Áo xanh vùng cao

CSVN – Ngược dòng sông Đà huyền thoại, một ngày cuối thu vàng nắng, con đường dẫn vào xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ hai bên là những vạt đồi cao su xanh ngút mắt. Trên nền mây trắng lững lờ, bầu trời trong xanh như ánh mắt thiếu nữ đang độ xuân thì. Trời Tây Bắc đẹp đến nao lòng. Chị Điêu Thị Hoài, dân tộc Thái, sinh năm 1984, là công nhân, cũng là Tổ trưởng Tổ bốc mủ Nông trường Nậm Na vừa bốc mủ lên xe vừa chào tôi bằng nụ cười vui vẻ. Đã gắn bó 12 năm nay kể từ ngày Công ty CP Cao su Lai Châu II thành lập (30/9/2009), chị là một gương mặt tiêu biểu cho lòng kiên trì, sự chịu khó, tinh thần nhiệt huyết và một niềm tin son sắt với cây cao su không bao giờ lay chuyển.

Chị Điêu Thị Hoài đang hoàn thành những nhát cạo cuối trong ngày.

Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh những vườn cao su vừa cho mủ năm thứ 4, chị tâm sự: “Ngày ấy, mới đưa vào trồng, bà con không biết cây cao su là gì nên còn e ngại lắm. Mọi người không tin cây cao su sẽ làm cho cuộc sống của mình khá lên. Nhưng nhờ sự vận động, tuyên truyền nhiệt tình của cán bộ cao su, của trưởng bản nên mọi người cũng muốn làm thử xem sao. Lúc đầu chỉ nhận làm công san băng, đào hố, trồng cây. Nhưng sau đó thấy làm công mà cũng có tiền, mỗi ngày chăm chỉ cũng được 300 – 400 nghìn đồng. Từ trước tới giờ mình chỉ trồng cây lúa, cây sắn trên nương không đủ ăn, thiếu trước hụt sau. Giờ lại làm được nhiều tiền vậy nên mình rất vui mừng và phấn khởi”. Thoáng cái đã 12 năm từ ngày cây cao su bén rễ, nay chị đã trở thành một công nhân cốt cán, có trình độ tay nghề cao và hiểu biết rất rõ về cây cao su. Chị đã chăm sóc, yêu quý cây cao su như chính người thân của mình vậy.

Bằng chứng là trong 7 ha mà vợ chồng chị nhận thì chị có thể nhớ được bao nhiêu cây, vị trí cây nào to khỏe cho mủ nhiều, cây nào chưa khỏe cho mủ ít cần phải chăm sóc tốt hơn. Vườn cây của chị khi nào cũng dẫn đầu về năng suất và sản lượng mủ, hoàn thành vượt chỉ tiêu của nông trường đưa ra. Với chị, mỗi ngày được lên vườn, ngắm cây, nhìn dòng nhựa trắng tuôn chảy là bao nhiêu niềm vui dâng trào. Cuộc sống của chị cứ ngỡ sẽ không bao giờ thoát khỏi tháng ngày quanh quẩn bên những nương lúa, nương sắn, của cái đói, cái nghèo đeo đẳng bao đời nay. Ấy vậy mà giờ đây, từ khi trở thành công nhân cao su, cuộc sống chị đã đổi thay đáng kể. Thu nhập hai vợ chồng từ làm công nhân cao su hơn 5 triệu đồng/tháng/người. Một số tiền không nhỏ so với mức sống của đồng bào nơi đây. Ngoài làm công nhân cao su, với số vốn tiết kiệm được từ tiền lương công nhân của hai vợ chồng, chị mạnh dạn đầu tư mua con giống chăn nuôi thêm gà, vịt và dê. Mỗi năm cho thu nhập gần 50 triệu đồng. Chị còn làm thêm nương lúa, mỗi năm cho thu hoạch hai vụ 15 đến 20 bao, đảm bảo một phần lương thực cho gia đình, chăn nuôi…

