Những cuộc đấu tranh tự phát

 

CSVN – Muốn chạy trốn thành công, anh em công nhân phải làm sao phá vỡ được âm mưu chia rẽ dân tộc bằng cách xây dựng tình thương yêu đoàn kết với bà con người Thượng, nhất là phải làm cho họ thấy được hai lớp người tuy cảnh ngộ có khác nhau nhưng đều là bạn, là anh em ruột thịt và đều có một kẻ thù chung là đế quốc thực dân Pháp. Chính trong quá trình đấu tranh tự phát chống bọn chủ tư bản đồn điền mà người công nhân cao su đã dần dần làm thất bại được âm mưu chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp và số công nhân chạy trốn và thoát được đã ngày càng gia tăng như bảng số liệu hàng năm (từ năm 1925 đến năm 1929) dưới đây cho thấy:

 (tiếp theo kỳ trước)

Thực dân Pháp tăng cường bắt công nhân cao su đi lính
Thực dân Pháp tăng cường bắt công nhân cao su đi lính

Vì số phu đồn điền bỏ trốn  ngày  càng nhiều, nên ngoài những biện pháp đã nói ở trên, vào năm 1927, thực dân Pháp đã phải thành lập “Sở những người kiểm soát lao động” (Service des controleurs detravail), có những quyền hạn đặc biệt để bắt lại những công nhân chạy trốn và cũng do đó mà những năm 1928, 1929, chúng có bắt được nhiều người bỏ trốn hơn những năm trước.

Tự tử: Đây cũng là hình thức phản kháng tự phát mang tính tiêu cực ở thời kỳ đầu. Do cuộc sống nô lệ đen tối và đầy bi thảm không lối thoát, không còn hy vọng tha thiết gì về tương lai, nhiều công nhân đồn điền cao su đã dùng cách tự sát để chấm dứt nỗi khổ ải của mình. Những người này nghĩ rằng: ở lại cũng chết vì thân tàn ma dại, chạy trốn cũng chết vì đủ mọi lý do. Đàng nào cũng chết, thôi thì tự mình hủy hoại mình còn hơn. Cũng có người tự sát vì bị ô nhục, tinh thần bị tổn thương, phẩm giá bị làm cho nhơ nhuốc. Những trường hợp tự tử như vậy không phải là ít ở các đồn điền cao su trong những ngày đầu chưa có ánh sáng cách mạng soi đường dẫn lối.

Nguyễn Mạnh Hồng, một công nhân cao su kỳ cựu từ năm 1930, nói về tình hình tự tử của phu đồn điền như sau:

“Tự sát thì nhiều vì con đường đánh Tây để về Bắc rất khó, nên người đau ốm chỉ giải quyết bằng tự sát: tự sát trong nhà, tự sát ở suối nước… Từ nhà ra rừng cao su, lúc nào cũng có mùi hôi thối của người tự sát treo cổ…” .

Trong hồi ký của mình, Trần Tử Bình cũng nói: “… công nhân thì quá cực đến nỗi có người ra rừng mượn sợi dây treo cổ lên cành cây cho thoát nợ…” . Nổi dậy chém Tây: Uất ức đến cùng cực, lại cảm thấy không còn con đường sống nào khác, một số công nhân cao su đã liều lĩnh chọn một hình thức phản ứng tự phát đặc biệt – vùng lên chém chết bọn Tây độc ác.

