Thế hệ trẻ sẽ đưa ngành cao su lớn mạnh hơn

CSVN – Khi hỏi tôi có suy nghĩ và cảm nhận như thế nào về lịch sử, truyền thống 85 năm của ngành cao su Việt Nam? Nếu chỉ gói gọn trong 2.000 từ để nói lên hết suy nghĩ và cảm xúc của mình thì đó quả là điều không dễ.
Tái hiện hình ảnh đấu tranh của công nhân đồn điền cao su tại Cuộc thi tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành cao su. Ảnh: Tùng Châu
Tái hiện hình ảnh đấu tranh của công nhân đồn điền cao su tại Cuộc thi tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành cao su. Ảnh: Tùng Châu

Là một cán bộ hưu trí với tuổi đời 65 tuổi, trước đây tôi đã từng có thâm niên công tác trong ngành cao su 27 năm (từ năm 1982 đến hết tháng 5/2009), tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Về hưu tính đến thời điểm này đã tròn 5 năm, tuổi già hàng ngày tôi làm bạn với con, với cháu, mọi ký ức về một thời tham gia kháng chiến chống Mỹ và công tác trong ngành giáo dục, rồi đến ngành cao su đã lùi dần vào tiềm thức.

Cho đến khi, đứa con gái út đi làm về, hỏi tôi: “Ba ơi, ba có suy nghĩ và cảm nhận gì về lịch sử, truyền thống của ngành cao su Việt Nam khi ngành chuẩn bị kỷ niệm tròn 85 năm?” và con gái đưa cho tôi bản thể lệ tham gia cuộc thi viết cảm nhận về lịch sử, truyền thống 85 năm của ngành cao su Việt Nam thì mọi cảm xúc trong tôi lại ùa về, hình ảnh thân thương của những người khơi dòng nhựa trắng và rừng cao su bạt ngàn hiện ra trong trí nhớ, nhiều cảm xúc lẫn lộn trong tôi về một thời đã qua. Thế là, tôi đặt bút viết vài dòng cảm nhận.

Lịch sử truyền thống của ngành cao su Việt Nam tuy có bề dài không bằng bề dài hàng nghìn năm của lịch sử dân tộc Việt Nam nhưng đó lại là “cái nôi” hình thành nên giai cấp công nhân Việt Nam – giai cấp quyết định cho vận mệnh của dân tộc Việt. Như lời giáo sư, nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu nhận xét: Đội ngũ công nhân cao su là một thành phần quan trọng trong giai cấp công nhân Việt Nam; phong trào công nhân cao su thuộc loại sớm nhất, kịch liệt nhất, được thế giới biết đến nhiều nhất; công nhân cao su là gạch nối giữa công nhân công nghiệp và nông dân, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng liên minh Công – Nông, một nhân tố thắng lợi trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.

Nếu tính từ khi hạt cao su theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam đến nay đã hơn một thế kỷ đi qua (năm 1897) với nhiều thăng trầm biến đổi của lịch sử, của đời sống xã hội cả dân tộc. Với ngành cao su, sự thay đổi cơ bản nhất đó là từ thân phận kẻ làm thuê nhọc nhằn, gian khổ, lớp lớp công nhân đã vùng lên đấu tranh chống áp bức, thoát khỏi cảnh “địa ngục trần gian” rồi hòa vào dòng lịch sử để tự giải phóng và trở thành người làm chủ vận mệnh của mình.

Trong dòng thời gian ấy, có một cột mốc đã trở thành nét son lịch sử và là tiền đề hình thành nên ngày Truyền thống ngành Cao su Việt Nam: Đó là sự kiện đêm 28/10/1929 bên bờ con suối nhỏ trong khu rừng sau lưng Làng 3 của đồn điền cao su Phú Riềng, thuộc địa bàn xã Thuận Lợi (nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam bộ mang tên “Phú Riềng Đỏ” đã được thành lập dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự. Chi bộ gồm 6 thành viên (Nguyễn Xuân Cừ, Trần Tử Bình, Phan Thu Hồng, Tạ, Hòa và Doanh), do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (tức Vĩnh) làm Bí thư.

