CSVN – Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Kim Liên – Tổ trưởng tổ 7, Nông trường Đoàn Kết, Cao su Mang Yang. Chị là đại diện duy nhất cho chị em nữ công ty được Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai tuyên dương, VRG tặng bằng khen Học tập và làm theo lời Bác, giai đoạn 2016 – 2021.
Công nhân đầu tiên của nông trường được kết nạp vào Đảng
Sinh ra và lớn lên ở quê hương đất Tổ (Phú Thọ), vì thế, việc trở thành một công nhân cao su là một bước ngoặc trong đời chị.
Bước ngoặc đó đã đến trong lần chị được chú Hoàng Đình Nhiều (nguyên Phó TGĐ, Chủ tịch Công ty CPCS Sa Thầy) giới thiệu vào Tây Nguyên lập nghiệp. Với niềm tin sẽ thay đổi cuộc sống từ vùng đất mới, chị đã bàn bạc với người bạn đời Vũ Đại Lâm quyết định vào lập nghiệp trên những lô cao su của huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai.
Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến Tây Nguyên, chị cho hay: “Ngày đầu làm quen với công việc cạo mủ cao su, tôi hết sức bỡ ngỡ. Kỹ thuật, đường cạo đến những câu lý thuyết về trồng, chăm sóc và khai thác cao su hoàn toàn xa lạ. Không những thế, ngày đó ngành cao su đang gặp vô vàn khó khăn vì giá bán một tấn mủ cao su thấp hơn giá sản xuất, do vậy cuộc sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự động viên của anh chị em trong đơn vị, vợ chồng tôi đã quyết định bám trụ tại vùng đất này”.
Với nỗ lực để sớm bắt nhịp cuộc sống mới, chị phấn đấu học hỏi, rèn luyện tay nghề và nhanh chóng trở thành một tay dao cừ khôi của tổ 7, Nông trường Đoàn Kết. Chị được đồng nghiệp, lãnh đạo đơn vị cũng như bà con lối xóm quý mến. Ngoài công việc chính là thợ cạo, chị còn được mọi người tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Công đoàn nông trường từ năm 2015. Đặc biệt, chị là công nhân đầu tiên của nông trường được kết nạp Đảng.
Xem việc học theo Bác là tự hoàn thiện mình
Trong công việc, chị tích cực hoàn thiện bản thân, năng nổ tham gia các cuộc thi do công ty, ngành và địa phương tổ chức. Điển hình là cuộc thi “An toàn vệ sinh lao động”; Hội thi nữ công duyên dáng của ngành; “Tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành”, nhất là đại diện cho công ty tham dự cuộc thi Dân vận khéo và đạt được một giải nhất, một giải nhì của huyện Đăk Đoa. Chị là người nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.
Chị chia sẻ: “Tôi luôn xem việc học tập Bác là để tự hoàn thiện mình, bởi những việc Người làm luôn bắt đầu từ những việc nhỏ, nhưng lại gắn liền với công việc thường ngày của mỗi con người, trong đó có bản thân tôi”.
Nói về thành tích của bản thân, chị cũng không nhớ hết, chỉ nhớ 2 lần nhận được bằng khen, Kỷ niệm chương của Bộ NN&PTNT, được Công đoàn CSVN vinh danh… Trong số ấy chị ấn tượng nhất là ngày cùng cả đội đứng trên mục vinh quang cao nhất của Hội thi Bàn tay vàng cấp ngành được tổ chức tại Cao su Phú Riềng năm 2004.
Nói về nghề cạo mủ, chị tâm tình: “Cây cao su đã cho tôi không chỉ cuộc sống đủ đầy, viên mãn mà còn cho tôi có cơ hội trải nghiệm những cung bậc cảm xúc từ niềm vui đến hạnh phúc cùng các danh hiệu, giải thưởng và ý nghĩa hơn khi được trao tặng phần thưởng cao quý vì đã Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.
GIA LINH
Related posts:
- Cao su Điện Biên: Người lao động được hỗ trợ gần 230 triệu đồng
- Cao su Phước Hòa: Xây dựng từ cơ sở để ngày càng phát triển bền vững
- Công đoàn Cao su Chư Sê: Tích cực hỗ trợ người lao động phát triển kinh tế gia đình
- “Các đơn vị Tây Nguyên cần nỗ lực để đạt năng suất bình quân 2 tấn/ha”
- Ông Ngô Văn Mân tái đắc cử Chủ tịch Công đoàn Cao su Kon Tum
- Kế thừa tình yêu cao su qua 4 thế hệ
- Bàn tay vàng Nguyễn Thị Thùy: Nỗ lực hết mình góp phần vào thành tích chung của Hội thi
- Chung tay xây dựng và giữ vững truyền thống
- “Quốc hội, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào tiếp tục hỗ trợ để các công ty cao su tại Lào hoàn thà...
- Những gia đình công nhân tận tụy, yêu nghề