “L’Heavea asiatique” của Collet (Chalamel Paris 1903). “L’ Heavea Brasiliensis et sa culture dans la pe1ninsule malaise” của Stanley – Ardeu (do P.Cibot dịch ra tiếng Pháp và đề tựa (Chalamel. Paris 1904). Người ta cũng nhắc đến tạp chí thực vật do ông Ridley sáng lập ở Singapore để tuyên truyền cho cây cao su…

Yersin đã đặt lòng tin vào cây H.B và ông đã mang nhiệt tình cùng óc sáng tạo khoa học của mình để đưa công việc thực nghiệm cây H.B thành công, như G.Vernet đã viết trong phần mở đầu quyển sách của mình.

T.S

(trích từ sách “100 năm cao su ở Việt Nam” của ông Đặng Văn Vinh)