Vì một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

CSVN – Cần giải pháp đồng bộ và sự chuẩn bị về cơ sở vật chất cùng chất xám của đội ngũ nhà khoa học, cán bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn, sự đầu tư chú trọng của lãnh đạo doanh nghiệp, cùng hướng đến vì ngành cao su nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung hiện đại, phát triển bền vững.

Ứng dụng chuyển đối số vào ngành nông nghiệp là việc cần thiết. Ảnh: Phần mềm quản lý vườn cây của Cao su Phú Riềng

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 749/QÐ-TTG về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó nông nghiệp được xác định là một trong những ngành ưu tiên chuyển đổi số.

Nhóm ngành nông, lâm nghiệp cũng là 1 trong 6 nhóm ngành ưu tiên trong Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên phát triển mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tự động.

Điều đó cho thấy sự cần thiết của việc triển khai chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp là đầu tàu, mô hình mẫu để triển khai trong toàn ngành. Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là dựa trên nền tảng dữ liệu đã được số hóa. Thực hiện xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, cây trồng, điều kiện môi trường, thời tiết… tiến tới việc sử dụng dữ liệu phục vụ công tác trồng trọt, chăm sóc, khai thác, thu hoạch.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra các nông sản chất lượng cao. Tuy nhiên để tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số tích cực hơn nữa.

Theo đó, trước tiên cần xác định việc chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Trong đó, chú trọng xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản…

Thiết lập mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai…, để nông dân biết, tìm cách nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Đối với ngành cao su, định hướng trong thời gian tới là nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả vườn cây, sản phẩm. Để đạt mục tiêu này vai trò của khoa học công nghệ, đặc biệt là áp dụng chuyển đổi số cần phải được chú trọng, nói cách khác là điều kiện tiên quyết.

Cần giải pháp đồng bộ và sự chuẩn bị về cơ sở vật chất cùng chất xám của đội ngũ nhà khoa học, cán bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn, sự đầu tư chú trọng của lãnh đạo doanh nghiệp, cùng hướng đến vì ngành cao su nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung hiện đại, phát triển bền vững.

QUỐC AN