Phát huy truyền thống, viết tiếp trang sử hào hùng

CSVN – Cứ đến tháng 10 trong tôi lại ùa về những cảm xúc thật đặc biệt: Vinh dự và tự hào! Dường như đó là cảm xúc riêng có của những người làm cao su, gắn bó với cây cao su Việt Nam.

Ảnh: Vũ Phong.
Mốc son sáng ngời về truyền thống đấu tranh cách mạng

Đến nay đã là 125 năm hạt cao su đầu tiên nảy mầm tại Suối Dầu – Nha Trang (1897) qua biết bao thăng trầm của lịch sử, cao su đã sống được, tồn tại và phát triển suốt thời kỳ lịch sử đầy biến động, nó đã từng mệnh danh là “cây thuộc địa”, dân phu gọi là “cây nước mắt”, với cách hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Sự thay đổi chính sách thuộc địa của thực dân đế quốc được tư bản Pháp mạnh dạn đầu tư mở rộng các đồn điền cao su tại miền Đông Nam Bộ, do đã có thử nghiệm trồng ở Tây Nguyên – Trung bộ và cả Bắc bộ, nhưng để tối đa hóa lợi nhuận họ đã chọn vùng đất này thành trung tâm phát triển cao su hiệu quả cao nhất, những ông chủ tư bản Pháp đã trồng hàng trăm ngàn ha cao su, và cũng từ đó hình thành đội ngũ công nhân cao su đi phu, công tra di cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào các đồn điền. Với chính sách bóc lột điển hình của chủ nghĩa tư bản hà khắc lúc ấy, đời người phu cao su chẳng khác nào là thân trâu ngựa, làng cao su như địa ngục trần gian. Cuộc sống cơ cực của hàng trăm ngàn phu cao su và gia đình họ phải chịu cảnh đời của người dân mất nước, thân phận nô lệ cho chủ Tây. Sự bóc lột hà khắc của tư bản, sự tàn bạo của hệ thống quản lý đồn điền bằng roi – cúp phạt, sự mong manh số phận con người trước ốm đau, bệnh tật, đòn roi và nhất là bệnh sốt rét hoành hành…Tất cả được lột tả đầy đủ qua 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

Bán thân đổi mấy đồng xu

Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng…

Cũng chính trong môi trường gông xiềng áp bức đó, người dân phu cao su đã sớm ý thức được “giá trị” của mình, thể hiện hệ quả tất yếu “ở đâu có áp bức là ở đó có đấu tranh”. Không phải đấu tranh tự phát để bộc phát tức giận phản kháng đế quốc phong kiến,

mà sớm biết tìm đến ngọn cờ chính nghĩa của Đảng để đoàn kết tranh đấu cho các tầng lớp công nhân cao su và cho cả dân tộc. Chính vì vậy việc chi bộ Phú Riềng Đỏ (28/10/1929) sớm ra đời như một mốc son sáng ngời về truyền thống đấu tranh cách mạng của công nhân cao su VN.

Nhìn lại lịch sử đấu tranh của cách mạng nước nhà, miền Bắc có một đội ngũ công nhân ngành than cũng có bề dày lịch sử hào hùng. Đó là ngày 12/11/1936, hơn 3 vạn thợ mỏ đứng lên đấu tranh chống lại sự bóc lột của thực dân, đòi quyền lợi với khí thế sục sôi và tinh thần đoàn kết nên cuộc bãi công thắng lợi. Như vậy cùng với giai cấp công nhân VN, đội ngũ công nhân cao su có truyền thống sớm nhất, thật đáng tự hào. Cũng chính vì vậy mà lớp lớp các thế hệ công nhân cao su luôn trân quý truyền thống vẻ vang của ngành qua các thế hệ cha anh giữ gìn và vun đắp. Có thể tự hào khẳng định rằng, khó có đội ngũ công nhân ngành khác được thừa hưởng những giá trị mang tính lịch sử to lớn như vậy.

Vững niềm tin

Ôn lại những trang sử hào hùng để chúng ta giữ vững niềm tin vào truyền thống vẻ vang của ngành, niềm tin vào Đảng, tin vào sự nghiệp đổi mới của đất nước; niềm tin vào sự phát triển bền vững của VRG trong muôn vàn khó khăn thử thách hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, thời kỳ khó khăn nào cho bằng thời phu công tra, nhưng lớp lớp cha anh vẫn vượt qua cùng đất nước để lại một vườn cây, một đội ngũ công nhân cao su lớn mạnh như ngày nay. Khó có thể so sánh được thời nào – giai đoạn nào dễ hơn hay khó hơn, vì mỗi giai đoạn đều có những tính chất – đặc điểm riêng biệt của từng thời kỳ lịch sử nhất định cụ thể. Bởi hiện nay thách thức đặt ra không phải là dễ dàng khi cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang đòi hỏi từ VRG đến các công ty thành viên nắm bắt chuyển đổi nhằm tăng hiệu quả đầu tư, tăng năng suất vườn cây, tăng thu nhập cho trên 80 ngàn lao động, trong sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng giữa các nước sản xuất cao su thiên nhiên trên thế giới, vì vậy nó vừa là thách thức là cơ hội để cao su phát huy giá trị của mình. Ngoài khẳng định giá trị truyền thống hào hùng 93 năm ngành cao su VN, VRG đã đang và sẽ tiếp tục phát huy kiến tạo giá trị mới của mình cùng đất nước, khi ta đã có hành trang, đủ dũng khí chống chọi những khó khăn thách thức rất lớn không phải chỉ trong ngắn hạn.

Đó là, hãy tự tin vận hành bộ máy khá hoàn chỉnh của một tập đoàn Nhà nước đã cổ phần hóa. Một tập đoàn không những có quy mô lớn có lợi thế đất đai để phát triển, mà đó còn là cơ hội để phát triển toàn diện trong tương lai gần. Bên cạnh đó, việc mạnh dạn mở rộng các khu công nghiệp – dịch vụ từ lợi thế vốn có của mình, nhất là ứng dụng nông nghiệp sạch – công nghệ cao cũng là những hướng đi tích cực, hiệu quả, đầy tiềm năng.

Phát huy nguồn nhân lực, viết tiếp trang sử hào hùng

Nhưng trên hết đó là phát huy tối đa nguồn nhân lực hiện có trong 8 vạn NLĐ, hướng tới phát triển bền vững là mục tiêu, động lực trong toàn hệ thống của mình. Chúng ta tin tưởng vào đội ngũ công nhân lành nghề, chịu thương chịu khó miệt mài trên vườn cây, nhà máy… Với tôi, hiện tại NLĐ vẫn mang ý nghĩa quyết định đến năng suất LĐ, năng suất vườn cây và chịu tác động lớn của các chính sách quản lý tổng hợp của các cấp quản trị. Vì vậy không những phải coi trọng vị trí trung tâm là N LĐ có tay nghề gắn bó với cao su bằng những chính sách nhân văn – khoa học, tất cả thể hiện ý chí: “Cao su – Dòng chảy cuộc sống”. Đối với thế hệ trẻ làm cao su hôm nay, ngoài việc thừa hưởng giá trị truyền thống của ngành, họ còn được rèn luyện học tập bài bản, đó đầy đủ phẩm chất năng lực để đưa ngành cao su nối tiếp truyền thống, đưa ngành vượt qua khó khăn thử thách, tận dụng thời cơ, phát huy tiềm năng lợi thế, đoàn kết trên dưới một lòng. Thắng không kiêu – bại không nản, dù thử thách và khó khăn đến mấy chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua để viết tiếp trang sử hào hùng Tập đoàn CNCS Việt Nam.

MINH ANH