Một lòng với nghề

CSVN – Những con người một lòng gắn bó với cây cao su không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà đó còn là “cái duyên” với nghề.

Y Tâm với sáng kiến “Thau lọc mủ tạp”
Chọn nghề như chọn bạn đời

Gặp lại Y Tâm, một CN tiêu biểu, một Đảng viên trẻ xuất sắc của Tổ khai thác 6 – Nông trường Dục Nông, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum trên vườn cây có năng suất 3 tấn/ha. Y Tâm đang cùng chồng trút vét kỹ càng những cây cao su cuối cùng, mặc cho đồng đội đã bàn giao sản lượng mủ trong ngày cho tổ trưởng.

Để tiện lợi cho công việc của Tâm, anh Doãn Đình Điền – Phó Giám đốc nông trường và chị Vũ Thị Xuyên – Tổ trưởng tổ 6 đưa chúng tôi đến tận nơi chị đang trút mủ để trò chuyện về cơ duyên Tâm đến với cao su. Trong câu chuyện, chúng tôi được biết Y Tâm là một trong số rất ít người cạo mủ với 2 mô hình là hộ nhận khoán và CN.

Không những thế, gia đình chị còn có 400 cây cao su đang khai thác và 4.000 cây bời lời cũng đang thu hoạch. Như vậy, mỗi ngày Y Tâm phải cạo ít nhất trên 1.000 cây cao su. Ấy vậy, hơn 10 năm đi cạo mủ chưa năm nào chị không hoàn thành vượt kế hoạch, sản lượng giao.

Y Tâm chia sẻ: “Mình nhận khoán từ năm 2009 và vào làm CN từ 2017, những ngày đầu giá mủ cao tiền lương và thu nhập khá ai cũng thích, cũng vui nhưng vài năm gần đây giá mủ thấp, nhiều người bỏ việc đi tìm việc khác. Mình thấy tiếc lắm, xin tổ trưởng cho đi cạo choàng. Mình cạo, chồng trút phụ nên thu nhập của mình có thể nói cao nhất tổ, cao nhất thôn Đăk Hú. Dù giá cao su có cao hay thấp mình vẫn đi cạo cho đến khi nghỉ hưu thì thôi, mình chọn nghề cạo mủ như chọn bạn đời của mình vậy”.

Một trong những người cũng hết sức nặng lòng với vườn cây là chị Rlan Dil – CN tổ 1, Đội 20 của Nông trường Thanh Bình – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông. Dil là một người khá đặc biệt bởi trong khi ai cũng xin nghỉ vì vườn cây bắt đầu cạo úp, cạo cành nên công việc sẽ vất vả hơn, tốn công hơn và năng suất lao động có thể sẽ thấp hơn những CN ở vườn cây khác. Nhưng ngay khi học xong phổ thông Dil lại xin vào chỗ mà nhiều CN khác đang muốn bỏ việc.

Bên hành lang Hội nghị điển hình tiên tiến năm 2020 của công ty, Dil chia sẻ về sự lựa chọn của mình với chúng tôi: “Nhìn mọi người trong làng đi cạo, được sinh hoạt tập thể, tham gia nhiều hội thi em rất thích nên quyết tâm xin vào làm CN. Em biết sẽ rất khó khăn đối với những người vào sau, vì thế em phải cố gắng thật nhiều, dù khó khăn thế nào em cũng theo đuổi công việc mình đã chọn”.

Vào CN từ năm 2013, đến nay Dil được ban lãnh đạo Đội 20 đánh giá rất cao về tinh thần làm việc, 5 năm gần đây Dil đều hoàn thành vượt sản lượng giao từ 5 – 10%, nhất là trong nhiều năm qua Dil đều có tên trong danh sách tham dự hội thi Bàn tay vàng của đội.

