Tận tâm với cây và đất

CSVN – Họ là những “bông hoa” trong “gia đình kỹ thuật cao su”. Những nữ cán bộ kỹ thuật tâm huyết, thời gian lặn lội trên vườn cây nhiều hơn ngồi bàn giấy. Hết giờ làm lại trở thành người vợ, người mẹ đảm đang.

Chị Nghê luôn theo dõi và bám sát số liệu về sản lượng khai thác để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong công tác chỉ đạo. Ảnh: Thế Trung

Với đặc thù ngành nông nghiệp thì cán bộ làm công tác kỹ thuật nông nghiệp dù là nam hay nữ đều không được “nửa vời”. Họ phải là những người tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề và phải chăm cây, hiểu cây, hiểu đất thì mới có “trái ngọt”. Nữ giới làm công tác này tuy có nhiều vất vả hơn nhưng không vì thế mà họ “chịu thua” phái nam về hiệu suất công việc và cả những tâm huyết với nghề.

Nghề chọn người

Ước mơ thuở học trò của chị Trần Thị Thanh Nghê – Phụ trách Phòng nông nghiệp, Công ty CPCS Tây Ninh là đỗ đạt vào trường y. Thế nhưng sau hai lần “lỡ nhịp”, chị chọn thi vào ngành cao su, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM. Là bạn học của rất nhiều anh chị đang công tác trong ngành, ra trường năm 1990, ngót nghét đến nay chị cũng công tác trong ngành hơn 30 năm.

Trò chuyện với chúng tôi, chị nói: “Để nói mà yêu nông nghiệp thì hồi đi học cũng chưa yêu chưa mê lắm đâu. Đến khi về làm tại đơn vị, tôi có 4 năm làm ở phòng KCS (Kiểm tra chất lượng sản phẩm), sau đó mới chuyển sang làm nông nghiệp. Cứ đi thực tế ngoài vườn cây rồi dần yêu nghề hồi nào không hay luôn. Tôi thiết nghĩ là nghề chọn tôi, công việc này có sự kết hợp hài hòa giữa công việc văn phòng và vừa được đi thực tế, gặp gỡ công nhân trực tiếp, về với thiên nhiên nên nghề này rất thú vị, cuốn hút”.

Công việc kỹ thuật vốn không “nương tay” với bất kỳ ai, kể cả phái nữ khi họ cũng phải thường xuyên đi kiểm tra vườn cây, thời tiết mưa nắng thất thường cũng không sá gì. Không những vậy, hàng năm chị còn có những chuyến công tác tại Campuchia để hỗ trợ anh em kỹ thuật tại Công ty CPCS Tây Ninh – Siêm Riệp, đơn vị trực thuộc của Cao su Tây Ninh.

Hình ảnh phụ nữ “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” dường như không còn xa lạ trong xã hội hiện nay. Với chị, chị luôn cảm thấy may mắn khi được ông xã hỗ trợ nhiệt tình nên trước những chuyến công tác chị không phải lo lắng cả nhà ăn gì, nấu nướng ra sao, vậy nên chị rất yên tâm để công tác tốt.

Dù cho vào khoảng thời gian cao điểm đang chạy nước rút, dù cho có những khi công việc trên vườn cây gặp chút trục trặc, lúc nào mọi người cũng thấy ở chị sự điềm đạm, bình tĩnh và xử lý tình huống mềm dẻo, khéo léo nhưng không kém phần quyết liệt để giải quyết êm xuôi mọi việc. Chị nói: “Xã hội ngày càng tiến bộ hơn nên tôi thấy nữ giới làm công tác kỹ thuật cũng không khó khăn gì đâu. Tôi nghĩ cứ yêu nghề và có nhiệt huyết là sẽ làm được. Tôi cho rằng nữ giới vẫn có nhiều lợi thế hơn trong công việc đó là sự linh động hơn nam giới, ví như nếu có vấn đề gì xảy ra căng thẳng, bất đồng quan điểm giữa các bên thì nữ giới có thể giải quyết ôn hòa và mang lại hiệu quả hơn”.

