Lễ hội ăn trâu: Nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên

CSVN – Lâu nay, chúng ta quen tai với cụm từ “đâm trâu” để nói về một nghi thức cúng thần linh của một số cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên Cao Nguyên: Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum.

Đồng bào thực hiện nghi thức lễ “Ăn trâu cúng Giàng”
Sự kiện quan trọng của cộng đồng

Thực tế, cộng đồng các dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên gọi là “Ăn trâu cúng Giàng” để mừng một sự kiện, vui, buồn, nào đó của con người. Có thể là việc cá nhân, cũng có thể là việc của một gia đình hay sự kiện trọng đại của cả cộng đồng của Làng, Kon, Plei…

Để thực hiện nghi thức “Ăn trâu cúng Giàng” trong lễ mừng nhà rông mới thì gọi là “Lễ ăn trâu mừng nhà rông mới”.Trước khi quyết định sửa chữa hay làm nhà rông mới, việc đầu tiên nhóm già làng gồm những người lớn tuổi sẽ quyết định chọn vật hiến sinh là con trâu để cúng các thần linh.

Lễ vật cúng Giàng bao gồm: một con trâu đực, một con dê, một con heo, một con gà, là các lễ vật bắt buộc phải có.

Khi hoàn tất công việc làm nhà rông mới, già làng chính thức bàn bạc cùng với dân làng phân công, giao những công việc quan trọng, cụ thể đến từng các thành viên chuẩn bị thực hiện “Lễ ăn trâu mừng nhà rông mới”. Vì đây là sự kiện rất quan trọng của cả cộng đồng nên mọi công đoạn đều được chuẩn bị chu đáo. Tất cả dân làng tạm gác lại mọi công việc riêng để toàn tâm toàn ý tập trung cho công việc chung này.

Lễ diễn ra trong ba ngày liên tục, mọi thành viên trong cộng đồng phải có mặt đầy đủ. Trước khi bước vào chính lễ, đêm đầu tiên là một đêm quan trọng, người Jrai gọi là “Tơ Rum”, con trâu được buộc vào cây nêu để trải qua “đêm linh thiêng” chờ đợi dấu hiệu tốt, xấu được thần linh báo mộng.

Kết tinh giá trị văn hóa tinh thần

Ngày đầu tiên khai lễ gọi là “H’rơi pơ chah” bắt đầu từ lúc sáng sớm tinh mơ, khi mặt trời còn nằm ngủ thì bà con dân làng trong trang phục lễ hội sặc sỡ tập trung về nhà rông, dân làng cùng nắm lấy những sợi dây Prang – một loại dây lấy từ rừng về. Sợi dây Prang nối từ đỉnh cây nêu xuống đất, dẫn nối vào nhà rông. Đây là sự tin tưởng vào thần linh, vào Giàng một cách tự nhiên như được lưu truyền bao đời. Cồng chiêng vang lên bài “Teh vang” – một bài chiêng rất quan trọng trong nghi thức “Ăn trâu cúng Giàng” và khấn bằng tiếng đồng bào:

“Hỡi thần linh! Thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng, thần canh giữ buôn làng nhà cửa… Cùng nhau đến đây uống rượu cần nước đầu, ăn thịt, ăn rau ngon nhất. Nhận lời tôi khấn: Chở che buôn làng, luôn được bình an, không có dịch bệnh, người người mạnh khỏe, nhà nhà ấm no, của ăn không hết…”.

Lễ hội ăn trâu hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa tinh thần, được thăng hoa, kết tinh vào chính sự hiến sinh tạ ơn thần linh là một nét văn hóa độc đáo trong tín ngưỡng của người đồng bào.  Lễ hội không có gì đáng kinh hãi hay rùng rợn, bản thân nó cũng không phải đại diện cho cái  ác, hay vô nhân đạo như nhiều người thường nghĩ, mà ở đây nó có tính nhân văn sâu sắc, với nghi lễ linh thiêng đã tồn tại từ bao đời.

GS.TS Ngô Đức Thịnh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: “Theo tôi, không có bất cứ một lễ hội nào là  lễ hội “man rợ” cả. Bởi lễ hội xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, những lễ hội hiến tế đối với họ cũng mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, với mục đích tế thần để cầu mong may mắn, mùa màng bội thu. Chỉ có những người không hiểu gì về lễ hội, hay về những ý nghĩa của nó mới cho rằng đó là những lễ hội “man rợ”…Những hình ảnh được cho là phản cảm, man rợ hay đầy bạo lực đều xuất phát từ cảm nhận của những “người ngoài”, tức là những người chưa thực sự hiểu về ý nghĩa của từng lễ hội…”.

VŨ PHONG – A. TÂM