Theo sự giới thiệu của lãnh đạo Nông trường Hà Tây – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, chúng tôi hẹn gặp A Ruih tại nhà anh Khyơn – Thôn trưởng thôn Kon Sơ Nal – xã Hà Tây sau khi anh đi cạo về. Với dáng vẻ rắn chắc trong bộ quần áo truyền thống của CN cao su, anh vui vẻ chào hỏi, bắt tay chúng tôi nhưng khi trò chuyện thì lại e dè, ngại ngùng. Nói chuyện mãi anh mới nói được câu: “Mình cũng không biết tại sao mình làm giỏi hơn người ta”.

A Ruih là một CN tiêu biểu nhất của tổ khai thác 11 thuộc Nông trường Hà Tây. Nhiều năm qua,  A Ruih chưa năm nào không hoàn thành kế hoạch giao, năm sau luôn vượt tăng so với năm trước, cụ thể năm 2018 khai thác được 158% và năm 2019 vừa qua anh đã khai thác đạt 159% kế hoạch. Với thành tích ấn tượng trong lao động sản xuất, nên anh đã được Công đoàn công ty xét chọn là CN cao su ưu tú nhất công ty để Công đoàn CSVN vinh danh trong dịp Tháng Công nhân năm 2020, được tổ chức tại Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang vào ngày 27/5 vừa qua.

Chia sẻ về công việc cạo mủ, A Ruih cho hay: “Mình đã chọn nghề cạo mủ thì phải theo đến cùng, làm nương làm rẫy có năm được năm mất, còn làm CN cạo mủ tháng nào cũng có lương. Mình phải xác định từ đầu, đi cạo mủ của nông trường cũng như làm công việc của nhà mình, như thế  thì  mới có trách nhiệm với công việc, với vườn cây”.

Những người ở lại với vườn cây, tất cả họ đều có chung một mong muốn là gắn bó với vườn cây cao su để thay đổi cuộc sống của mình một cách bền vững hơn. Tuy gặp khó khăn do giá mủ thấp, nhưng chọn nghề cạo mủ về lâu dài vẫn là hướng đi được nhiều người lao động là dân tộc thiểu số chọn lựa.

Rlan Dil được tuyên dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 – 2019.
Nhiều đóng góp có giá trị

Không chỉ làm tốt công việc cạo mủ, những lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số đã có rất nhiều đóng góp quan trọng vào thành tích chung của tổ đội, nông trường hay công ty thông qua những sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Điển hình như sáng kiến chiếc thang vòng của anh Rmah Timô Thê ở Đội sản xuất Ia Le thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, hay chị Y Tâm của tổ 6 – Nông trường Dục Nông, Cao su Kon Tum với sáng kiến “Chiếc thau lọc mủ tạp”; CN Siu Phôn của Đội 14 – NT Thanh Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông với nhiều cách làm hay trong công tác dân vận….

Nhiều tấm gương sáng của CN đồng bào dân tộc đã được các báo, đài chọn làm gương điển hình tiên tiến trong việc tuyên truyền về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Là gương sáng trong lao động sản xuất, trong phát triển kinh tế gia đình, tiêu biểu có CN Đinh Mlênh là một đoàn viên tiêu biểu của Nông trường Bờ Ngoong – Cao su Mang Yang với nhiều cách làm hay trong phát triển kinh tế gia đình như mua máy xay xát về xay lúa cho bà con trong làng khỏi phải đi xa, khỏi phải giã bằng cối, tích cực vận động thanh niên đi làm CN cao su để thoát nghèo, giúp thanh niên không còn uống rượu quậy phá hàng đêm ở làng Klah…

Đến nay, việc sử dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đang được lãnh đạo các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên hết sức quan tâm, bởi những yếu tố thuận lợi mà lực lượng lao động này mang lại như được miễn thuế sử dụng đất, được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, sử dụng lao động tại chỗ với tỷ lệ cao còn giúp doanh nghiệp giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, tạo công ăn việc làm cho dân làng, góp phần quan trọng cùng địa phương từng bước đưa đời sống của bà con, kinh tế của địa phương thoát nghèo bền vững.

VĂN VĨNH