Cần nhân rộng mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình

CSVN – Trong tình hình khó khăn hiện nay, để tạo thêm thu nhập cho công nhân cần nhân rộng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, bà Doãn Thị Hiền – nguyên Phó Chủ tịch CĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng chia sẻ.
 Bà Doãn Thị Hiền trao thưởng cho công nhân tại Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ công ty năm 2014
Bà Doãn Thị Hiền trao thưởng cho công nhân tại Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ công ty năm 2014
Cần nhân rộng những mô hình hay

Theo bà Hiền, nhiều năm qua, CTCS Dầu Tiếng đã có nhiều giải pháp giúp công nhân (CN) cải thiện đời sống gia đình. Trong đó, mô hình Quỹ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình trong nữ CNLĐ, có hiệu quả rất tốt. Nguồn quỹ này đã giúp đỡ rất nhiều gia đình CN cải thiện kinh tế gia đình, nhiều hộ còn vươn lên làm giàu từ nguồn vốn nhỏ ban đầu. “Quỹ hình thành từ đóng góp tình nguyện của chị em CN, nguồn vốn được sử dụng xoay vòng và không tính lãi. CN có nhu cầu sẽ được cấp vốn để phát triển kinh tế gia đình như chăn nuôi, mua cây giống, hay giải quyết những chuyện khó khăn đột xuất. Khi nghỉ hưu, số tiền đóng góp sẽ hoàn lại cho người góp vốn”, bà Hiền cho biết.

Mặc dù đã nghỉ hưu gần 1 năm nay nhưng bà Doãn Thị Hiền vẫn quan tâm theo dõi đến hoạt động Công đoàn (CĐ) và phong trào CNLĐ, nhất là trong giai đoạn khó khăn của ngành hiện tại. Khi còn công tác, với vai trò phó chủ tịch CĐ, phụ trách công tác nữ công, bà Hiền thường xuyên quan tâm đến hoạt động phong trào trong lao động nữ. Ngoài mô hình Quỹ xoay vòng phát triển kinh tế gia đình, trong nữ CNLĐ tại các đơn vị còn có những mô hình giúp đỡ nhau như: Phụ nữ giúp nhau về cây giống, con giống; Nuôi heo đất giúp chị em vượt khó; nhận đỡ đầu con em gia đình CN khó khăn…

“Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, để cải thiện thu nhập cho người CN, giúp họ an tâm làm việc, cần nhân rộng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế phụ. CĐ cơ sở nên đứng tổ chức, trích kinh phí, phát động phong trào tự tăng gia sản xuất ngay tại đơn vị và kêu gọi CN cùng tham gia. Bên cạnh cây hoa màu, cây lương thực ngắn ngày nên trồng thêm các loại cây dược liệu, cây nghệ, cây gừng để có giá trị kinh tế cao hơn”, bà Hiền góp ý.

Làm nữ công phải có tâm huyết và kiến thức

Trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng, bà Hiền tâm sự khi về hưu cảm thấy vui và nhẹ nhõm. Vui vì đã đóng góp một phần công sức của mình vào phong trào chung của đơn vị, nhất là hoạt động phong trào của nữ CNLĐ.

Vào những dịp đặc biệt như Quốc tế Phụ nữ (8/3), ngày Gia đình VN (28/6); ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10)… Ban Nữ công, phối hợp CĐ và Đoàn Thanh niên công ty tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích, thu hút hàng ngàn CNVC-LĐ tham gia. “Nếu như trước đó, vào những ngày của phụ nữ thì chỉ toàn chị em tham gia vui chơi, sinh hoạt cùng nhau, sau này chúng tôi kéo cánh đàn ông cùng tham gia. Ngày 8/3 chúng tôi tổ chức chương trình “Người đàn ông vào bếp”, thi nấu ăn và kết hợp bán buôn món ăn, thi văn nghệ thu hút đông đảo CN và gia thuộc tham dự. Ngày 28/6, chúng tôi tổ chức “Bữa cơm gia đình” gồm cả vợ chồng và con cái cùng tham gia tranh tài. Ngoài ra, còn tổ chức thi hát ru, hát dân ca, thi nữ CN duyên dáng, thanh lịch… Qua các hoạt động này, các chị em trở nên gắn bó, đoàn kết, quan tâm chia sẻ nhiều hơn trong công việc và cuộc sống gia đình”, bà Hiền cho hay.

Bà Hiền cho biết thêm, hoạt động CĐ và phong trào trong nữ CNVC-LĐ Cao su Dầu Tiếng trong nhiều năm qua phát triển khá toàn diện và mang lại hiệu quả thiết thực. Những kết quả đó, phản ánh vai trò của Ban Nữ công và Tổ nữ công các cấp, trong đó Tổ trưởng Tổ nữ công tại đơn vị cơ sở có vai trò quan trọng. “Người làm công tác nữ công, bên cạnh niềm tâm huyết với hoạt động phong trào, còn phải có tấm lòng cảm thông, quan tâm chia sẻ tâm tư nguyện vọng của anh chị em CN. Ngoài ra, còn phải có kiến thức, am hiểu luật, chính sách, chế độ để bảo vệ quyền lợi cho CN. Mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo, phát biểu chính kiến trên các diễn đàn nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ”, bà Hiền chia sẻ.

Bài, ảnh: Bình Nguyên