CSVN – Khi có người hỏi năm nay được bao nhiêu cái tuổi?, chị Siu HBấp, một công nhân người dân tộc Ja T Ia HLốp, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê cười: “Mình được 40 mùa rẫy rồi”. Bốn mươi mùa rẫy, theo cách nói của người dân tộc tức 40 tuổi đấy. Sinh năm 1975, tròn 40 tuổi nhưng trông chị vẫn còn trẻ khỏe lắm.
Ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, tất nhiên Siu HBấp chẳng hiểu gì về thời cuộc, cứ thế mà lớn lên, cùng gia đình trôi theo kiếp du canh du cư. Cho đến năm 2005 chị vào làm công nhân cao su thì cuộc sống mới dần ổn định, rồi thì… bắt cái chồng, rồi thì từ từ có thêm… hai “cục”!
Nghe sơ nét về chị như vậy, tôi liền hỏi vui: “Sao lại chỉ có hai “cục”, người dân tộc mình phải con đàn cháu đống theo ý nguyện của thần núi thần rừng mới ngon chớ!”. “Không “ngon” đâu”, Siu HBấp ngăn tôi lại rồi nói tiếp: “Mình nghe theo lời cán bộ đi kế hoạch vì thấy nó đúng, chứ đẻ nhiều mà không nuôi nổi để con ốm đói bệnh tật thì tội nghiệp lắm”.
Ở Tây Nguyên, nơi mà cổ tục “sinh nhiều con cho Thần núi Thần rừng” vẫn còn hiện diện thì có được suy nghĩ như Siu HBấp là rất quý. Không chỉ vậy, chị còn là một thợ giỏi luôn có năng suất cao mà kỹ thuật cũng tốt. Chị cười: “Cây cao su nó nuôi mình mà, mình phải quý nó, không làm nó đau mới đúng chứ”. Những tháng cuối năm thường chị cạo được đến 100 lít mủ/ngày, nhiều đấy nhưng rất ít khi phạm lỗi gây “đau” cho cây.
Để có được điều này là một sự tích cực học hỏi, học ở cán bộ kỹ thuật, ở bạn bè đồng nghiệp, và luyện tay dao thường xuyên. Xong việc nông trường, về đến nhà chị lo cho chồng con rất tốt, hai đứa con được nuôi ăn học tử tế, trông chúng sáng sủa lắm chứ chẳng hề lam lũ như thời thơ ấu của chị.
Tiến bộ và lao động hiệu quả như vậy nên từ năm 2009 đến nay, Siu HBấp liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp công ty, được tặng nhiều bằng khen các cấp. Tại Lễ trao giải thưởng “Nữ CNVCLĐ xuất sắc Ngành Cao su lần I – 2015 và Sơ kết 5 năm phong trào thi đua “Giỏi việc nước đảm việc nhà” lần V (2010 – 2015) vừa được tổ chức tại TP. Vũng Tàu ngày 8/3/2015 vừa qua; chị là đại biểu nữ người dân tộc duy nhất của Cao su Chư Sê về dự.
Gặp chị trong những ngày này, tôi chúc mừng thành tích của chị rồi hỏi vui: “Lần đầu được đi Vũng Tàu, thế tắm biển có “đã” không?” thì chị lắc đầu nguầy nguậy: “Mình ra biển thấy nó lớn quá, sóng đánh dữ quá nên không dám xuống tắm, vì hồi nào tới giờ chỉ quen tắm ở cái suối nhỏ trong !”.
Tuyên Cường
Related posts:
- Kinh tế khá nhờ làm công nhân cao su
- "Vai trò của công đoàn thể hiện rõ nét nhất trong lúc khó khăn"
- Nhà truyền thống công nhân cao su: Nơi tái hiện và lưu giữ lịch sử ngành cao su
- Chuyện nghề bảo vệ cao su
- Dòng chảy của đời người
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su
- Một lòng theo nghiệp cao su
- Công nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của ngành cao su
- Bùi Quốc Hùng: Gương điển hình từ sức trẻ
- Hội thi "Bàn tay vàng" là Festival đặc biệt của ngành cao su