CSVN – Chưa biết cây cao su là gì nhưng chỉ sau vài năm, người công nhân đã quyết tâm gắn bó một lòng, xem cây cao su là cây lập nghiệp, đổi đời và nông trường là quê hương thứ hai.
Bao vất vả gian nan thuở ban đầu
Nhớ lại những ngày đầu vất vả khi mới bước chân vào làm cao su, anh La Văn Báo và chị Nông Thị Chi không khỏi chạnh lòng. Ngày đó, khi đang làm ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, qua một người bạn đang công tác tại NT Suối Cát thuộc Công ty CPCS Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), anh Báo quyết định đi tìm miền đất hứa.
Trước quyết định của chồng, chị Chi cũng ủng hộ nhưng trong lòng rất âu lo, không biết chồng đi làm việc gì, ở đâu, vì khi ấy với cả anh và chị đều không rõ cây cao su là cây gì, không hề hay biết về vùng đất mà công ty đang phát triển trồng cao su, điều kiện sinh sống và ăn học các con ở đó sẽ như thế nào …, bao nhiêu câu hỏi cứ đặt ra nhưng anh chị không sao trả lời được.
Thế rồi, anh cũng vào đến được NT Suối Cát. Đó là vào năm 2012, đường sá đi lại nơi này rất khó khăn gian khổ, đặc biệt là trong mùa mưa, lương thực và các điều kiện phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống còn thiếu thốn nhiều … . Khi mới vào làm công nhân, anh Báo chưa có tí kiến thức nào về cây cao su, phải làm theo hướng dẫn của tổ trưởng và cán bộ NT, khâu nào chưa biết thì hỏi, khi đã quen thì làm nhanh hơn để thu nhập nhiều hơn.
Giai đoạn này NT đang trồng mới và chăm sóc vườn cây KTCB, khối lượng công việc rất nhiều, anh Báo lại là người ham việc nên tuy mới nhưng anh là người được tổ trưởng giao việc nhiều nhất vì chất lượng công việc cao nhất. Chưa có nhiệm vụ nào tổ trưởng giao mà anh Báo phải sửa lại, theo anh thì phải làm cho thật đúng theo quy trình kỹ thuật để không phải làm lại mất thời gian và ảnh hưởng đến tiền lương, thế là anh chỉ có làm và làm.
Xem nông trường là quê hương thứ hai
Sau 1 năm làm cao su, thấy thu nhập có thể đảm bảo cho gia đình có cuộc sống ấm no, anh quyết định chuyển vợ con lên cùng sinh sống tại NT Suối Cát, đồng thời cũng xin cho vợ vào làm CN. Hai vợ chồng nhận thêm vườn KTCB để chăm sóc nhằm tăng thu nhập. NT lại tạo điều kiện cấp đất làm nhà ở và giúp cho các con đi học đàng hoàng, tình cảm của CBCNV trong NT luôn gắn bó, giúp đỡ nhau nên 2 vợ chồng anh chị xem như là quê hương thứ hai của mình. Làm quen với cây cao su từ khi trồng mới, chăm sóc và nay 2 vợ chồng đã là CN khai thác.
Tình yêu dành cho cây cao su của cả 2 vợ chồng lớn dần theo năm tháng, bởi theo anh chị thì chính cây cao su đã cho mình cuộc sống mới nơi vùng biên giới, nơi mà anh chị đã xác định sẽ sống và lập nghiệp tại đây. Vì vậy khi khai thác, anh chị luôn là những người đi đầu trong thực hiện quy trình kỹ thuật, chế độ cạo, thời gian cạo, chăm vườn cây như vườn nhà của mình…
Dù là năm đầu làm CN khai thác nhưng khả năng vượt kế hoạch sản lượng của 2 vợ chồng rất cao. Anh chị cho biết dù mức lương hiện tại không cao do giá cao su tiêu thụ thấp, nhưng vợ chồng vẫn bám trụ, sẽ không rời bỏ nghề, bởi một lẽ đơn giản đó là tình yêu với cây cao su và một cuộc sống đầy đủ khi vào làm CN đã tiếp thêm nghị lực cho anh chị vững bước tin hơn trong cuộc sống. Anh chị tin là giá sẽ sớm tăng trở lại để CN cao su bớt vất vả, cùng góp phần xây dựng đơn vị giàu mạnh nơi vùng biên giới.
Không chỉ là CN giỏi ngoài vườn cây, anh chị còn rất tích cực làm kinh tế phụ, để tăng thu nhập cho gia đình, lo cho 2 con được học hành đầy đủ. Hiện nay, ngoài dụng cụ phục vụ sản xuất như máy cắt cỏ, máy phun thuốc, anh chị đã đầu tư trồng 2ha mỳ, 2 ao nuôi cá, chăn nuôi hơn 100 con gà, vịt cung cấp tận nơi cho khách có nhu cầu, nuôi được 3 con bò thì có 2 con sắp sinh sản.
Ánh Ngọc
Related posts:
- Vững một niềm tin
- "Giải thưởng hôm nay là cả quá trình tôi tích cực rèn luyện"
- Đầm ấm buổi họp mặt cán bộ hưu trí đầu Xuân
- Phạm Thị Liên - "Con người đẹp nhất"
- Vinh dự, tự hào khi đạt giải nhất Hội thi
- Các đồn điền cao su ra đời
- Những tháng ngày không quên
- Mãi mãi niềm tin yêu đong đầy
- Hội thi "Bàn tay vàng" là Festival đặc biệt của ngành cao su
- Công nhân nuôi gà ta tăng thu nhập