Vị đắng của giọt mủ

CSVNO – Chuyện gần đây hai “đại gia” có tiếng giàu có và có tiếng… nợ nần, thừa nhận đang “chết dở” với cây cao su, cho thấy vị đắng của giọt mủ.
Nhiều DN đang lao đao vì "yêu vội" cây cao su.
Nhiều DN đang lao đao vì “yêu vội” cây cao su.

Còn nhớ cách đây dăm năm, tại thời điểm giá cao su đang ở thời hoàng kim, chủ một doanh nghiệp (DN) nêu trên đã hùng hồn tuyên bố: Có bán nhà cũng trồng cao su! Nói là làm. Ông đã không ngần ngại vung dăm ngàn tỉ để đầu tư trồng cao su tại Lào, Campuchia. Không muốn lỡ thời cơ, nhiều DN khác (đặc biệt là ở Tây Nguyên), cũng nhanh nhảu “xí” đất trồng cao su.

Điểm chung của họ là đều “tay ngang” làm cao su; chủ yếu dùng vốn vay để đầu tư và cùng ôm mộng làm giàu từ cây trồng này.

Nhưng thị trường không là thơ và giá cao su không là mơ! Sau khi “lên đỉnh” vào năm 2011, từ năm 2012 đến nay, do thị trường tiêu thụ diễn biến bất lợi, giá cao su như một chiếc xe mất phanh lao dốc vun vút, khiến những ai “lỡ” ngồi trên nó không khỏi… rụng tim!

Một số DN đã dốc tiền tỉ vào cây cao su thực sự vỡ mộng và vỡ nợ! Cao su vào kỳ khai thác nhưng không dám mở cạo, vì càng cạo, càng bán, càng lỗ. Báo cáo tài chính năm 2015 và quý I/2016 của 2 DN nêu trên cho thấy, doanh thu từ mảng cao su giảm mạnh trong khi lỗ từ lĩnh vực này lại tăng lên. Các DN này đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Bỏ thì tiếc (vẫn hi vọng giá cao su phục hồi), vương thì nợ! Nợ cũ nợ mới, nợ lĩnh vực chính và nợ lĩnh vực trồng cao su, lãi mẹ đẻ lãi con…, khiến DN điêu đứng, phải cầu cứu các ngân hàng chủ nợ và Ngân hàng Nhà nước.

Thực tiễn cho thấy: Cây cao su đem lại niềm vui và giúp đổi đời nhiều người, nhưng nó cũng mang đến nỗi buồn và những giọt nước mắt cho những ai “yêu vội” chúng. Thiếu am hiểu quy trình kỹ thuật, non kinh nghiệm, vốn mỏng, thiếu bạn hàng… nhưng vẫn “liều mạng” với cây cao su thì khó có thể thành công.

Trồng cao su bây giờ không thể phó mặc cho trời. Ngoài kinh nghiệm thì còn cần rất nhiều hàm lượng khoa học kỹ thuật theo một chuỗi liên hoàn, từ khâu xác định điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp, các giống cao su tiên tiến hợp từng vùng miền, đến quy trình chăm sóc bài bản, khai thác đúng quy trình kỹ thuật, chế biến đúng quy chuẩn v.v…

Là cây công nghiệp dài ngày, cây cao su cần nguồn vốn lớn để đầu tư chăm sóc, khai thác, chế biến, nhất là trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Nếu không trường vốn và chủ yếu sử dụng vốn vay, khi khâu tiêu thụ bế tắc và giá bán thấp thì cầm chắc lỗ!

Làm cao su không thể tư duy theo kiểu “đánh nhanh rút gọn”. Là cây công nghiệp dài ngày, cây cao su cắm chặt rễ vào đất để sinh trưởng, còn người làm cao su cũng phải xác định gắn bó lâu bền với cây. Trong suốt chu kỳ có thể có vài mùa vụ thất thu, nhưng nếu vẫn chăm sóc đàng hoàng, vẫn kiên trì gắn bó thì giá trị kinh tế cây cao su đem lại vẫn khá ổn.

Cũng vì tâm huyết với cây cao su mà ở nước ta có không ít DN có bề dày hoạt động vài chục năm. Cũng vì trọn tình với cây, chung thủy với nghề mà có nhiều gia đình có 4-5 thế hệ làm công nhân cao su. Rất nhiều trong số họ đã đổi đời nhờ làm cao su và không bao giờ xa cây, bỏ nghề, dù khó khăn đến đâu…

Suy cho cùng, người phụ cây chứ cây chẳng phụ người.

Phi Long