Thúc đẩy tiểu chủ người Việt

CSVN – Vào tháng 7/1958, ông Ngô Đình Diệm đến Công ty Đồn điền Đất Đỏ, Lai Khê, Dầu Tiếng và quyết định rót tiền vào hoạt động nghiên cứu các đồn điền lớn này, khuyến khích chủ đồn điền mở rộng đất và thay các cây cũ bằng những cây con cho năng suất cao nhằm chuẩn bị cho nền nông nghiệp cao su trong tương lai.

(tiếp theo kỳ trước)

Vượt qua chủ nghĩa thực dân
Công nhân nhà máy chế biến.
Nhiều khoản vay hỗ trợ người trồng cao su

Với một chu kỳ tự nhiên gần 30 năm, đa số cây cao su trong các đồn điền lớn này đã gần kết thúc thời gian có thể đem lại giá trị khai thác về kinh tế. Tình hình chiến sự và sự thiếu hụt nhân công ở miền Nam Việt Nam từ năm 1945 trở đi đồng nghĩa với việc đa số cây cao su ở các đồn điền được trồng từ trước Chiến tranh Thế giới thứ 2. Khi đặt cược vào đồn điền lớn, ông Diệm đã tái lập thành kiến có từ thời Pháp thuộc vốn không hề xem trọng các tiểu chủ.

Giữa tháng 8, ông Diệm ký Sắc lệnh 414-KT và Nghị định 287- KT thành lập Quỹ khuếch trương trồng tỉa cao su và các điều luật cho quỹ này. Trong sắc lệnh trên, việc mở rộng và trồng lại cây phải được thực hiện trên phần đất liền kề với đất đã trồng cây cao su trong năm 1975. Vì vấn đề an ninh vẫn còn đáng lo ngại, việc mở các vùng trồng cao su mới không được phép, do đó luật khuyến khích trồng lại cây cao su trên vùng đất trước đây đã canh tác loài cây này. Tiêu chuẩn thấp nhất gồm sở hữu ít nhất 10 ha, diện tích đất đã trồng cây từ cuối năm trước không được dưới 5%, và nguồn đất để phát triển hoặc trồng lại cây ít nhất là 1 ha. Những điều kiện để phát triển hoặc trồng lại cây ít nhất là 1 ha. Những điều kiện này cơ bản ngăn được những người mới trồng cây cao su lợi dụng nguồn vốn vay.

Điều khoản thứ ba quy định những người sở hữu từ 10 đến 100 ha có thể vay 5 đồng trên mỗi ký cao su bán ra vào năm 1957 và việc cho vay được chia thành ba lần: 60% vào năm 1958, 30% vào năm 1959 và 10% vào năm 1960. Người có hơn 100 ha có thể vay 3 đồng/kg cao su bán được vào năm 1957. Khoản tiền cho vay được chia thành hai lần: 60% vào năm 1958, 40% vào năm 1959. Mặc dù điều kiện này dường như có lợi cho các tiểu chủ vì số tiền được vay/kg cao su cao hơn một chút nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại.

Đa số đồn điền lớn sản xuất ra nhiều cao su hơn trên mỗi ha, vì vậy khoản vay được xác định dựa trên lượng cao su sản xuất được giúp những đồn điền lớn nhất có được tỷ lệ ưu đãi tốt hơn. Thêm vào đó, số tiền mà những đồn điền nhỏ hơn được vay sẽ chia thành ba đợt thay vì hai. Lãi suất cố định là 2%/năm và phải trả hết nợ trong 5 năm. Người vay cũng phải trả 0,25% số tiền nợ mỗi năm cho Quốc gia Nông tín Cuộc cho chi phí quản lý, và một hội đồng gồm sáu thành viên sẽ ra quyết định cho vay, chủ tịch hội đồng sẽ bỏ phiếu quyết định trong trường hợp cần thiết.

Một đại diện của Hiệp hội Những người trồng cao su là thành viên của hội đồng, tùy vào quốc tịch của người nộp đơn, Pháp hay Việt Nam, để xác định quốc tịch của Hiệp hội. Phí mở tài khoản là 0,5%/tổng số tiền vay, thấp nhất là 2.000 đồng, điều này có nghĩa là người trồng lại hoặc phát triển dưới 10 ha đất sẽ trả phí cao hơn so với những người tái phát triển những vùng lớn hơn. Những điều kiện này đảm bảo hữu hiệu rằng chỉ những người có các đại điền mới được hưởng lợi từ quỹ phát triển.

