Càng khó khăn càng gắn bó với ngành

CSVN – Nghiêm túc, trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc. Đó là phẩm chất của chị Trần Thị Thủy – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nông trường Châu Thuận, Công ty CPCS Sơn La.

Ảnh: Vũ Phong

Càng khó càng gắn bó

Chị Trần Thị Thủy sinh năm 1969, quê quán tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, bén duyên với ngành cao su từ năm 2008 cho đến nay. Chị là một trong những cán bộ chủ chốt của công ty ngay từ những ngày đầu thành lập. Từ khi vào làm chị được tín nhiệm làm Đội trưởng Đội Cao su Tông Lạnh. Sau đó Đội Cao su Tông Lạnh được sáp nhập vào Nông trường Châu Thuận.

Năm 2007, thực hiện chủ trương phát triển cây cao su, Công ty CPCS Sơn La đã triển khai trồng 70 ha cây cao su đầu tiên tại bản Tìn và Nà Trang, thị trấn Ít Ong (Mường La). Đến nay, nhiều diện tích cây cao su đã phát triển ra các huyện: Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Yên Châu và Quỳnh Nhai…

Hình thức nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất và trở thành cổ đông của Công ty CPCS Sơn La, đã góp phần tạo việc làm, thay đổi cơ cấu lao động nông thôn, hình thành vùng cây công nghiệp tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, là người con miền Trung ra miền núi phía Bắc để lập nghiệp còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, chị Thủy vẫn không quên được những kỷ niệm ăn sâu vào tiềm thức.

Chị nhớ lại: “Đó là lần đầu khi đặt chân lên Tây Bắc, nhìn thấy núi non trùng điệp biết bao khó khăn của những người đi khai sơn lập địa. Trồng cao su khác với vùng truyền thống cả về khí hậu và đất đai thổ nhưỡng và con người, biết bao câu hỏi sẽ trồng ở đâu, bà con dân bản cũng thắc mắc chưa biết cây cao su là cây gì và trồng như thế nào? Nhưng sau khi được cán bộ kỹ thuật nông trường, công ty hướng dẫn thì bà con đã làm được và rất vui vẻ hợp tác. Nếu không có ý chí và tâm huyết, trách nhiệm với công việc chắc khó trụ lại nơi đây. Dần dần mọi khó khăn đã được khắc phục. Từ đó tôi càng thấy thêm yêu nghề, càng thêm thấy trách nhiệm, hăng say với công việc. Càng khó khăn càng gắn bó với ngành hơn”.

Tâm huyết, trách nhiệm với công việc

Qua quá trình phấn đấu và cống hiến, chị được lãnh đạo tín nhiệm, kết nạp Đảng chính thức vào ngày 27/4/2013. Ở cương vị là Bí thư chi bộ, chị luôn gương mẫu, trách nhiệm với công việc. Với nhiều sự nỗ lực, cố gắng chị đã vinh dự nhận bằng khen, giấy khen của VRG nhiều năm liền. Năm 2011-2012 chị được nhận bằng khen của tỉnh…

Chị Thủy cho biết, Nông trường Châu Thuận hiện quản lý 1.200 ha cao su, đang khai thác 905 ha. Sản lượng của nông trường tính đến tháng 6/2020 đạt 500 tấn mủ đông. Đội ngũ công nhân lao động hiện có 235 người, hầu hết là đồng bào địa phương. Tiền lương bình quân hơn 4,2 triệu đồng/người/tháng.

Với việc phát triển cao su trên miền núi phía Bắc, ngay từ những ngày đầu thành lập nông trường gặp nhiều khó khăn do địa bàn quản lý của nông trường trải dài trên 6 xã, 46 bản cộng với khí hậu khắc nghiệt thay đổi thất thường, trình độ dân trí thấp, NLĐ đa  số là đồng bào địa phương chưa quen với tác phong công nghiệp. Bên cạnh đó, vùng trồng cao su xa nên đường sá đi lại khó khăn.

Nông trường được công ty hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà lớp học mẫu giáo, với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất. Nông trường hiện có 2 điểm trường mẫu giáo Bó Mười và Tông Lạnh, có hỗ trợ tiền ăn và tiền xăng xe cho NLĐ. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nông trường đã và đang quan tâm tạo mọi điều kiện, chăm lo tốt đời sống, việc làm cho NLĐ.

BÌNH AN