Tào Văn Sòn – Người tâm huyết với cây cao su

CSVN – Từ khi chủ trương tỉnh Lai Châu phối hợp VRG đưa cây cao su vào trồng tại vùng thấp huyện Sìn Hồ, anh Tao Văn Sòn ở bản Nậm Ngặp 1, xã Nậm Tăm đã gắn bó hơn 7 năm làm CN NT Nậm Tăm (Công ty CPCS Lai Châu). Nhờ cây cao su, bản thân anh và gia đình có thêm việc làm, tăng thu nhập từ việc quản lý, chăm sóc 7ha cao su.
Anh Tào Văn Sòn cùng vợ chăm sóc cây cao su.
Anh Tào Văn Sòn cùng vợ chăm sóc cây cao su.

Chúng tôi gặp anh Sòn khi vợ chồng anh đang cần mẫn chăm sóc vườn cao su khi phát dọn thực bì phòng chống cháy rừng, cắt tỉa cành lá, bón phân theo đúng quy trình. Lau vội giọt mồ hôi, anh Sòn tâm sự: “Khi tham gia chăm sóc vườn cây cao su, ngoài việc có thêm thu nhập từ lương tôi còn được học hỏi thêm được kỹ năng trồng, chăm sóc loại cây này. Ngoài ra, cây cao su còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn, tương lai sẽ cho dòng mủ trắng giúp người dân nơi tái định cư xóa đói giảm nghèo bền vững. Làm cao su tuy có vất vả nhưng cho thu nhập ổn định, chúng tôi cũng yên tâm. Vừa qua, công ty cho đi tập huấn kỹ thuật cạo mủ để chuẩn bị khai thác dòng mủ trắng đầu tiên, nên anh em công nhân rất vui”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, năm 2008 bản Nậm Ngặp di dân lên bản tái định cư Nậm Ngặp 1, xã Nậm Tăm. Ở nơi ở mới nhiều người dân cũng như gia đình anh Sòn không biết làm thế nào để kiếm tiền trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Biết Công ty CPCS Lai Châu tuyển dụng CN, anh đã đăng ký vào làm và được giao quản lý, chăm sóc 7ha. Khi công ty tuyển vào làm CN tại NT Nậm Tăm, lúc đầu anh cũng lo bởi từ trước tới giờ chỉ biết trồng ngô, trồng lúa, chưa bao giờ trồng cây cao su. Với bản chất cần cù, chịu khó và sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật nông trường nên anh đã thành thạo công việc từ đóng bầu, gieo ươm, tưới, chăm sóc đảm bảo theo quy trình kỹ thuật.

Anh Cà Văn Tem – Chủ tịch CĐ NT Nậm Tăm, nhận xét: “Anh Sòn là người chịu khó, tiếp thu kinh nghiệm chăm sóc cây cao su rất nhanh, vườn cây do anh quản lý luôn phát triển tươi tốt. Ngoài ra, anh còn tích cực vận động bà con trong vùng góp đất, làm CN cho công ty; thuyết phục người dân không chăn thả gia súc, phá hoại cao su”.

Ngoài lương bình quân từ 2,5-2,7 triệu đồng/tháng, mỗi khi ốm đau hay gia đình có việc nông trường luôn cử cán bộ CĐ xuống thăm hỏi, động viên, chia sẻ, giúp đỡ. Các chế độ chính sách lương, thưởng, đóng bảo hiểm đều được nông trường thực hiện đầy đủ, theo đúng quy định.

Sắp tới đây khi cây cao su đưa vào khai thác sẽ mở ra hướng mới trong bài toán giải quyết việc làm của người dân vùng tái định cư. Đây là cơ hội để người dân vùng thấp huyện Sìn Hồ nói riêng và bà con vùng Tây Bắc nói chung, có việc làm và thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Tùng Phương