Tranh cãi quyền ưu đãi đối với khoản vay trồng lại cao su

Nhiều người Việt thuộc tầng lớp trung lưu có đồn điền cao su rất chủ động về mặt chính trị, nên năm 1957, 180 chủ đồn điền đã cùng thành lập Hiệp hội các nhà trồng Cao su Việt Nam. Các biên tập viên của tờ Tuần san Phòng Thương mại Sài Gòn cho rằng quyết định khoản vay dựa trên số lượng sản phẩm đã gây bất lợi cho các đồn điền người Việt. Họ cho rằng những chủ đồn điền người Việt không phải đang tỏ ra bài ngoại mà đang chỉ ra rằng trong quá khứ, chính quyền thực dân rất ủng hộ các chủ đồn điền người Pháp, từng chi khoản vay 90 triệu đồng Đông Dương cho những người trồng cao su. Những người trồng cao su lý luận rằng “quyền ưu đãi đối với khoản vay trồng lại cao su phải được dành cho người Việt”.

Sau một loạt thư từ giữa các quan chức chính quyền và Hiệp hội các nhà trồng Cao su Việt Nam, cả hai bên đi đến một thỏa thuận tạm thời. Phó tổng thống VNCH, Nguyễn Ngọc Thơ viết rằng, tuy hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của các tiểu chủ người Việt, nhưng chính phủ phải xem xét tình hình tổng thể, bày tỏ lo ngại rằng quỹ sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Ông Thơ thúc giục các chủ đồn điền nên dựa vào nỗ lực cá nhân để vượt qua mọi thiếu thốn. Mặc dù ông Thơ lưu lý việc chấm dứt giao đất mới nhưng chính phủ nhượng bộ hai điều với những người đang trồng cao su: đồng ý tài trợ nhiều hơn cho các chủ đồn điền người Việt và gỡ bỏ hạn chế chỉ cho vay đối với những người đã trồng cao su trong năm 1957. Thỏa thuận này tạo cơ hội cho những người mới trồng và cho những người có đồn điền chậm hồi phục sau Chiến tranh Đông Dương lần thứ I.

Ngành ngân hàng của VNCH có cái nhìn rất tích cực về những chương trình đầu tư vào cao su như Quỹ khuếch trương Trồng tỉa cao su. Tháng 3/1960, TGĐ Ngân hàng Quốc gia VN Nguyễn Hữu Mạnh viết một bức thư ngắn bằng tiếng Pháp gởi ông Diệm, cho rằng tương lai của ngành cao su thiên nhiên rất tươi sáng và các đồn điền của VNCH có vị thế thuận lợi để tận dụng thị trường này. Ông Mạnh cũng chỉ ra rằng ngành công nghiệp cao su cuối cùng cũng có thể tuyển đến 500.000 nhân công và gia đình của họ. Cuối năm đó, ông Mạnh đưa ra dự đoán dè dặt hơn để phản hồi sự ngờ vực của chính phủ về những dự báo của ông.

Hơn nữa, các nhân vật nổi tiếng ở VNCH đã lợi dụng cuộc chiến về sự tham gia của người Việt trong ngành công nghiệp cao su để thách thức những quy định của ông Diệm. Một trong những người như vậy là Nguyễn Đình Quát, một tay giàu có và lập dị, tự cho mình là đại diện của một tổ chức công dân quốc tế, bị xét xử vì tội trốn thuế, từng có thời gian làm Chủ tịch Hiệp hội các nhà trồng Cao su Việt Nam. Để thách thức quy định của ông Diệm, Quát kêu gọi bất tín nhiệm người Pháp trong giới thượng lưu ở VNCH, cho rằng các chủ đồn điền người Pháp trong giới thượng lưu đang khai thác cây cao su đến chết nhưng không trồng lại để thu lời tối đa trong thời gian ngắn, bất chấp sức khỏe lâu dài của ngành công nghiệp này.

Ông Quát tin rằng các chủ đồn điền người Việt cần chính phủ hỗ trợ. Ông thúc giục Diệm giúp các chủ đồn điền trung thành đối phó với vấn đề an ninh bất ổn ở vùng nông thôn và giá cao su thấp. Mặc dù phân tích của ông Quát phớt lờ những căng thẳng giữa chính quyền thực dân và chủ đồn điền người Pháp, nhưng ông đã đúng khi nói về sự hỗ trợ tài chính và pháp lý đúng thời điểm mà chính quyền thực dân đã thực hiện.

HÀ KHUÊ

(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)

(Kỳ sau: Cao su tự nhiên và cao su tổng hợp)