27 năm làm đội trưởng

CSVN – Là một trong số những thanh niên đầu tiên vào vùng đất Chư Prông khai hoang, phát triển cao su, ông Nguyễn Mạnh Tường đã có thâm niên 31 năm trong ngành cao su, trong đó có đến 27 năm trên cương vị đội trưởng
Nghỉ hưu nhưng ông vẫn hăng hái làm kinh tế gia đình
Nghỉ hưu nhưng ông Nguyễn Mạnh Tường vẫn hăng hái làm kinh tế gia đình

Càng ấn tượng hơn khi gia đình ông có 8 người con hiện đang công tác trong lĩnh vực cao su. Nghỉ hưu năm 2007, ông cho hay: “Đến nay, mỗi sự kiện trong đời làm cao su của tôi là một thước phim sống động, lưu trữ mãi không phai”. Điều đó không sai khi ông có thể nhớ từng ngày, từng giờ quãng đời làm cao su của mình.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Lý Nhân – tỉnh Hà Nam, năm 1976 theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước với sức trẻ tuổi 20, ông cùng 3.000 thanh niên nam nữ khoác ba lô đi xây dựng cuộc sống mới tại Chư Prông. Ngẫm về ngày đầu đến vùng đất mới, ông cho biết: “2 năm đầu tiên vào đây chỉ lo khai hoang, tập trung phát triển nguồn lương thực, thực phẩm để tự cung tự cấp cho mọi người. Ngày đó, đi khai hoang kinh khủng lắm không như bây giờ, trên đầu thì còn đầy bom bướm của Mỹ ngụy thả xuống vướng trên cành cây, dưới đất thì đủ loại bom mìn. Cuộc sống bấy giờ khổ và đói lắm, nhiều khi phải cố húp cho hết bát canh để no bụng, ấy vậy mà lại nhiều chiến sỹ thi đua”.

Với sự chăm chỉ, siêng năng nên 2 năm sau ông được lãnh đạo Nông trường Cao su Chư Prông cho đi học nghiệp vụ công đoàn, rồi về làm Thư ký Công đoàn. Ông bắt đầu gắn bó với công việc đội trưởng từ năm 1980 cho đến ngày nghỉ hưu.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Chia sẻ về những năm tháng làm đội trưởng, ông nói: “Suốt 27 năm tôi được luân chuyển qua nhiều đội, trong đó đội công tác lâu nhất là Đội 7 của Nông trường Đoàn Kết với 17 năm, đội cuối cùng trước khi nghỉ hưu là Đội 21 của Nông trường Thanh Bình cũng được gần 10 năm. Ngày ấy tính hỗ trợ nhau trong công việc rất cao và rất hăng hái trong lao động sản xuất”.[/stextbox]

Nói đến ông Nguyễn Mạnh Tường, từ những người cùng trang lứa cho đến những thế hệ sau này đang làm việc ở cao su đều thể hiện sự ngưỡng mộ, bởi suốt thời gian công tác ông đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người, ông như một tấm gương sáng cho lớp trẻ học tập và noi theo. Chính vì thế, dù đã nghỉ hưu nhưng công ty vẫn mời ông làm tổ trưởng của Tiểu ban liên lạc hưu trí cơ quan. Hiện nay, mỗi khi có thời gian ông và những người trong Tiểu ban liên lạc hưu trí vẫn ngồi lại với nhau, cùng nhau ôn lại truyền thống của ngày đầu đi trồng cao su, đồng thời trao đổi với nhau về cách thức giáo dục truyền thống cho con cháu.

Tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông Tường hết sức quan tâm đến giáo dục truyền thống, ông thường nhắc nhở con cháu không được quên và lơ là công tác giáo dục truyền thống cho mọi người, bởi đây là phần hết sức quan trọng, một phần lịch sử hào hùng của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông hôm nay. Ông vui mừng khi biết ngành cao su ngày càng phát triển, mạnh mẽ và quy mô diện tích ngày càng nhiều.

Ông bày tỏ: “Ngày chúng tôi làm, năng suất vườn cây tương đối thấp bởi giống chưa tốt, kỹ thuật khai thác cao su chưa giỏi lại ít áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nay công ty áp dụng nhiều tiến bộ mới, vườn cây năng suất cao tôi thấy rất phấn khởi bởi có năng suất cao thì thu nhập người lao động mới cao, từ đó người công nhân mới có cuộc sống tốt đẹp hơn. Với tôi ngành cao su, cây cao su chính là nền tảng của gia đình, do vậy không có gì vui hơn khi ngành cao su ngày một lớn mạnh”.

Bài, ảnh: Gia Linh