Tiêu biểu nhất trong trường hợp này là cuộc nổi dậy của 120 công nhân làng 2 đồn điền Phú Riềng chém chết tên Mông-tây (Monteil) thời tên chủ sở Tri- e (Triai) do anh Nguyễn Đình Tư cầm đầu, xảy ra vào tháng 10 năm 1927. Chứng kiến những cảnh công nhân bị đánh đập tàn nhẫn, những hành động dâm đãng của bọn xu, sếp, nhất là tên Mông-tây, anh Tư cùng những người đồng tâm với anh đã cắt huyết ăn thề sẽ trả thù bọn Tây tàn ác, mà đối tượng đầu tiên là tên Mông-tây khét tiếng ác ôn. Tên này thường đánh công nhân bằng lối bắt nằm sấp chổng chân lên rồi dùng roi đánh vào hai bàn chân cho đến khi tóe máu. Trong khi đánh, hắn không cho người bị đánh kêu la. Chỉ cần kêu “đau quá” là hắn xí xóa số roi đã đánh và đánh lại từ đầu. Đánh xong hắn còn bắt người đó phải lạy và hứa “Từ nay không dám ngang bướng nữa”. Ngoài ra hắn còn hãm hiếp chị em phụ nữ, cướp vợ người khác. Nếu ai có thái độ phản ứng, liền bị cúp phạt, đánh đập, hành hạ, phơi nắng. Do những tội ác “trời không dung, đất không tha” của hắn, anh chị em công nhân đồng lòng bắt hắn phải đền tội.

Thực dân Pháp thường xuyên kiêm tra trong vườn cao su
Thực dân Pháp thường xuyên kiêm tra trong vườn cao su

Thế là vào một buổi sáng điểm danh thường lệ, lợi dụng lúc tên này đang hạch sách, nạt nộ công nhân, anh Nguyễn Đình Tư đột ngột đứng lên vung cao lưỡi búa nguyệt đã mài bén bổ xuống người hắn. Tiếp theo là hàng loạt nhát búa chất chứa căm hờn của anh em làng 2 cùng lúc bổ tới tấp vào tên ác ôn. Bị tấn công bất ngờ và mặc dù đã bị thương nặng, hắn vẫn cố chạy về buồng riêng để lấy súng, nhưng mới tới cầu thang gỗ, hắn đã bị tới 9 nhát búa chém trúng toàn chỗ phạm. Và nhát búa cuối cùng đã bửa hẳn một nửa mặt của hắn. Những tên cai khác cũng bị anh em công nhân dùng dao, cuốc, rựa đuổi chạy tán loạn.

Cuộc nổi dậy đã đạt được mục tiêu đề ra: tên Mông-tây bị giết chết, nhưng liền đó anh em đã bị đàn áp khốc liệt. Tên Tri-e, chủ sở, đã huy động lính vây tròn tứ phía, bắt đi khoảng 4, 5 chục người, còn bản thân hắn thì tự tay giương súng bắn chết một số. Một số anh em chạy thoát được ra rừng nhưng họ lại bị bọn lính dùng người Thượng đuổi bắt chặt đầu đem về nộp lấy thưởng. Một số khác trúng đạn bị thương, bị lính lôi về, nhưng không được cứu chữa do lệnh chủ sở, cũng chết. Những người chết bị vùi xác luôn ngoài rừng, cả những người đang ngắc ngoải cũng bị chôn sống. Sở mật thám Biên Hòa đã tra tấn dã man tất cả số công nhân bị bắt nhằm tìm ra người chủ mưu. Riêng anh Nguyễn Đình Tư bị Tòa án Biên Hòa tuyên án tử hình cùng 2 người khác bị xử tù chung thân.

Sau vụ này, tên chủ nhất Tri-e càng khủng bố đàn áp công nhân dữ dội hơn. Không khí trong đồn điền càng ngột ngạt đến mức “đi lại không dám nhìn ngang”. Cuộc manh động này là do anh em công nhân chưa thấy được kẻ thù chính cần phải đánh đổ để tự giải phóng là toàn thể bọn chủ tư bản và bè lũ tay sai trong đồn điền, là chủ nghĩa thực dân Pháp đang nô dịch cả dân tộc, nên đã tự chuốc lấy hậu quả thảm khốc. Tuy nhiên cuộc nổi dậy này đã tạo ra tiếng vang rất lớn. Báo chí tiếng Việt, tiếng Pháp xuất bản tại Sài Gòn, đều đăng lại sự việc này.

CSVN

(Xem tiếp kỳ sau)

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)