“Học tập là công việc rất thú vị!”

CSVN Xuân – Từng là một công nhân cao su, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích – Tổng Thư ký Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), đã vượt khó vươn lên trên con đường học vấn, lao động, nghiên cứu, đóng góp vào sự phát triển của ngành và đất nước. Tại Lễ tuyên dương con CB.CNVC – LĐ “Học giỏi – vượt khó” do VRG và Công đoàn Cao su VN tổ chức ngày 29/10/2017, ông đã có bài phát biểu xúc động, ý nghĩa nhằm chia sẻ, động viên các em HSSV trên con đường học tập. Tạp chí CSVN trích giới thiệu.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích trao học bổng cho các em học giỏi, vượt khó. Ảnh: Phan Thắng
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích trao học bổng cho các em học giỏi, vượt khó.
Ảnh: Phan Thắng

Với tư cách là người đi trước, tôi có một vài kinh nghiệm chia sẻ với các em như sau: Thứ nhất, hãy biết ơn những người đã chắp cánh cho các em. Những người đó là ông bà, là chú bác, là thầy cô, bạn bè và những tổ chức đoàn thể như chúng ta đang chứng kiến ở đây (Lễ tuyên dương con CB.CNVCLĐ “Học giỏi – vượt khó” – PV).

Những người đó không cần các em phải trả lại một công việc gì cụ thể mà họ cần là sau này các em làm tốt bất kể công việc gì đang làm để đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Thứ hai, hãy yêu mến, yêu thích bạn bè quanh mình để sau này các em ra đời, bước vào một thế giới mà nó không được đẹp như tình bạn khi ngồi trên ghế nhà trường, cũng như giảng đường đại học.

Thay vì sau này phải tiếc nuối thì ngay từ bây giờ hãy tận hưởng những giá trị mà thầy cô, bạn bè mang lại, vì công việc học tập là công việc rất thú vị. Công việc tìm kiếm kiến thức là công việc xứng đáng để các em bỏ công để làm và nó đem lại niềm vui và hạnh phúc. Các em không có kiến thức thì khó có thể làm nên việc lớn! Cha mẹ, thầy cô có thể nói các em hãy cố gắng lên. Đúng! Phải cố gắng! Nhưng mà cố gắng phấn đấu với lòng yêu thích thì cái cố gắng đó rất nhẹ nhàng.

Thứ ba, các em phải bền chí! Với tư cách là người đi trước tôi có thể chia sẻ: Thực tế tôi có bền chí hay không? Có thể nói, những người đồng nghiệp, đồng chí, bạn bè yêu mến đã đánh giá là có. Nhưng theo tôi, có lúc bạn sẽ thua, bạn vấp ngã nhưng bạn biết đứng dậy khi đã ngã mới là bền chí. Dĩ nhiên là trong con mắt của người lớn chúng tôi hôm nay thì các em sung sướng hơn chúng tôi trước kia rất nhiều.

Các em cũng thường nghe các bậc đàn anh, đàn chú kể lại, hồi đó học hành cực khổ, thiếu thốn như thế nào. Hiện tại các em không phải trải qua những cảnh mà chúng tôi đã trải qua. Tuy nhiên, ngày nay các em phải trải qua những gian khó mà trước đây chúng tôi không có. Đó là những cám dỗ của nhiều yếu tố trong xã hội hiện đại như những tiện nghi của đời sống sung túc; những cám dỗ đến từ mọi phương diện, vật chất có, tinh thần có, bên trong có, bên ngoài có, có sự tham gia của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội,….

Nhìn bên ngoài không có vẻ gì là gian khổ, khó khăn, nguy hiểm nhưng tôi cho rằng những cám dỗ đó cũng rất khó vượt qua. Vậy nên, các em phải tỉnh táo, các em nên dùng thời gian của mình để làm những việc có ý nghĩa. Không nên sa đà vào những trò vui vô nghĩa, chớ sa đà vào những trò vui có thể mang lại nguy hại cho bản thân mình, thậm chí cho cả gia đình, và cuối cùng làm mất thời gian của mình.

Tôi đã đọc cuốn sách có tựa đề là “Tâm hồn cao thượng” của văn hào người Italia tên là Edmondo De Amicis. Em nào chưa đọc thì tìm để đọc, em nào đã đọc rồi thì nên đọc lại. Bởi đây là tuyển tập những câu chuyện nhỏ nói về đời học sinh, nói về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm xã hội, tình bạn, tình thầy trò… Đó là những điều rất thật, rất gần gũi với một người học sinh, với một người sinh viên. Các trẻ em trên khắp thế giới đến trường bằng tất cả các phương tiện có được từ đi bộ, xe đạp, lạc đà, cưỡi ngựa, chèo thuyền…

Vì vậy “các em hãy lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là thù địch và lấy nền văn minh của nhân loại làm khúc ca khải hoàn. Các em hãy cố lên và đừng bao giờ là một tên lính hèn hạ!”.

Ng. Cường (ghi)