Tận tâm với công việc, hết lòng vì công nhân

CSVN – Hơn 16 năm làm công tác quản lý, dù ở cương vị nào anh Vương Đức Thông cũng được người lao động, nhất là công nhân (CN) hết lòng yêu quý vì những việc anh đã làm.
Anh Vương Đức Thông thăm hỏi công nhân Nông trường Ia Tiêm trong bữa ăn ca.
Anh Vương Đức Thông thăm hỏi công nhân Nông trường Ia Tiêm trong bữa ăn ca.
Sát cánh cùng công nhân trong những ngày đầu

Anh Vương Đức Thông có 22 năm công tác ở Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, trải qua nhiều vị trí từ bảo vệ nông trường, rồi Tổ trưởng chăm sóc đến cấp quản lý cơ sở như Phó GĐ kiêm Chủ tịch Công đoàn (CĐ) NT Ia H’lốp, GĐ NT Ia Tiêm trước khi về làm Chủ tịch CĐ công ty cuối năm 2009 cho đến nay. Quãng thời gian ấy cũng đủ để anh cảm nhận và thấu hiểu cuộc sống, văn hóa và con người CN cao su của đơn vị mình, nhất là CN đồng bào dân tộc thiểu số.

Sự nghiệp của anh bắt đầu từ người bảo vệ nông trường. Những tháng ngày sát cánh với CN ngoài lô, anh đã thấu hiểu phần nào cuộc sống gian nan, khổ cực của người CN nói chung và người CN dân tộc thiểu số nói riêng. Chính vì thế, trên cương vị người quản lý, người lãnh đạo và là người đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động, anh vẫn luôn gần gũi hỏi thăm, động viên và nhắc nhở anh em tận tâm với công việc.

Anh chia sẻ về quãng thời gian ấy: “Lúc cao su mới đi vào khai thác người CN vui mừng lắm, vui vì cuộc sống của mình được nâng lên đáng kể nhờ thu nhập từ việc cạo mủ. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là kỹ thuật bởi họ chưa hề định hình được công việc của mình, mặt khác trình độ nhận thức của người CN nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng còn rất hạn chế. Cùng với đó là ngôn ngữ, văn hóa giữa các dân tộc chưa gần lại nhau như bây giờ, vì thế rất khó khi triển khai công việc, tuyên truyền phổ biến nội quy, quy chế của nông trường, công ty”.

[stextbox id=”stb_style_259398″]5 năm làm Chủ tịch Công đoàn công ty, anh luôn canh cánh bên lòng làm sao để có thể tiếp tục giúp đỡ cho người lao động, nhất là đồng bào nghèo có thể cải thiện đời sống từ lương, thu nhập và cả kinh tế gia đình…
Anh thường xuyên gặp gỡ CN để thăm hỏi, động viên, bàn bạc với anh em trong công ty cùng nhau phối hợp giúp công nhau vay vốn phát triển kinh tế gia đình, cũng như tạo điều kiện cho CN có sân chơi tinh thần.[/stextbox]

“Do vậy, cán bộ nói chung, cá nhân tôi nói riêng phải có mặt thường xuyên từ sáng sớm trên lô, cùng với thời gian CN đi cạo, nhiều khi phải vào tận làng, tận nhà đánh thức họ dậy để đi cạo. Thời kỳ đó, người CN vẫn chưa có tác phong làm việc công nghiệp và còn nặng nề với hủ tục lạc hậu, nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn”, anh kể.

Xuống tận lô thăm công nhân trong ngày nghỉ

Khoảng thời gian anh Vương Đức Thông làm lãnh đạo ở cơ sở cũng là thời kỳ Tây Nguyên đang là điểm nóng về an ninh chính trị – trật tự xã hội. Vì thế anh thường xuyên tiếp xúc với người lao động hơn, nắm rõ được tâm tư tình cảm của CN, những khó khăn và thuận lợi trong cuộc sống cũng như nhận được nhiều điều chia sẻ từ họ.

Từ những trải nghiệm ấy, anh nhận thức rõ trách nhiệm của mình cần phải làm gì để cho CN có điều kiện tốt nhất hoàn thành được công việc, hài hòa giữa việc công ty với việc gia đình. Với tình yêu nghề, yêu
thương CN nên anh luôn được họ hết lòng quý mến, kính trọng. Hiện nay trên cương vị Chủ tịch CĐ công ty, nhiệm vụ và trách nhiệm của anh càng nặng nề hơn, nhưng không vì thế mà anh xa rời người lao động.

Hàng tuần anh cùng Ban TGĐ công ty xuống tận lô nơi CN khai thác, hỏi thăm tình hình đời sống hiện tại, có những khó khăn và thuận lợi gì, mong muốn lúc này của họ ra sao. Nhiều CN hết sức bất ngờ, vui mừng và cảm kích trước việc làm này của lãnh đạo công ty, CĐ đến thăm mình, kể cả vào những ngày nghỉ. những lời động viên của người đứng đầu công ty, CĐ công ty trong những ngày nghỉ chính là niềm động viên lớn lao cho mỗi CN phấn đấu khai thác hoàn thành và vượt kế hoạch được giao.

Mặc dù vậy, anh cũng cho biết: “Người làm công tác CĐ chúng tôi vẫn còn khó khăn là làm sao để nói người lao động nghe và hiểu chủ trương của ngành, của công ty trong tình hình nhận thức người lao động ngày một cao, các phương tiện thông tin đại chúng khá phổ biến, đặc biệt là Internet. Điều khó là làm sao để có thể truyền tải thông tin, thông điệp của công ty đến người lao động đúng lúc, kịp thời, có như vậy mới phát huy được hiệu quả trong công tác tuyên truyền”.

Bài, ảnh: Văn Vĩnh