Sau đó các Nghiệp đoàn và Công hội cũng đã lần lượt hình thành. Chất và lượng phong trào đấu tranh của công nhân cao su đã có sự chuyển biến, đi đến đỉnh cao là cuộc biểu tình của hơn 5 ngàn công nhân đồn điền cao su Phú Riềng đòi quyền dân sinh, dân chủ, giết chết chủ Tây. Sự kiện này đã làm cho các ông chủ Tây phải từng bước nhượng bộ, chấp thuận các yêu sách của người lao động. Ngay sau cuộc đấu tranh thắng lợi đó, tiếng vang của Phú Riềng Đỏ lập tức lan tỏa đến những đồn điền cao su lân cận như: Dầu Tiếng, Quản Lợi, Lộc Ninh… đồng thời còn có sức ảnh hưởng và động viên to lớn đối với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động cả nước.

Và cũng kể từ đây, đội ngũ công nhân ngành cao su Việt Nam đã hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc. Sau 1954, phong trào đấu tranh của công nhân các đồn điền mạnh mẽ hơn, hoạt động cách mạng ở miền Đông có những bước tiến mới trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Có thể nói, trong hai cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc đánh đổ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các đồn điền cao su vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương cung cấp nhân tài – vật lực; vừa nuôi dưỡng, che giấu cán bộ… Trên mỗi chặng đường máu lửa ấy, nhiều tấm gương yêu nước tỏa sáng, nhiều công nhân cao su đã không tiếc máu xương cùng với quân dân miền Đông tạo nên bao chiến công anh dũng, tô thắm thêm trang sử vàng của vùng quê “miền Đông gian lao mà anh dũng”, góp phần xứng đáng làm nên chiến thắng 30 tháng 4, thống nhất Tổ quốc. Phú Riềng Đỏ mãi mãi là mốc son lịch sử trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.

Thế hệ trẻ công nhân cao su hôm nay sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống hào hùng.
Thế hệ trẻ công nhân cao su hôm nay sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống hào hùng.

Từ chiếc nôi “Phú Riềng Đỏ” đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương hy sinh kiên cường, đấu tranh bất khuất của các thế hệ công nhân cao su, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của ngành cao su Việt Nam. 85 năm đã đi qua, Phú Riềng Đỏ năm xưa đã trở thành mảnh đất lành với bạt ngàn cao su, đóng góp “vàng trắng” xây dựng và kiến tạo quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp.

Đã qua rồi cảnh “Kiếp phu đổ lắm máu đào/ Máu loang mặt đất, máu trào mủ cây/ Trần gian địa ngục là đây…”, ngày hôm nay dòng nhựa trắng đã chảy khắp dọc miền đất nước Việt Nam và vươn xa đến các nước bạn Lào, Campuchia. Sản phẩm “vàng trắng” đã có mặt trên khắp các thị trường châu Âu, châu Á, châu Mỹ đem phồn vinh cho người dân cao su và góp phần làm giàu thêm cho đất nước. Với tiềm năng mà dòng “vàng trắng” đem lại nên đã có hàng ngàn cán bộ, CNVC-LĐ không ngừng lao động, học tập, sáng tạo và nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến mủ cao su, họ vẫn đang ngày đêm hăng say lao động, sản xuất, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp CNH – HĐH đất nước.