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang vừa hoàn thành, chị không giấu khỏi niềm vui và xúc động. Cuộc đời của chị, trải qua bao khó khăn, vất vả, chưa bao giờ chị dám mơ về cuộc sống như lúc này đây. Chỉ riêng việc biết mình được đóng bảo hiểm xã hội hơn 10 năm nay, khi về hưu, không làm công nhân nữa vẫn sẽ có lương hưu là lòng chị đã rưng rưng và tràn đầy niềm vui…

Chị biết ơn cây cao su, biết ơn người đã gieo mầm xanh, ươm niềm tin và hy vọng cho gia đình chị cũng như bao đồng bào người Thái, người Mông nơi mảnh đất biên cương Tây Bắc xa xôi này. Chị kể về những tháng ngày đến với cây cao su với bao niềm xúc động, ước chừng như có thể đem hết ruột gan ra để bày tỏ khiến chúng tôi cũng bùi ngùi và rưng rưng. Không chỉ là một người công nhân luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, chị còn là tấm gương sáng trong việc nuôi dạy con ngoan, giữ gìn hạnh phúc gia đình êm ấm. Hai con nhỏ của chị năm nào cũng đạt danh hiệu Học sinh giỏi, chăm ngoan và hiếu thảo với cha mẹ. Con đầu của chị sau khi tốt nghiệp lớp 12 cũng đã xin vào làm công nhân cao su, nhận vườn cây chăm sóc, cạo mủ, có cuộc sống ổn định. Ở chị, dù trong hoàn cảnh nào cũng toát lên sự nhiệt tình và tinh thần vượt khó. Trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của hội phụ nữ bản, xã, của công ty tổ chức, khi nào chị cũng mạnh dạn xung phong tham gia. Với chị, tham gia hoạt động tập thể giúp chị năng động hơn, hiểu biết hơn, từ đó nhận thức cũng ngày càng cao hơn.

Chị Lò Thị Thân, công nhân Nông trường Nậm Na kể lại với lòng biết ơn chân thành: “Ngày ấy có người cho rằng không nên làm công nhân cao su vì khi mình chăm sóc vườn cây lên xanh tốt, đến khi cho mủ thì công ty sẽ không cho mình cạo mủ mà sẽ thuê người dưới xuôi lên để thay mình. Lời đồn cùng với sự hiểu biết còn hạn chế của bà con đồng bào nơi đây làm cho ai cũng tin là thật. Nhiều người chán nản, bỏ bê không muốn làm. Nhưng nhờ chị Hoài gần gũi tuyên truyền nên mọi người mới hết băn khoăn và hoàn toàn tin tưởng vào cây cao su. Cũng có một số ít vì không giữ được lòng kiên định nên đã bỏ vườn cây trở về bản mặc dù đã theo đến năm thứ tư. Để giờ đây, nhìn cây cho mủ, tiền lương khá tốt, sự quan tâm chăm lo đời sống công nhân rất chu đáo… của Công đoàn công ty mà họ chỉ biết đứt ruột tiếc nuối…”.