Chị Tâm (bên phải) thường đồng hành cùng người lao động trên vườn cây. Ảnh: Mạnh Phúc
Muốn gắn bó phải “yêu”

7 năm về trước, trong chuyến đi cơ sở chụp hình bìa báo Xuân năm 2016, chúng tôi có cơ hội gặp chị Lê Đắc Tâm – Tổ trưởng Tổ xây dựng cơ bản, Nông trường An Viễng, TCT Cao su Đồng Nai. Nay khi gặp lại, chị đã là Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của nông trường. Trước đây, trong gia đình chỉ có một mình mẹ theo nghề cạo mủ, còn chị là công nhân xí nghiệp. Thấy công việc của mẹ vất vả, chị xin nghỉ việc để về làm chân thợ phụ cho mẹ. Ngoài công việc trên phần cây của mẹ, chị còn nhận thêm phần cây chăm sóc để có thêm thu nhập.

Một năm sau mẹ nghỉ hưu, chị vào thế chân mẹ để tiếp nối làm công nhân cao su. Làm thợ cạo rồi thợ chăm sóc cây, với vị trí nào người ta cứ thấy cô gái trẻ cần mẫn, hết lòng với công việc. Không chỉ giỏi chuyên môn, chị còn là một “cây” văn nghệ có tiếng. Thấy được sự ham học hỏi, nỗ lực của chị, lãnh đạo đơn vị đã tạo điều kiện để chị theo học lớp trung cấp kỹ thuật cao su để nâng cao trình độ.

Chị lần lượt trải qua các vị trí của nhân viên định mức xây dựng cơ bản và kỹ thuật, tổ trưởng kỹ thuật và hiện nay là phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của nông trường. Trưởng thành từ công nhân cao su, nắm rõ quy trình kỹ thuật cây cao su, gắn bó với cây, hiểu được cây nên và trải qua nhiều thử thách trong quá trình công tác nên khi đảm nhận vị trí mới chị cũng không gặp nhiều khó khăn.

Chị chia sẻ: “Có khác chăng đó là làm cán bộ kỹ thuật cần thêm kỹ năng bao quát để đánh giá tình hình vườn cây và đi kiểm tra nhiều hơn, những giờ đi ra lô thường xuyên hơn”.

Chị có hai con còn nhỏ nên nhờ mẹ trông nom, giúp đỡ những khi đi sớm về trễ. Mẹ chị đã từng là công nhân cao su hiểu đặc thù công việc của con gái nên sẵn sàng hỗ trợ chăm sóc cháu. Về phần ông xã, chị hài hước: “Trong thời gian tìm hiểu thì ông xã chỉ quen với giờ giấc và công việc của công nhân cao su. Khi tôi chuyển từ trực tiếp sang bộ phận gián tiếp thì có những việc khác nữa. Tôi đi nhiều hơn nên thời gian đầu ông xã không hiểu cứ thắc mắc sao đi hoài. Do vậy, tôi tranh thủ những lúc ông xã rảnh rỗi để nhờ chở đi thực tế, nhất là những ngày công nhân tăng lát cạo. Đi mấy bữa về ông xã nói “tôi đến phục bà”. Và từ đó, ông xã hiểu cho công việc của tôi hơn”.

Chị tiếp lời: “Làm cán bộ kỹ thuật là một công việc đặc thù, nói là làm quản lý gián tiếp nhưng công việc phải luôn gắn với vườn cây. Nữ giới muốn gắn bó với công việc này bên cạnh việc nắm chắc quy trình kỹ thuật cây cao su, thường xuyên đi thực tế ở vườn cây để kịp thời tham mưu cho cấp trên thì cần phải có tình yêu nghề rất lớn và được gia đình ủng hộ cho công việc thì sẽ không gặp khó khăn gì”.

Không son phấn, váy áo lụa là nhưng ở chị Nghê, chị Tâm và nhiều chị em đang là cán bộ kỹ thuật ở các nông trường, đơn vị đều toát lên vẻ đẹp của tình yêu lao động, của nhiệt huyết vì nghề, vì cây cao su. Nét đẹp đó được nuôi dưỡng và lớn lên qua năm tháng bền bỉ. Có lẽ chính tình yêu với đất, với cây đã giúp các chị em vững vàng “chân cứng đá mềm”, góp sức dựng xây vườn cây có năng suất cao, chất lượng tốt.

QUỲNH MAI