CSVN – Những ngày đầu thành lập Công ty Cao su Phú Riềng, cách đây 40 năm, có sự đóng góp không nhỏ công sức của những người lính Binh đoàn 23. Chúng tôi có dịp được gặp ông Nguyễn Văn Tý, nguyên Bí thư Đảng ủy công ty, nguyên Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Trung đoàn Công binh 270, được nghe ông kể lại thời kỳ gian khó mà hào hùng.
Năm 1978, Bộ Nông nghiệp triển khai chương trình hợp tác trồng mới 50.000 ha cao su theo Hiệp định được Chính phủ 2 nước Việt Nam – Liên Xô ký kết trong thời gian 5 năm (1980 – 1984). Tháng 12/1980, Chính phủ và Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Binh đoàn 23 với nhiệm vụ cùng Công ty Cao su Phú Riềng xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút lực lượng lao động và thực hiện công tác khai hoang, trồng mới cao su.
Binh đoàn 23 trực thuộc Quân khu 7, trên cơ sở sáp nhập các đơn vị Sư đoàn 3B, 2 Trung đoàn bộ binh 813, 815 và Trung đoàn công binh 270, Đoàn vận tải 647. Ông Nguyễn Văn Tý sinh năm 1948, quê gốc ở Thường Xuân, Thanh Hóa tham gia công tác ở chiến trường Campuchia, Trung đoàn 270. Năm 1981, ông được điều về công ty làm Chánh văn phòng Đảng ủy, rồi làm trưởng phòng tổ chức cán bộ, làm Phó bí thư Đảng ủy (1995 – 2000), Bí thư Đảng ủy (2000 – 2005), Phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh công ty (1999 – 2003).
Nhớ lại thời kỳ ấy, ông rưng rưng xúc động, những bức tranh thời kỳ gian khó cứ hiện về như vừa mới hôm qua. Ngày ấy, những người lính Binh đoàn 23 phải vừa học hỏi, tiếp thu kỹ thuật trồng mới cao su vừa lo dựng lán trại, cất nhà, đắp đập xây hồ để có nguồn nước tưới cho cây cao su và phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho các gia đình công nhân. Cuối năm 1983, Binh đoàn 23 hoàn thành nhiệm vụ, các sỹ quan phục viên, trở về quân đội. Binh đoàn biệt phái 30 sỹ quan bổ sung vào bộ máy quản lý công ty, hầu hết đều làm giám đốc, phó giám đốc các nông trường.
“Khó khăn chồng chất khó khăn”, giọng ông chững lại, “chiến tranh đã qua đi, bắt đầu từ bộ khung của Binh đoàn 23, công ty bắt tay vào cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, lao động sản xuất trong muôn vàn gian khó”. Nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ Hiệp định đề ra, công ty thành lập các nông trường, thời kỳ đầu có 2 nông trường được thành lập. Lao động hầu hết là ở ngoài Bắc, Bình Trị Thiên… nhiều người là dân miền biển đi đánh cá chưa biết gì về cây cao su.
Khu vực khai hoang trồng cao su vẫn còn nhiều bom mìn sót lại, chất độc hóa học chưa được xử lý. Các loại côn trùng, rắn rết, muỗi, vắt rất nhiều. Đường xá đi lại khó khăn, sình lầy, cây cối rậm rạp, phải băng rừng lội suối, ăn ở lán trại lều tranh tạm bợ… Đáng sợ nhất là căn bệnh sốt rét hoành hành, nhiều người chết vì sốt rét. Bao mồ hôi, xương máu của lớp người đi mở cõi đã đổ xuống để hình thành nên những vùng đất xanh bạt ngàn cao su.
“Có thể nói, 40 năm xây dựng và phát triển, nhờ sự đoàn kết thống nhất cao, có chủ trương đường lối, công ty đã làm tốt công tác chính trị, chăm lo tốt đời sống NLĐ. Tôi mong muốn các thế hệ sau này tiếp nối truyền thống, đoàn kết xây dựng công ty ngày càng phát triển bền vững”, ông Tý chia sẻ.
Ông tin tưởng: “Thời gian gần đây giá mủ giảm ảnh hưởng đến toàn ngành, có những giai đoạn giá còn giảm thấp hơn bây giờ, nhưng đều vượt qua được. Trong cái khó sẽ ló cái khôn, nhạy bén sẽ tìm ra hướng đi đúng để tìm cách tháo gỡ. Điều quan trọng, cốt lõi là càng khó khăn càng phải đoàn kết, vững lòng”.
MINH TÂM
Related posts:
- Tổ trưởng năng động, gương mẫu
- Chuyện nghề bảo vệ cao su
- "Cao su vẫn là cây công nghiệp có giá trị lớn của Bình Phước"
- “Ngành cao su cần chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ"
- Nguyễn Thế Sỹ: Người bí thư đi đầu trong công tác dân vận
- Đọc “Chuyện nghề”, nghĩ về truyền thống
- Hồ Minh Hiếu: Người nối nhịp cầu hữu nghị thanh niên Việt - Lào
- “Thanh niên ngành cao su đã có cuộc đối thoại bổ ích với các cấp lãnh đạo"
- Tự hào với truyền thống 4 thế hệ công nhân cao su
- Nghĩa tình keo sơn 4 thế hệ