Sau khi đất nước được độc lập, thống nhất (1975), nhớ lại những ngày đầu Đồn điền cao su Đất đỏ của chủ tư sản Pháp chính thức được chính quyền cách mạng tiếp quản và đổi tên thành Quốc doanh Cao su Quản Lợi (đến năm 1981 được đổi tên thành Công ty Cao su Bình Long) còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về người và của, thì giờ đây thế chỗ cho những đau thương về đồn điền cao su “phơi xương trắng” năm nào, nay là bạt ngàn rừng cao su gió hát. Thay vào hình ảnh hoang tàn, đổ nát, già cỗi vì đạn bom vùi dập nay là màu xanh trải dài ngút ngàn, tươi tốt.

27 năm công tác tại Công ty Cao su Bình Long tôi luôn nỗ lực, phấn đấu, cùng với Ban lãnh đạo công ty và đội ngũ cán bộ, CNVC-LĐ qua các thời kỳ để đưa Công ty Cao su Bình Long (nay là Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long) phát triển vững mạnh toàn diện, xứng đáng là một trong số những đơn vị trực thuộc VRG vinh dự hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Mảnh đất “Phú Riềng đỏ” thấm đẫm máu xương lịch sử năm xưa, giờ đây lại cũng chính là nơi làm nên kỳ tích của thời đại. Trên những vùng đất được gọi tên theo màu của chúng: Đất nâu và Đất đỏ – cái nôi nuôi dưỡng tốt nhất cho cây cao su, từ những đồn điền nhỏ lẻ xuất phát điểm từ mấy chục năm trước, miền Đông Nam bộ bây giờ trở thành thủ phủ cao su, với rất nhiều công ty từ quốc doanh cao su đến công ty cổ phần cao su anh hùng. Dưới sự dìu dắt của Tập đoàn (Công ty mẹ), công ty nào cũng có vài ngàn cán bộ công nhân, với mấy chục nông trường thành viên, bạt ngàn rừng cao su cung cấp nguồn nguyên liệu mủ – latex quý giá cho sản xuất cao su tự nhiên.

Với nhiều thành tích đạt được trên các mặt sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, CNVC-LĐ, quốc phòng an ninh được giữ vững. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ… Vào ngày 08/4/2012, VRG được đón nhận Huân chương Sao Vàng, đó là phần thưởng cao quý nhất mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng. Sự kiện này không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của toàn thể cán bộ, CNVC-LĐ ngành cao su mà còn khẳng định vai trò, vị trí và sự đóng góp lớn lao của VRG trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Hiện nay, ngành cao su đang đứng trước khó khăn do giá bán giảm mạnh, thị trường tiêu thụ có nhiều biến động. Mặc dù vậy, đội ngũ cán bộ, CNVC-LĐ ngành cao su vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự dẫn dắt của Ban lãnh đạo VRG, không ngừng nỗ lực phấn đấu để khắc phục mọi khó khăn, đưa ngành cao su phát triển lớn mạnh và bền vững, ngang tầm với thời đại, xứng đáng với truyền thống “Phú Riềng đỏ” anh hùng, xứng đáng với sự hy sinh của bao lớp thế hệ cha anh đã dày công vun đắp, xây dựng. Tinh thần “Phú Riềng đỏ” với lập trường kiên định một lòng đi theo con đường Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn là xây dựng thành công CNXH tại Việt Nam. Truyền thống oai hùng đó sẽ là động lực, luôn luôn hun đúc và mãi mãi được các lớp thế hệ công nhân ngành cao su ngày nay noi theo.

Tôi tin rằng, thế hệ trẻ công nhân cao su Việt Nam hôm nay, trong đó có các con của tôi tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống hào hùng của các thế hệ cha, ông qua các thời kỳ để đưa ngành cao su phát triển lớn mạnh, bền vững. Có thể, những suy nghĩ và cảm xúc của tôi trên đây chưa thể ghi nhận hết được lịch sử truyền thống vẻ vang của ngành cao su Việt Nam, có thể do khống chế về số lượng từ ngữ, nên xin phép cho tôi được giữ lại một góc trong tâm trí của mình để tri ân thế hệ cha, anh ngành cao su đã ngã xuống cho thế hệ mai sau.

Trần Minh Phước