Anh Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Nông trường Nậm Na cũng không ngớt lời khen ngợi: “Chị Hoài là một trong những công nhân tiêu biểu của đơn vị. Nhiệt tình, năng động, sáng tạo, không ngại khó. Đặc biệt chị có một niềm tin mãnh liệt vào cây cao su, chính điều đó đã lan tỏa niềm tin và động lực cho các công nhân khác gắn bó và hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Trời Lai Châu cuối tháng mười càng về chiều sương giăng đầy ngõ. Chúng tôi cũng như cuốn vào câu chuyện của chị mà không để ý đến sự thay đổi của đất trời. Rót nước mời khách với nụ cười đôn hậu, chị kể tiếp về một thời tuổi trẻ, sôi nổi cùng cây cao su. Hồi đó mới nhận vườn, sự chịu khó và nhanh nhẹn của chị thì đàn ông con trai cũng phải nể vài phần. Phân bón chị có thể gùi trên lưng bao 50kg, cây thì 15 bầu, mỗi bầu 3kg trong những ngày đường mưa trơn trượt đi nhẹ như gió lướt trên những vạt đồi cao su, kể cả những vườn có địa hình khó khăn. Ở đâu trồng mới cho kịp tiến độ ở đó có chị, ở đâu cần phát thực bì chăm sóc cây kịp thời chị là người xung phong. Đất Mường Tè xa xôi hơn trăm km đường Tây Bắc cần nhân lực san băng đào hố, trồng mới, chăm sóc, chị huy động anh chị em trong tổ không ngại khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Ăn rừng, ngủ lán, cơm đùm, áo gói. Với chị, làm là trách nhiệm, hết mình, bởi niềm tin và hy vọng của chị vào cây cao su không bao giờ lay chuyển.

Text Box: TRANG TIN COÂNG ÑOAØNNghe câu chuyện của chị tôi chợt nhớ đến những câu thơ miêu tả rất thực và sinh động về người nữ công nhân cao su Lai Châu 2 trong bài thơ “Áo xanh vùng cao” của anh Nguyễn Xuân Cảm được đăng trên Tạp chí Cao su: “Nắng đầu mùa hong vàng đá núi/ Rét giêng hai bầm tím ngọn mồng tơi/ Rời bản làng khoác màu xanh áo mới/ Em ươm ước vọng đời mình xanh mầm lá cao su/ Sáng tinh mơ trời bảng lãng sương mù/ Em vượt dốc qua đường băng trồng dặm/ Chiều oi bức trời chang chang nắng/ Em phát quang làm cỏ cho cây/ Bàn tay em giấu nắng vào mây/ Hóa đá sỏi thành đất đai màu mỡ/ Câu chuyện cổ tích chỉ có trong sách vở/ Được em viết bằng lấm tấm mồ hôi…”.

Trời cũng đã nhá nhem tối, ánh điện sáng trưng làm cho ngôi nhà gỗ được phun sơn PU càng thêm bóng loáng. Trên một gian nhỏ của bức tường gỗ sạch đẹp, gần chục bằng khen, giấy khen được treo ngay ngắn, trang trọng. Cái cũ đã gần 10 năm, có phần ố vàng vì thời gian, cái mới nhất vào ngày 15/1/2021 do Chủ tịch Công đoàn CSVN trao tặng. Được gặp chị, nghe kể về chị, lòng thấy cảm phục và trân quý những người công nhân cao su nơi ven trời Tây Bắc này hơn! Bao nỗ lực, chịu khó, lòng kiên trì và niềm tin vững vàng đã có ngày hái quả ngọt. “Cao su bây giờ xanh um các vạt đồi/ Tương lai đón chờ khơi những dòng nhựa trắng/ Núi đồi chiều nay có bóng em thầm lặng/ Gieo ước mơ xanh thẳm một khoảng trời”. Những câu thơ được viết lâu lắm rồi như một tiên lượng và niềm tin son sắt với cây cao su.

Mầm xanh giờ đã vươn cao, nhựa trắng đã được khơi dòng, hạnh phúc đang rạng ngời và tươi vui, một khoảng trời xanh thắm được gieo từ những ước mơ tưởng chừng xa vời mà giờ đây đã trở thành sự thật! Đêm cuối thu trên Bản Chiềng Nưa yên bình, thanh vắng. Tôi đứng bên lan can của ngôi nhà sàn còn thơm mùi gỗ mới, lòng bồi hồi suy tưởng, trăng vằng vặc treo lơ lững trên những vạt đồi cao su xa mờ chìm trong sương khói, gió Tây Bắc phả vào khuôn mặt những yêu thương, dịu vợi, mát lạnh!…

Lai Châu, ngày 28/12/2021

LÊ THỊ MAI

(Cao su Lai Châu II – NT Nậm Na)