Khám phá du lịch sinh thái vùng biên Bù Đốp

CSVN – Từ bến tàu, bạn có thể ngồi trên ca-nô, tàu, tắc ráng để rẽ sóng dọc hồ Cần Đơn lên thượng nguồn sông Đắk Huýt. Len lỏi vào các ngách suối, chúng ta lại được chiêm ngưỡng nhiều ốc đảo nổi lên giữa lòng suối. Trên dòng sông này có đến hàng chục ốc đảo lớn nhỏ. Mỗi ốc đảo sở hữu một đặc điểm riêng biệt, hợp thành một quần thể sinh thái đa dạng, làm say mê bất kỳ du khách nào đặt chân đến đây.
Bến tàu đưa đón khách du lịch.
Bến tàu đưa đón khách du lịch.
Thiên nhiên ưu đãi

Điều kiện phát triển du lịch sinh thái Bù Đốp (Bình Phước) là sự kết hợp hài hòa giữa rừng và sông nước với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Đây là hai yếu tố tạo nên nét riêng khá độc đáo, khơi dậy tiềm năng du lịch đối với địa phương. Ông Nguyễn Văn Ách – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp cho biết: Với tiềm năng do thiên nhiên ưu đãi, đến với Bù Đốp, du khách có thể thưởng thức những món ăn đặc sản từ các loài thủy sản mang tính đặc trưng, chỉ có riêng ở sông Đắk Huýt như cá chình, cá lăng vàng, bống vàng. Đặc biệt, khi đến đây du khách được đi thuyền, ca nô để tận hưởng được vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với những ngôi nhà nổi trên sông hết sức thanh bình.

Chưa kể Bù Đốp còn sở hữu hệ thống rừng xanh, rừng hỗn giao, rừng khộp đan xen liên hoàn tạo nên nét đặc trưng riêng. Khi đến Bù Đốp ngoài đường sông, du khách có thể lựa chọn đường bộ tham quan rừng khộp với cây dầu đồng, cà chất, sổ mọc dày đặc. Tại đây Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đã phát dọn nhiều bãi tập kết rộng cả ngàn mét vuông để du khách nghỉ chân. Nhiều đường mòn xen trong rừng để du khách có thể thuận tiện tản bộ ngắm rừng, chụp ảnh…

Từ khi huyện Bù Đốp thành lập năm 2003, ông Nguyễn Văn Ách – Hạt trưởng đã đã lên phương án, tìm hiểu địa hình rừng Bù Đốp để làm du lịch nhưng giai đoạn đó ông ít nhận được sự ủng hộ của mọi người. Không nản chí, từ năm 2011 – 2012 ông bắt đầu cho trồng rừng bán ngập lòng hồ, xin giữ lại 54 hecta khu vực ốc đảo tiểu khu 72 để tái sinh rừng. Sự quyết tâm, lăn xả vào công việc của ông Ách khiến cho những ai chưa tin tưởng vào dự án phải dần thay đổi suy nghĩ, ủng hộ và cùng ông thực hiện.

Tháng 7/2013, tàu du lịch 300 mã lực được Hạt Kiểm lâm Bù Đốp hoàn thành có thể chuyên chở đến 60 du khách. Những căn nhà nghỉ, nhà dừng chân, nhà hàng nổi trên hồ cho du khách được hình thành trên ốc đảo tiểu khu 72 với sự ủng hộ rất lớn từ lãnh đạo huyện Bù Đốp và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân địa phương.

Chính quyền quan tâm

Năm 2015-2016, UBND huyện Bù Đốp đã đầu tư làm đường giao thông, bến tàu đưa đón khách du lịch, tạo tiền đề mạnh cho khu vui chơi giải trí sinh thái Bù Đốp. Ông Đoàn Văn Thảo – Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp khẳng định: Du lịch sinh thái có vai trò quan trọng, không chỉ đối với kinh tế mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao hình ảnh và niềm tự hào của nhân dân địa phương.

Sinh thái ở huyện Bù Đốp đã tập trung đầy đủ những yếu tố tiềm năng và điều kiện đặc trưng hiếm có của mình với những ốc đảo nhỏ xen kẽ trong khu rừng bán ngập, sông Đắk Huýt, hồ Cần Đơn. Mặc dù khu vui chơi, giải trí sinh thái Bù Đốp đến thời điểm tháng 12/2016 vẫn còn trong quá trình xây dựng cơ bản, nhưng lãnh đạo và nhân dân huyện Bù Đốp luôn tin tưởng trong tương lai, nơi đây sẽ là một trong những điểm du lịch sinh thái quan trọng của tỉnh Bình Phước.

Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng nhận định: Khu du lịch sinh thái trên sông Đắk Huýt nối liền với lòng hồ thủy điện Cần Đơn sẽ là nguồn thu mang tính bền vững của huyện Bù Đốp trong tương lai gần và cả tương lai xa. Điểm nhấn của khu du lịch chính là người dân địa phương, đồng bào bản địa làm du lịch. Mỗi gia đình là một tuyên truyền viên đồng thời là chủ thể của khu du lịch. Bên cạnh đó, Bù Đốp sẽ quy hoạch những vườn cây ăn trái mang tính đặc hữu của huyện do chính người dân địa phương trồng để phục vụ du khách. Ngay cả trong rừng, Bù Đốp cũng phải trồng các loại cây ăn trái để mời gọi muông thú về đây trú ngụ nhằm phục vụ du khách và tạo tính đa dạng sinh học cho rừng phát triển bền vững.

Đức Trọng